Thứ Tư, 20/07/2022, 11:19 (GMT+7)
.
CUỘC THI SÁNG TẠO THANH, THIẾU NIÊN VÀ NHI ĐỒNG HUYỆN TÂN PHÚ ĐÔNG LẦN THỨ VIII:

2 học sinh sáng chế 5 sản phẩm đoạt giải

Tham dự Lễ tổng kết Cuộc thi Sáng tạo thanh, thiếu niên và nhi đồng huyện Tân Phú Đông lần thứ VIII, năm 2021 - 2022, điều gây ấn tượng với đại biểu tham dự là 2 em Võ Hoàng Anh, Lê Thành Trọng (học sinh lớp 11 Trường THCS và THPT Phú Thạnh, huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang) có 5 sản phẩm được trao giải Cuộc thi cấp huyện. Đặc biệt, trong đó có 2 sản phẩm đoạt giải Nhất.

 THIẾT BỊ HỖ TRỢ MANG GĂNG TAY Y TẾ

Em Võ Hoàng Anh cho biết, qua quan sát thực tế, nhận thấy găng tay y tế được làm từ chất liệu nhựa và khá mỏng. Việc thao tác nhiều và liên tục như nhân viên y tế đôi khi phải mất thời gian thay găng tay mới. Trong trường hợp khẩn cấp hay cần xử lý tình huống gấp (nhất là trong phòng, chống dịch), nếu thao tác không chuẩn có thể làm găng tay bị rách. Từ đó, 2 em nảy sinh ý tưởng và sáng chế ra “Thiết bị hỗ trợ mang găng tay y tế”.

2 em Võ Hoàng Anh và Lê Thành Trọng trình diễn “Thiết bị hỗ trợ mang găng tay y tế”
2 em Võ Hoàng Anh và Lê Thành Trọng trình diễn “Thiết bị hỗ trợ mang găng tay y tế”.

Thiết bị này tích hợp tính năng 2 trong 1: Vừa sát khuẩn không tiếp xúc kết hợp hỗ trợ mang găng tay. Thiết bị có cấu tạo gồm: Nguồn điện 12 V, mô-tơ mini 12 V, rờ-le đóng ngắt mạch điện, cảm biến khoảng cách, hũ nhựa (lắp bên trong bục gỗ) để chứa găng tay (đáy hũ có khoét lỗ và lắp ống nhựa nối với mô-tơ để hút không khí từ hũ nhựa ra ngoài)…

Về vận hành, trước khi mang găng tay, đưa tay vào vòi sát khuẩn (khoảng cách từ 3 cm trở đi), cảm biến vật cản của thiết bị sát khuẩn sẽ phát tín hiệu để rờ-le đóng mạch điện, mô-tơ khởi động bơm nước sát khuẩn cho đôi tay.

Tiếp theo, ta bước sang vị trí cảm biến vật cản (đồng thời đặt găng tay vào hũ nhựa theo hướng thẳng đứng), rờ-le đóng mạch điện giúp mô-tơ khởi động hút không khí trong hũ nhựa ra, găng tay khi đó sẽ phồng lên, ta chỉ việc cho các ngón tay vào găng tay một cách dễ dàng. Để mang găng cho bàn tay còn lại, ta bước sang một bên, rồi bước lại vị trí cũ để cảm biến nhận diện vật cản và quy trình vận hành được lặp lại tương tự.  

THIẾT BỊ THÔNG BÁO TAI NẠN GIAO THÔNG

Theo em Lê Thành Trọng, được chứng kiến nhiều vụ tai nạn giao thông trên đường, việc liên lạc với người thân hay gia đình của người bị tai nạn đôi lúc gặp khó khăn (do điện thoại bị khóa mật khẩu), nhất là khi nạn nhân lưu thông một mình vào ban đêm. Từ đó, em cùng với bạn Võ Hoàng Anh cùng nghiên cứu tạo ra “Thiết bị thông báo tai nạn giao thông” rất hữu dụng.

Thiết bị này được đặt trong cốp xe. Khi xảy ra tai nạn, xe máy bị ngã, cảm biến nghiêng sẽ bị lệch phương so với ban đầu, từ đó phát ra tín hiệu gửi về mạch điều khiển (UNO R3) và truyền tín hiệu đến mạch Module sim; đồng thời, điện thoại sẽ kết nối và gửi tin nhắn về số điện thoại người thân đã được cài đặt sẵn trong mạch UNO R3.

Ngay sau khi nhận được tin nhắn hay cuộc gọi từ số máy của người bị nạn, người nhà có thể điện thoại trở lại để xác nhận thân nhân của mình bị ngã xe hay bị tai nạn (nếu không trả lời điện thoại). Trường hợp không liên lạc được qua điện thoại, người nhà có thể mở định vị GPS để xác định vị trí xảy ra tai nạn (nếu có) để phối hợp với người dân hoặc lực lượng SOS đưa nạn nhân đi cấp cứu kịp thời.

Thầy Trương Luân, giáo viên Trường THCS và THPT Phú Thạnh, người trực tiếp hướng dẫn 2 em Võ Hoàng Anh, Lê Thành Trọng thực hiện các sản phẩm đoạt giải cho biết, các sản phẩm do 2 em sáng tạo ra thể hiện tính mới, tính sáng tạo và khả năng ứng dụng.

Đặc biệt, “Thiết bị thông báo tai nạn giao thông” rất hữu ích trong một số trường hợp người bị tai nạn cần được hỗ trợ cấp cứu kịp thời để giảm thiểu nguy cơ tử vong. Ngoài 2 sản phẩm đoạt giải Nhất, 2 em còn có 1 sản phẩm đoạt giải Nhì và 2 sản phẩm được trao giải Khuyến khích Cuộc thi cấp huyện.

HUỲNH VĂN XĨ 

 

.
.
.