Thứ Hai, 14/05/2012, 10:52 (GMT+7)
.

Một mô hình liên kết vì lợi ích của nhà nông và doanh nghiệp

Qua 4 năm hoạt động, Tổ hợp tác (THT) sản xuất lúa giống Tân Thới (Tân Hội Đông, Châu Thành) đã tạo được lòng tin của nông dân bằng chính hiệu quả kinh tế và xã hội.

Ông Nguyễn Văn Hoài, một trong những người tham gia mô hình ngay từ những ngày đầu cho biết, trước khi tham gia THT, ông sản xuất lúa thương phẩm, giá cả bấp bênh, lúc cao lúc thấp. Mỗi khi thu hoạch, cả nhà lo lắng không biết thương lái mua bao nhiêu.

Từ khi tham gia THT, ông được doanh nghiệp ứng trước giống, THT đảm nhận công cấy và máy gặt đập liên hợp để thu hoạch, lại được bao tiêu toàn bộ sản phẩm với giá luôn cao hơn giá thị trường, người làm lúa chỉ lo phòng trừ dịch bệnh và thực hiện một số công đoạn chăm sóc .

Ông Hoài cho biết thêm, 1,7 ha trồng lúa giống của ông, mỗi vụ lời thấp nhất cũng trên 1,5 triệu đồng/công.

Anh Nguyễn Văn Bình phủ mụn dừa sau khi gieo giống (gieo phương pháp mạ sân).
Anh Nguyễn Văn Bình phủ mụn dừa sau khi gieo giống (gieo phương pháp mạ sân).

An tâm sản xuất cũng là tâm trạng chung của các tổ viên THT. Bên cạnh hiệu quả kinh tế mang lại ổn định, được THT đảm nhận từ khâu giống, cấy đến thu hoạch, việc áp dụng chặt chẽ đúng quy trình từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất đã giúp nông dân nâng cao kỹ thuật trồng lúa, nâng năng suất và chất lượng hạt lúa, giảm chi phí sản xuất (có lực lượng công cấy thường trực với giá công nhật ổn định), giảm rủi ro thấp nhất do tác động giá cả thị trường và dịch hại.

Anh Nguyễn Văn Đông, tổ viên THT, phấn khởi nói: “Sản xuất lúa giống đòi hỏi phải qua 3 lần khử lẩn, mặt ruộng bằng, áp dụng “3 giảm, 3 tăng”, mới đây tổ còn áp dụng mô hình trồng hoa sinh thái trên bờ ruộng lúa phòng trừ dịch hại giúp tiết giảm đáng kể chi phí sản xuất, giảm tác hại môi trường. Qua đó, trình độ sản xuất của nông dân ngày càng được nâng lên, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất lúa.

Qua những năm tham gia mô hình, tôi đã nắm chắc kỹ thuật, phương pháp sản xuất lúa giống xác nhận, vụ này tôi tiến đến sản xuất lúa giống siêu nguyên chủng”.

THT sản xuất lúa giống Tân Thới hình thành cách nay khoảng 4 năm. Lúc đầu THT ra đời từ sự liên kết nhau cùng sản xuất lúa giống theo cùng quy trình để cung ứng cho doanh nghiệp với diện tích khoảng 5 ha. Hình thức bao tiêu sản phẩm được thực hiện với thỏa thuận bằng “chữ tín” giữa nông dân và doanh nghiệp Nhật Quang.

Theo đó, doanh nghiệp đảm nhận cung ứng mạ sân cho nông hộ cấy (khấu trừ tiền qua bán sản phẩm) và đảm bảo mua hết lúa giống của nông dân. Trong trường hợp tiêu thụ khó khăn, doanh nghiệp sẽ thông báo nông dân bán bớt số lượng ra thị trường và hỗ trợ khoảng tiền bù thất thu của nông dân. Nông dân phải đảm bảo lúa giống đạt tiêu chuẩn.

Để đảm bảo chất lượng sản phẩm, THT đã huy động một lực lượng lao động thường trực phục vụ việc cấy mạ và máy gặt đập liên hợp để thu hoạch cho tổ viên. THT thường xuyên hỗ trợ, hướng dẫn và thông báo cho tổ viên thời điểm làm đất, làm cỏ, khử lẩn, kiểm tra, đôn đốc việc sản xuất đúng tiêu chuẩn, đảm bảo chất lượng.

Với hợp đồng trách nhiệm và đảm bảo lợi ích cho 2 bên, diện tích sản xuất lúa giống trong THT ngày càng mở rộng. Đến nay, THT phát triển diện tích lên khoảng 60 ha.

Trước sự phát triển mạnh mẽ của THT, được sự hỗ trợ của chính quyền xã, những năm gần đây, trước mỗi mùa vụ, THT và doanh nghiệp đều thực hiện thỏa thuận thông qua hợp đồng sản xuất và tiêu thụ lúa giống với những quy định chặt chẽ hơn (không thỏa hiệp bằng miệng như trước).

Tiến thêm một bước nữa, từ vụ hè thu này, THT còn đảm nhận thêm khâu làm mạ sân cung cấp cho tổ viên. Ông Ngô Văn Muôn, Tổ trưởng THT cho biết, nông hộ sản xuất được cung ứng từ mạ đến khâu cấy, chăm sóc, thu hoạch và tiêu thụ. Khi thu hoạch, được doanh nghiệp bao tiêu hết sản phẩm với giá giống lúa xác nhận cao hơn giá thị trường 700 đồng/kg, đối với giống lúa siêu nguyên chủng cao hơn 1.100 đồng/kg (lúa tươi).

Tham gia mô hình, nông dân được tiếp cận những kỹ thuật tiên tiến như cấy mạ sân, trồng hoa sinh thái trên bờ ruộng lúa… giúp nâng cao hiệu quả sản xuất, hạn chế rủi ro nên nông dân rất tin tưởng và phấn khởi.

“Nông dân trong THT rất tích cực hưởng ứng các kỹ thuật tiên tiến. Đơn cử như từ những ưu điểm của phương pháp gieo mạ sân mà các tổ viên đề nghị áp dụng chứ doanh nghiệp không bắt buộc. Và thực tế các giải pháp kỹ thuật đó đưa vào áp dụng đã mang lại hiệu quả, năng suất lúa đạt khá cao. Cụ thể, vụ đông xuân vừa qua, có diện tích lúa đạt năng suất 1 tấn/công. Lợi đủ đường, nông dân sao không vui được?”- ông Muôn cho biết.

Trên cơ sở hoạt động hiệu quả, đầu ra ổn định, ông Muôn cho biết, thời gian tới, THT phấn đấu lên hợp tác xã khi có đủ điều kiện, cố gắng từng bước tự chủ khâu làm đất bằng cơ giới hóa.               

N.VĂN
 

.
.
.