Thứ Sáu, 22/06/2012, 09:31 (GMT+7)
.

Nhận diện doanh nghiệp thủy sản trong thế “vỡ trận” để tái cấu trúc

Các doanh nghiệp chế biến thủy sản đang gặp rất nhiều khó khăn. Hầu hết các nhà máy đều hoạt động dưới công suất thiết kế, đó là thông tin được VASEP đưa ra tại một hội nghị gần đây.

“Hiện chỉ có khoảng 30% số nhà máy chế biến thủy sản tôm và cá hoạt động được 70% công suất trở lên, 30% còn lại hoạt động chưa đến 50% công suất, 20% hoạt động chưa đến 30% công suất/ngày, 20% gần như không hoạt động”. Đây là thông tin được Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đưa ra tại hội nghị liên ngành gần đây để bàn giải pháp cứu ngành chế biến thủy sản, nhất là đối với cá tra.

Tiền Giang có nhiều doanh nghiệp tham gia xuất khẩu thủy sản nên cũng không nằm ngoài tình trạng đang “vỡ trận” mà biến động của thị trường trong và ngoài nước gần đây là một trong những nguyên nhân chính.

Ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Gò Đàng phân tích, thế giới có 3 thị trường chính tiêu thụ thủy sản nói chung và cá tra nói riêng của Việt Nam là châu Âu, Mỹ và Nhật. Khó khăn bắt đầu từ thị trường châu Âu. Đây là thị trường dẫn dắt các thị trường khác, có đến 25 nước thành viên. Thị trường tiêu thụ Mỹ, Nhật hiện tại cũng không được tốt nhưng nặng nhất vẫn là thị trường châu Âu do đang bị khủng hoảng.

Công nhân Công ty CP Hùng Vương chế biến cá tra xuất khẩu.
Công nhân Công ty CP Hùng Vương chế biến cá tra xuất khẩu.

Trong khi chính sách tiền tệ, tài khóa, lãi suất ngân hàng trong nước quá cao thời gian qua làm doanh nghiệp đuối sức. “Hiện tại lãi suất có giảm nhưng doanh nghiệp muốn tiếp cận với lãi suất giảm là rất khó, bởi nợ cũ với lãi suất cao vẫn còn. Thứ nữa, mặc dù với mức lãi suất tương đối thấp nhưng doanh nghiệp không biết vay để làm gì vì thực tế “cơ thể” doanh nghiệp đã bị “lạnh”- ông Nguyễn Văn Đạo giải bày.

Giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản trong Khu công nghiệp Mỹ Tho cho biết, trước tình hình hiện nay, với vòng quay vốn ngân hàng liên tục buộc lòng doanh nghiệp phải tung hàng ra bán với bất cứ giá nào. Đối mặt trước hiện trạng xuất khẩu cá tra “vỡ trận”, mạnh doanh nghiệp nào nấy tung hàng ra để bán thu hồi vốn, tự giải cứu mình, dẫn đến tình trạng “loạn giá” và tiếp tục “đạp” giá nguyên liệu trong nước đi xuống.

Trong khi đối tác nước ngoài đang gặp khủng hoảng tài chính, sức tiêu thụ thấp nên khi doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam tự hạ giá làm cho khách hàng nước ngoài cũng liên tục đổi giá theo chiều hướng giảm.

Thực tế, giá xuất khẩu cá tra từ 3,2 USD/kg hiện chỉ còn hơn 2,6 USD/kg nhưng sức tiêu thụ hết sức khó khăn do các doanh nghiệp xuất khẩu liên tục giải phóng hàng để thu hồi vốn. Tình trạng này cũng lây lan đối với người nuôi. Khi cá nguyên liệu đến lứa thu hoạch nhưng nhà máy chế biến xuất khẩu không mua buộc người nuôi phải liên tục hạ giá bán. Hiện nay, cá tra  nguyên liệu chỉ còn 20.000 đồng/kg nhưng cũng rất khó tiêu thụ do nhà máy không dám mua vào vì lo ngại đối tác châu Âu tiếp tục hạ giá.

So sánh với năm 2008, hiện nay giá cá tra tuột dốc nhưng “sức khỏe” doanh nghiệp lại rất yếu. Trong khi sức mua của thị trường châu Âu giảm 20%, giá bán cũng giảm 20%. Đại diện các doanh nghiệp xuất khẩu cho rằng, lãi suất ngân hàng thời gian qua đã bào mòn năng lực doanh nghiệp mỗi ngày.

Trong khi đó, theo tính toán của các chuyên gia có đến 80% doanh nghiệp thủy sản lệ thuộc 100% vốn vay ngân hàng. Trong đó, có hơn 50% doanh nghiệp sử dụng vốn sai mục đích, lấy vốn ngắn hạn, đầu tư sang dài hạn, không quay vòng vốn được, nên lỗ vốn; 30% doanh nghiệp thủy sản vay vốn đầu tư ra ngoài ngành như địa ốc, tài chính…

Do vậy, các doanh nghiệp buộc phải bán tháo nguyên liệu dưới giá thành, lấy tiền trả nợ ngân hàng, tránh nợ quá hạn. Ông Dương Ngọc Minh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Hùng Vương nói rằng, con cá tra Việt Nam “chết” vì chính sách tiền tệ. Lãi suất, chi phí 6 tháng đầu năm 2012 so với cùng kỳ đội lên gấp đôi. Chẳng hạn lãi suất 6 tháng đầu năm 2011 ở biên độ 12-13%, nhưng 6 tháng đầu năm nay đã nhảy lên 19-20%, cùng với thuế môi trường, xăng dầu, điện, chi phí lao động tăng lên...

Hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản đều nhận định, nói chung hiện tại thị trường xuất khẩu thủy sản đang “lạnh”. Các doanh nghiệp xuất khẩu dự báo sẽ có 2 kịch bản xảy ra. Thứ nhất, vào quý III- 2012, nếu đối tác nước ngoài tăng cường mua hàng về phục vụ cho Noel, thị trường sẽ sôi động trở lại, có thể giá sẽ tăng và hy vọng năm 2013 tình hình sẽ tốt hơn. Thứ hai, nếu sức tiêu thụ không có gì thay đổi đáng kể thì doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản sẽ rất xấu, hàng loạt doanh nghiệp sẽ ngấp nghé bờ vực nguy cấp.

Do vậy, tại thời điểm này nếu doanh nghiệp có “sức khỏe” tốt, có tích lũy có thể vượt qua, còn phần nhiều đứng trước “cái chết đã được dự báo”. Trước tình thế này, mới đây đại diện các Bộ: NN&PTNT, Tài chính, Ngân hàng phát triển, VASEP đã bàn biện pháp cứu ngành sản xuất cá tra.

Theo VASEP, hiện ngành Thủy sản gặp rất nhiều khó khăn về nguyên liệu, vốn, thị trường, tính cạnh tranh, lợi nhuận giảm. Trong quý I năm nay, số doanh nghiệp tham gia xuất khẩu thủy sản giảm 330, chỉ còn hơn 470 doanh nghiệp, giảm hơn 40% so cùng kỳ năm 2011.

Theo các chuyên gia nhận định, mặc dù các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản gặp khó khăn nhưng đây cũng là cơ hội tái cấu trúc lại, sàng lọc bớt những doanh nghiệp tài chính yếu, thị trường tiêu thụ không ổn định.

Nhưng về lâu dài ngành Thủy sản cần phải tổ chức lại ở các khâu xuất khẩu, sản xuất nguyên liệu trong nước, khoa học kỹ thuật. Cần tổ chức lại thị trường xuất khẩu, không để một thị trường lại có nhiều doanh nghiệp chào bán giá một cách tự do như hiện nay; thống nhất về chất lượng, thương hiệu cá tra của Việt Nam.

Mặt khác, phải tổ chức lại sản xuất trong nước, theo chuỗi sản phẩm, có cơ chế chia sẻ rủi ro, lợi nhuận giữa các khâu trong chuỗi. Ngoài ra, về khoa học kỹ thuật, cần tìm cách thay thế toàn bộ giống hiện nay bằng giống chất lượng…

THẾ ANH

.
.
.