Thứ Bảy, 22/09/2012, 14:08 (GMT+7)
.

Giải pháp hướng đến sản xuất nông nghiệp hiệu quả, bền vững

“Tăng năng suất sản xuất nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch” là chủ đề hội thảo do Báo Đối ngoại Vietnam Economic News (Bộ Công thương) phối hợp với Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) và Sở NN&PTNT Tiền Giang tổ chức vào chiều ngày 19-9.

Các tham luận tại hội thảo đã giới thiệu, chia sẻ những kinh nghiệm, giải pháp hướng đến nền sản xuất nông nghiệp hiệu quả, bền vững.

Tiềm năng tăng năng suất còn lớn, nếu…

Từng loại cây trồng có nhu cầu phân bón khác nhau, ở giai đoạn khác nhau và kỹ thuật bón phân cũng khác nhau. Do đó việc sử dụng đúng loại phân cho từng loại cây, từng giai đoạn của cây và bón đúng cách có ý nghĩa rất quan trọng trong tiết kiệm chi phí, nâng hiệu quả sản xuất.

Ths. Lê Thanh Tùng (Cục Trồng trọt) cho biết, nhu cầu và sử dụng phân bón của 3 vùng sản xuất Tây Nguyên, Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chiếm 60% nhu cầu phân bón trong năm của cả nước.

Mọi sự biến động về giá cả, cung ứng, điều tiết phân bón đều có tác động đến sản xuất nông sản hàng hóa. Việc bón phân không đúng lúc, không đúng loại theo nhu cầu sinh lý, không đúng thời điểm cây trồng cần thiết theo giai đoạn sinh trưởng, cây sẽ không cho năng suất cao.

Ngoài ra, việc bón phân không đúng phương pháp sẽ thất thoát và tăng thêm chi phí sản xuất, bón không đúng liều lượng sẽ gây thiệt hại về năng suất, giảm chất lượng sản phẩm.

Ảnh Như Lam
Theo nhiều chuyên gia, cơ giới hóa hợp lý sẽ mang lại hiệu quả trong sử dụng đất và lao động, mở rộng được diện tích canh tác, nâng cao năng suất sản xuất và tăng khả năng bền vững của sản xuất lúa. Ảnh: Như Lam

Theo Ths. Tùng, hiện nay hiệu suất sử dụng phân đạm mới chỉ đạt ở mức 35 - 40% và khoảng 40 - 45% đối với lân. Do vậy tăng hiệu suất sử dụng phân đạm và lân nói riêng, các loại phân nói chung và tăng cường bón phân hữu cơ sẽ tiết kiệm được lượng phân nhập khẩu, giảm chi phí sản xuất, hạn chế được nguy cơ ô nhiễm môi trường.

Một yếu tố khác có vai trò rất quan trọng đối với năng suất cây trồng là giống. Qua số liệu kiểm tra và đánh giá chất lượng giống lúa sản xuất ở ĐBSCL, việc sử dụng giống lúa xác nhận hiện nay không cao, trong đó tỷ lệ sử dụng giống xác nhận cấp 1 còn thấp hơn nhiều. Nếu tỷ lệ sử dụng giống xác nhận cấp 1 đạt 80% thì năng suất lúa sẽ còn tăng hơn nữa.

Theo ước tính của các nhà khoa học, khoảng 30-50% mức tăng năng suất hạt của các cây lương thực trên thế giới là nhờ đưa vào sản xuất những giống mới. Cũng theo Ths.Tùng, bên cạnh việc chọn giống năng suất cao, chất lượng tốt, thời gian sinh trưởng ngắn, chống chịu sâu bệnh, còn yếu tố quan trọng cần quan tâm là chọn giống thích nghi với điều kiện môi trường.

“Vùng ĐBSCL có lợi thế về tài nguyên đất đai, sông ngòi, điều kiện khí hậu thuận lợi. Sản xuất lúa ở ĐBSCL có xu hướng gia tăng về năng suất và sản lượng, các yếu tố góp phần vào gia tăng này là tập trung vào khâu chọn giống và bố trí lịch thời vụ. Các biện pháp kỹ thuật canh tác và giảm thất thoát chưa đóng góp nhiều vào việc gia tăng này” - Ths.Tùng cho biết.

PGS.TS.Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, sản xuất nông nghiệp liên tục tăng năng suất trong những năm qua, đã đến lúc cần quan tâm nhiều hơn đến giá trị. 

Nếu tiếp tục chú trọng tăng năng suất bằng mọi cách dẫn đến nguy cơ “xung đột” với nguồn tài nguyên nước ngọt (giảm nguồn ngọt) và môi trường bị hủy hoại.

Nếu nông sản đảm bảo chất lượng, có thương hiệu, hiệu quả sản xuất sẽ tăng lên gấp nhiều lần so với “đổ mồ hồi” để tăng năng suất của nông dân. ĐBSCL đang đối mặt với nguy cơ suy giảm nguồn nước ngọt và nước mặn tăng lên sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế, xã hội của vùng. Đây là bài toán cần phải tính đến.

Còn theo TS. Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, bên cạnh giống lúa mới, quản lý nước, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tín dụng và các chính sách giá cả lương thực, mô hình cơ giới hóa phù hợp giữ vai trò quan trọng trong gia tăng sản lượng lương thực - thực phẩm và tiêu chuẩn sống của vùng nông thôn.

Theo TS. Bảnh, cơ giới hóa hợp lý, đúng mức trong các khâu san ủi đồng ruộng; cày bừa, trục, phay; gieo sạ, cấy; tưới tiêu - chăm sóc, thu hoạch lúa… sẽ mang lại hiệu quả trong sử dụng đất đai và lao động, khả năng mở rộng được diện tích canh tác, tiết kiệm được giống, phân bón, nước, nâng năng suất sản xuất, bảo vệ môi trường, tăng khả năng bền vững của sản xuất lúa, tăng lợi nhuận…

Các kết quả nghiên cứu, thí nghiệm cho thấy, mặt ruộng cải tạo san phẳng sẽ tiết kiệm nước trong sản xuất, quản lý được cỏ dại, tiết kiệm phân bón và lúa cho năng suất cao hơn từ 5-10% so với đồng ruộng gò, trũng; gieo sạ hàng giúp tăng năng suất từ 15-20%.

Công nghệ sau thu hoạch: Chìa khóa giữ giá trị nông sản

Theo TS. Phạm Văn Tấn, Phó Giám đốc Phân viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch, tổn thất sau thu hoạch lúa ở ĐBSCL từ 13-14%, trong đó khâu phơi sấy chiếm đến 4,2% do trên 61% phơi lúa bằng nắng.

Với sản lượng lúa ở ĐBSCL hàng năm khoảng 20 triệu tấn thì mức tổn thất trên 650 triệu USD/năm. Đây còn là nguyên nhân làm cho chất lượng gạo Việt Nam thấp hơn so với Thái Lan, Hoa Kỳ, dẫn đến thị trường tiêu thụ chủ yếu cấp thấp và không ổn định.

Từ đó, TS.Tấn khuyến nghị nên làm khô lúa bằng thiết bị sấy. Điều này giúp chủ động, làm khô lúa nhanh; ít tốn công lao động; giảm thiểu mất mát, rạn nứt, gãy vỡ và giảm chất lượng; gạo không bị lẫn tạp...

Tuy nhiên, thực tế cũng đặt ra, diện tích trồng lúa của nông hộ thấp, đầu tư thiết bị sấy cho mô hình nhỏ lẻ sẽ không hiệu quả. “Hiệu quả nhất là thương lái, hợp tác xã và chủ nhà máy xay xát (chủ thiết bị sấy) liên kết với nhau vừa đảm bảo chất lượng lúa gạo, vừa tăng hiệu suất sử dụng máy sấy, tăng lợi nhuận cho các đối tác.

Còn đối với nông dân, các nông hộ cần liên kết với nhau hình thành vùng sản xuất như cánh đồng mẫu lớn để đưa các công nghệ sau thu hoạch vào áp dụng mới mang lại lợi ích thỏa đáng cho nông dân. Đồng thời, để tăng hiệu quả sản xuất lúa, chúng ta cần đa dạng hóa các sản phẩm chế biến từ lúa gạo như bún, bột gạo, bánh tráng, sữa gạo mầm…; tận dụng các phụ phẩm từ lúa như trấu để phát điện, cám gạo làm dầu ăn, thức ăn gia súc, xà phòng…” -TS.Tấn nói.

Còn trong lĩnh vực trái cây mà cụ thể là thanh long, theo khảo sát quy trình quản lý chất lượng sau thu hoạch thanh long xuất khẩu từ Bình Thuận đến Rotterdam (Hà Lan) do nhóm nghiên cứu của TS. Nguyễn Văn Phong (Viện Cây ăn quả miền Nam) thực hiện, vào mùa khô, tỷ lệ thất thoát không quá 10%, nhưng vào mùa mưa tỷ lệ thất thoát trung bình lên đến khoảng 66%.

Nhóm nghiên cứu đề nghị, cần làm lạnh sơ bộ trước khi tải thanh long lên container (có thể sắp xếp và đóng thành các kiện để giúp cho không khí lạnh lưu thông tốt hơn). Nhiệt độ kiểm soát tốt hơn giúp cho trái thanh long giữ được màu xanh đến nơi cung ứng và tỷ lệ hư thối thấp hơn.

N. VĂN
 

.
.
.