Thứ Ba, 07/12/2021, 14:37 (GMT+7)
.

Nữ tiến sĩ đam mê nghiên cứu khoa học

Trong thời gian công tác, Tiến sĩ Lê Thị Loan, Phó Trưởng phòng Giáo dục trung học - Giáo dục thường xuyên, Sở Giáo dục và Đào tạo Tiền Giang, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, không ngừng học tập bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn. Đặc biệt, chị Loan còn đam mê nghiên cứu khoa học, ứng dụng kiến thức để có những sáng kiến bảo vệ môi trường, góp phần cho công tác bảo vệ môi trường tỉnh nhà.

Theo đó, chị Loan đã nghiên cứu thành công sáng kiến “Ứng dụng các nhóm vi khuẩn chuyển hóa Nitơ, tích lũy Poly-Photphat, vi khuẩn kết tụ sinh học và kết hợp với lục bình để xử lý nước thải tại các cơ sở sản xuất hủ tiếu Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang”. Đề tài đạt giải Khuyến khích - Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Tiền Giang lần thứ XIII (năm 2018 - 2019), được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Bằng Lao động sáng tạo năm 2020.

Nói về sáng kiến của mình, chị Loan cho biết, tại Tiền Giang, Làng nghề sản xuất bánh bún, hủ tiếu với thương hiệu “Hủ tiếu Mỹ Tho” vẫn thường xả nước thải với đặc trưng là thành phần tinh bột trực tiếp ra sông không qua xử lý nên các chỉ tiêu cơ bản của nước thải như: TSS, BOD5, tổng Nitơ, Orthophosphate... đều vượt quá tiêu chuẩn cho phép.

Vào năm 2018, một cơ sở sản xuất bánh hủ tiếu tại xã Mỹ Phong, TP. Mỹ Tho bị Phòng Tài nguyên và Môi trường TP. Mỹ Tho lập biên bản vì có hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường. Do chỉ số BOD5 vượt 20,06 lần và Nitơ vượt 1,6 lần so với quy chuẩn theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải loại B (QCVN 40:2011/BTNMT) của Bộ Tài  nguyên và Môi trường.

Trước thực trạng trên, chị Loan đã tìm hiểu, bắt tay vào nghiên cứu, chuẩn bị hóa chất, nuôi cấy và ủ vi sinh vật tại Phòng Thí nghiệm vi sinh vật môi trường, Viện Nghiên cứu và Phát triển công nghệ sinh học - Trường Đại học Cần Thơ.

Bố trí thí nghiệm và xử lý nước thải tại cơ sở sản xuất hủ tiếu Mỹ Tho nơi từng bị Phòng Tài nguyên và Môi trường TP. Mỹ Tho lập biên bản. Khi nhận kết quả tại Trung tâm Kỹ thuật và Công nghệ sinh học Tiền Giang, chị Loan hết sức vui mừng, vì sáng kiến của mình đã thành công. Bởi sau quá trình xử lý bằng vi khuẩn xử lý đạm, lân và lục bình, tất cả các chỉ tiêu đều đạt tiêu chuẩn quy định.

Sáng kiến này có khả năng áp dụng rộng rãi cho những hộ dân, cơ sở sản xuất bánh hủ tiếu với vật liệu dễ kiếm, thay thế cho các phương pháp xử lý nước thải bằng hóa chất, có khả năng áp dụng ở quy mô công nghiệp. Sáng kiến giúp tiết kiệm chi phí cho mỗi cơ sở sản xuất khoảng 200 triệu đồng/năm. Nếu được áp dụng cho 8 cơ sở sản xuất bánh hủ tiếu tại ấp Hội Gia, xã Mỹ Phong, TP. Mỹ Tho sẽ tiết kiệm số tiền khoảng 1,6 tỷ đồng/năm.

Chị Loan cho biết: “Đề tài được thực hiện trong quá trình tôi là nghiên cứu sinh, vừa làm việc ở cơ quan, vừa thực hiện đề tài, đôi lúc tôi cảm thấy rất vất vả. Có nhiều ngày liên tục, tôi phải ngược xuôi từ TP. Cần Thơ về Mỹ Tho. Bên cạnh đó, gia đình còn có con nhỏ, chồng tôi lại đi công tác, thường xuyên vắng nhà. Tuy nhiên, với mong muốn ứng dụng kiến thức, góp phần bảo vệ môi trường; đồng thời, nhờ sự động viên của gia đình và sự ủng hộ, luôn tạo điều kiện của lãnh đạo đơn vị nên tôi đã cố gắng vượt qua khó khăn, nghiên cứu thành công đề tái sáng kiến trên”.

Ngoài ra, năm 2019, chị Loan còn có 2 công trình nghiên cứu sáng tạo đăng trên Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, gồm: “Tối ưu hóa khả năng tổng hợp chất kết tụ sinh học của chủng vi khuẩn Bacillus subtilis PRO.01.C và thử nghiệm xử lý nước thải sau chế biến sữa đậu nành” và “Tối ưu hóa khả năng tổng hợp chất kết tụ sinh học của chủng vi khuẩn Bacillus subtilis PRO.01.B và thử nghiệm xử lý nước thải từ cơ sở sản xuất bún”.

Đối với chị Loan, việc học tập là vô cùng cần thiết và quan trọng. Với việc vận dụng câu nói của Lênin “Học, học nữa, học mãi!”, chị đặt mục tiêu phải luôn nâng cao trình độ chuyên môn, đáp ứng yêu cầu công việc hiện nay. Từ đó, chị không ngừng trau dồi nâng cao kiến thức, tham gia học tập bồi dưỡng trình độ chuyên môn. Kết quả, vào tháng 3-2021, chị Loan bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ cấp trường, chuyên ngành Vi sinh vật học tại Trường Đại học Cần Thơ.

Hiện chị đang thực hiện Đề tài nghiên cứu cấp tỉnh “Giáo dục kỷ luật tích cực đối với học sinh trung học phổ thông nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện học sinh và phòng, chống bạo lực học đường tại tỉnh Tiền Giang” theo Quyết định 1745 ngày 19-6-2020 của UBND tỉnh Tiền Giang về việc phê duyệt danh mục nhiệm vụ khoa học và công nghệ triển khai năm 2020 - 2021.

LÝ OANH

.
.
Liên kết hữu ích
.