Thứ Hai, 15/11/2021, 09:31 (GMT+7)
.
HỘI THI SÁNG TẠO KỸ THUẬT TỈNH TIỀN GIANG:

Khi sản phẩm đoạt giải đi vào sản xuất

Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Tiền Giang (gọi tắt là Hội thi) lần thứ XIV, năm 2020 - 2021 đã thu hút sự quan tâm, hưởng ứng rộng rãi của người lao động và trí thức, với nhiều mô hình, sản phẩm đã đi vào cuộc sống. Ban Tổ chức Hội thi xin giới thiệu 2 sản phẩm đoạt giải và được đánh giá cao về sự ứng dụng của khoa học - kỹ thuật vào sản xuất.

DÂY CHUYỀN SẢN XUẤT BỘT SỮA DỪA

Đây là dây chuyền dùng tháp sấy phun để chuyển nước cốt dừa thành bột sữa dừa. Nước cốt dừa sau khi được lấy từ việc ép cốt dừa chuyển đến bồn trộn. Tại đây, nước cốt sẽ trộn một số thành phần vi lượng và chất khô cần thiết, sau khi trộn xong sẽ được đồng hóa và tạo áp để phun sương vào tháp sấy thông qua các béc phun. Gió nóng dây chuyền máy được gia nhiệt lên đến 2000C qua bộ trao đổi nhiệt.

Hạt sương phun ra được gia nhiệt và bốc hơi nước nhanh chóng để trở thành hạt bột và rơi xuống dưới. Hơi nước bốc ra được lấy ra ngoài qua hệ thống gió thải và thu hồi bụi Cyclone. Sản phẩm rơi xuống được làm nguội đến dưới 350C và đưa đến sàn rung để tách các hạt kích thước lớn. Sản phẩm qua lưới được lấy ra ngoài đóng bao và lưu trữ.

Dây chuyền sản xuất của anh Nguyễn Văn Hòa đang sản xuất thành công tại Công ty TNHH Dừa Định Phú Mỹ (Bến Tre).
Dây chuyền sản xuất của anh Nguyễn Văn Hòa 

Ông Nguyễn Văn Hòa cho biết, sản phẩm được tiến hành nghiên cứu theo công nghệ và thiết kế hệ thống sấy phun phù hợp với nhu cầu của các doanh nghiệp trong nước. Đồng thời, dây chuyền khắc phục được việc sấy sản phẩm khó thu được thành phẩm hàm lượng béo cao (lên đến 70%). Bên cạnh đó, công ty sản xuất sử dụng dây chuyền máy chế tạo tại Thái Hòa nên có thời gian đầu tư ngắn (5 - 6 tháng), chi phí thấp hơn gần 70% so với máy trên thị trường quốc tế. Ngoài ra, thời gian sản xuất liên tục khoảng 72 giờ cho một chu kỳ sản xuất, hao hụt ít hơn, từ 0,3% - 0,5%. Dây chuyền ép nước cốt dừa đạt hiệu suất cao, từ 70% đến 80%; bình quân 1 kg cơm dừa ép lấy được 700 đến 800 gram nước.

Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Khang cho biết, đơn vị đã đề xuất 44 mô hình, sản phẩm trao giải Hội thi lần thứ XIV, năm 2020 - 2021

Theo Hội đồng giám khảo, Hội thi thu hút 132 giải pháp sáng tạo tham dự thuộc 6 lĩnh vực: Công nghệ thông tin, điện, điện tử, viễn thông (20 giải pháp); cơ khí, tự động hóa, xây dựng và giao thông vận tải (28 giải pháp); nông - lâm - ngư nghiệp và tài nguyên - môi trường (3 giải pháp); y dược (17 giải pháp); giáo dục và đào tạo (5 giải pháp); các lĩnh vực khác (58 giải pháp). Căn cứ kết quả chấm điểm của các thành viên, Hội đồng giám khảo đề xuất trao giải 44 giải pháp.

Theo đồng chí Nguyễn Văn Khang, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, số lượng giải pháp tham dự Hội thi lần thứ XIV, năm 2020 - 2021 giảm so với Hội thi lần thi XIII. Do đó, giải thưởng có sự thay đổi so với ban đầu, cơ cấu và số lượng giải thưởng sẽ còn giải 1 Nhất, 6 Nhì, 6 giải Ba. Riêng đối với giai Khuyến khích, Ban Tổ chức Hội thi sẽ đề nghị Sở Tài chính xem xét bổ sung thêm 1 giải Khuyến khích (tăng 1 giải so với quy định). Đồng thời, qua kết quả, Hội đồng giám khảo cũng đề xuất xét chọn 13 giải pháp đoạt giải cao tham dự Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc.

Dây chuyền sản xuất của ông Nguyễn Văn Hòa xuất sắc đoạt giải Nhất Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Tiền Giang lần thứ XIV, năm 2020 - 2021. 

THIẾT BỊ VO GẠO ĐA NĂNG

Với mong muốn nâng cao năng suất lao động, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong quá trình sản xuất, chủ cơ sở sản xuất Long Tuyền Phụng (phường 9, TP. Mỹ Tho) Cao Hữu Tài đã nảy sinh ý tưởng và bắt tay vào nghiên cứu, sáng chế thành công thiết bị vo gạo đa năng rất tiện dụng.

Anh Tài cho biết, cơ sở của anh chuyên sản xuất một số sản phẩm như: Cơm rượu, nước cơm rượu, rượu nếp ngọt (mang nhãn hiệu Mỹ Tho), bánh phu thê, bánh cốm… Để tạo ra các dòng sản phẩm này, công đoạn vo, làm sạch nguyên liệu (nếp, gạo) bằng thủ công thường mất nhiều thời gian, chi phí nhân công cũng như tiêu tốn lượng nước khá lớn. Theo khảo sát và tính toán, để vo sạch 40 kg nếp (hay gạo) bằng thủ công thì cần 3 lao động làm việc liên tục trong 2 giờ, nhưng nếu sử dụng thiết bị vo gạo do anh sáng chế thì chỉ cần 1 người vận hành trong vòng 40 phút.

Thiết bị vo gạo do anh Tài sáng chế gồm 1 kệ sắt, bên trên lắp đặt 8 ống nhựa PVC (đường kính 200 mm, cao 50 cm) để chứa gạo cần vo. Đáy ống được lắp ống giảm 200/90 (dài 20 cm) và lưới chặn inox (để gạo vo được giữ lại trong khi nước vo gạo thoát xuống khi mở van xả); đầu dưới của ống giảm 90 được lắp với ống giảm 90/27, van 27 và đầu ống 27 được đấu vào đường ống thoát nước đặt song song với mặt đất. Dưới đáy mỗi ống chứa gạo có lắp một ống dẫn hơi nối với van điều áp được cung cấp bởi máy nén khí công suất 12 kg/cm2.

Anh Cao Hữu Tài và thiết bị vo gạo do anh sáng chế.
Anh Cao Hữu Tài và thiết bị vo gạo do anh sáng chế.

Quy trình hoạt động của thiết bị khá đơn giản, khi cần thì vo rồi đổ gạo vào khoảng nửa ống chứa (8 kg), cấp nước cách miệng ống chứa gạo 10 cm (để khí nén từ dưới lên không làm văng nước và gạo ra ngoài), khóa các van nước và mở các van hơi. Nhờ lực khí nén tác động vào thể tích nước làm hạt gạo di chuyển, va chạm vào nhau, tạo ma sát nhẹ giúp chúng tự làm sạch nhưng không bị gãy, vỡ.

Ngoài ra, để sản xuất cơm rượu, nguyên liệu nếp cần được vo kỹ hơn so với vo gạo để làm bánh (khoảng 5 lần, mỗi lần 8 phút) với lượng nước tiêu tốn khoảng 320 lít cho 40 kg nếp. Trong khi đó, nếu vo thủ công thì số lần vo tăng lên gấp đôi và lượng nước tiêu tốn có thể gấp 2,5 lần.

Trên thực tế, ngoài vo gạo, nếp, thiết bị này còn có thể sử dụng để rã đông (rửa thịt, cá đông lạnh…), rửa các loại hạt, dược liệu rất tiện dụng. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, nhà hàng, bếp ăn tập thể… có thể đầu tư thiết bị này để hỗ trợ công đoạn sản xuất, chế biến thực phẩm do những tính năng, hiệu quả mà thiết bị này mang lại.

Thiết bị vo gạo đa năng do anh Võ Hữu Tài sáng chế được Ban Tổ chức Hội thi quyết định trao giải Nhì.

TUẤN LÂM  - VĂN XĨ

.
.
.