Thứ Hai, 21/10/2013, 05:45 (GMT+7)
.

KS Nông Thành Thái: Làm theo Bác tạo động lực nghiên cứu và thực hành

Học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác, Kỹ sư Nông Thành Thái đã miệt mài tìm tòi, nghiên cứu để cho sinh sản thành công các loài cá bản địa như: Cá ét mọi, cá linh tròn, cá hô, cá cóc…, góp phần tái tạo nguồn lợi thủy sản tự nhiên đang ngày càng cạn kiệt, mở ra bước phát triển mới trong nghề nuôi cá nước ngọt. Với những thành tích trên, vừa qua, anh được Đảng ủy Khối Các cơ quan tỉnh tặng Giấy khen đột xuất vì có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo Bác.

NGƯỜI TRẠI TRƯỞNG GẮN BÓ VỚI ANH EM

Đến Trại giống Thủy sản Cổ Lịch (Hòa Hưng, Cái Bè), hỏi thăm kỹ sư Nông Thành Thái, chúng tôi được nhân viên của trại chỉ một người đàn ông có làn da ngâm đen, đang cùng với anh em trầm mình dưới ao để kiểm tra cá giống.

Hỏi anh Thái, là Phó Giám đốc Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh, kiêm Trưởng trại giống mà sao không để những việc đó cho anh em nhân viên làm? Anh cười giải thích: Mình không trực tiếp tham gia thì làm sao theo dõi được quy trình phát triển của con giống để có hướng điều chỉnh thích hợp. Ở đây, anh em coi nhau như trong gia đình, không phân biệt ai là lãnh đạo, ai là “lính”, ai cũng phải làm như nhau.

Anh Thái chia sẻ: Qua hưởng ứng phong trào thi đua học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, anh đã nâng cao nhận thức, từ đó tự giác học tập, nghiên cứu và gương mẫu thực hiện theo tấm gương đạo đức của Người. Anh đã tự nghiên cứu để nâng cao trình độ chuyên môn, khắc phục khó khăn, sáng tạo trong công việc để hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao.

“Sản xuất giống là công việc đặc thù, mang tính mùa vụ và theo yêu cầu của khách hàng. Vì vậy phải thường xuyên làm việc ban đêm và cả những ngày cuối tuần, hay dịp lễ. Do đó, ai không yêu nghề thì khó gắn bó với công việc này” - người kỹ sư đã gắn bó với nghề 24 năm chia sẻ.

Kỹ sư Nông Thành Thái (bên trái) cùng tham gia làm việc với anh em để theo dõi quy trình phát triển của con giống.
Kỹ sư Nông Thành Thái (bên trái) cùng tham gia làm việc với anh em để theo dõi quy trình phát triển của con giống.

Hiện nay, dù trại chỉ có 7 người, nhưng đã sản xuất nhiều giống cá nước ngọt như: Cá tra, cá dồ đém, cá linh, cá mè trắng, cá trôi, cá chim trắng… Bên cạnh đó, trại còn sản xuất một số giống cá bản địa như: Cá hô, cá cóc, cá ét mọi, cá tra bần, cá nanh heo… Liên tục qua các năm 2010, 2011 và 2012, Trại giống thủy sản Cổ Lịch luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ. Riêng năm 2012, lần đầu tiên doanh thu của trại giống đạt 1,36 tỷ đồng.

Có được kết quả trên là do anh em trại viên cùng đồng tâm hiệp lực, làm việc trên tinh thần hết việc chứ không hết giờ, với trách nhiệm cao, luôn xem công việc chung của trại là công việc của mình. Hỏi anh vì sao anh em trại viên tích cực như vậy? Anh Thái cho biết: Để nâng cao tinh thần trách nhiệm của anh em, bản thân là trại trưởng thì phải nêu gương, cùng ăn, cùng ở, cùng làm với anh em, không phân biệt lãnh đạo hay nhân viên.

NGƯỜI KỸ SƯ TÂM HUYẾT VỚI NGHỀ

Cá linh tròn là loài cá nước ngọt, sống chủ yếu ở sông ngòi, đồng ruộng vùng Đồng bằng sông Cửu Long, thường xuất hiện vào mùa lũ. Cá linh được chế biến thành nhiều món ăn ngon nổi tiếng, là đặc sản của vùng miền. Nhu cầu làm thực phẩm từ cá linh rất lớn, đa dạng và phong phú, vừa tiêu thụ nội địa, vừa được chế biến đóng hộp xuất khẩu.

Tuy nhiên, việc khai thác, cung ứng cá linh còn phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên, mang tính chất mùa vụ, sản lượng khai thác ngày càng giảm, không đáp ứng đủ nhu cầu của xã hội. Trước tình hình đó, đã có một số người sử dụng cá trôi giống (cá Rohu) thay thế cá linh để làm thực phẩm.

Trước thực trạng trên, anh Thái quyết định: Sản xuất giống nhân tạo là giải pháp quan trọng để vừa giải quyết phần nào nhu cầu về thực phẩm, vừa bảo vệ và phục hồi nhanh nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiệt. Vì vậy, đề tài “Sinh sản nhân tạo, ương nuôi cá linh tròn thương phẩm” được triển khai thực hiện.

Sau một thời gian dài tìm tòi, thử nghiệm, quy trình sinh sản nhân tạo cá linh tròn đã hoàn chỉnh. Việc sinh sản nhân tạo thành công giống cá linh tròn có ý nghĩa rất lớn về mặt xã hội và kinh tế, giúp chủ động tạo ra sản lượng hàng hóa đáp ứng cho nhu cầu chế biến thực phẩm, góp phần tái tạo nguồn thủy sản, giúp chủ động sản xuất ra cá linh thương phẩm quanh năm, giảm bớt sự phụ thuộc vào tự nhiên có tính chất mùa vụ. Điều đặc biệt là, từ sự thành công này sẽ là tiền đề để từng bước phát triển loài cá linh tròn trở thành đối tượng nuôi mới trong nghề nuôi cá nước ngọt.

Tốt nghiệp đại học năm 1989, chuyên ngành Nuôi trồng thủy sản, từ đó đến nay, người kỹ sư tâm huyết với nghề Nông Thành Thái khôn nguôi trăn trở với việc tạo ra con giống, nhất là các loài cá bản địa dần có nguy cơ tuyệt chủng. Chính vì vậy, Kỹ sư Thái đã tìm tòi, nghiên cứu để sản xuất giống cá ét mọi. Đây là loài cá nước ngọt, sống chủ yếu ở ao, hồ thuộc vùng ĐBSCL, thịt thơm ngon. Sau nhiều năm tìm hiểu, nghiên cứu, thử nghiệm, đến tháng 6 vừa qua anh đã cho sinh sản nhân tạo thành công loài cá này.

Đây là niềm vui và cũng là sự khích lệ rất lớn để anh Thái và nhóm kỹ thuật viên của trại giống tiếp tục nghiên cứu, sinh sản nhân tạo một số loài cá bản địa khác như: Cá hô đất, cá cóc, cá nanh heo… Kỹ sư Thái phấn khởi: Hy vọng trong thời gian không xa, các loài cá này sẽ được sinh sản nhân tạo và ương lên cá giống như loài cá ét mọi.

Kỹ sư Nông Thành Thái là một minh chứng cho việc học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đó là: Làm theo Bác bằng sự nỗ lực không ngừng để hoàn thành tốt nhất công việc chuyên môn của mình.

NGUYÊN CHƯƠNG

.
.
.