Thứ Hai, 03/12/2012, 06:15 (GMT+7)
.
TIẾN TỚI MDEC - TIỀN GIANG 2012

Để ngành Thủy sản vùng ĐBSCL phát triển xứng tầm

“Để phát huy tối đa tiềm năng và lợi thế của thủy sản ĐBSCL, chúng ta cần có những giải pháp căn cơ để đưa ngành Thủy sản phát triển theo hướng bền vững. Quan trọng nhất là phải tạo ra những hấp lực trong việc kêu gọi đầu tư”- nhiều chuyên gia đã nhận định như vậy tại hội thảo về phát triển thủy sản vừa diễn ra ở TP. Cần Thơ.

CHƯA XỨNG TIỀM NĂNG

Theo Bộ NN&PTNT, 9 tháng đầu năm 2012, sản lượng thủy sản của cả nước tăng 4% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, sản lượng khai thác thủy sản tăng trên 6%, sản lượng nuôi tăng 3%; kim ngạch xuất khẩu đạt 4,5 tỷ USD, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm trước và dự báo có khả năng đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra trong năm 2012 là 6,5 tỷ USD.

Ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, Việt Nam luôn đứng trong tốp 10 quốc gia xuất khẩu thủy sản hàng đầu thế giới. Đây sẽ là động lực mạnh mẽ cho sự phát triển trong giai đoạn tiếp theo, đặc biệt là trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều khó khăn, thị trường thế giới có nhiều biến động, cạnh tranh gay gắt.

Thu hoạch cá tra. Ảnh: Thái Thiện.
Thu hoạch cá tra. Ảnh: Thái Thiện

Dù đạt được những kết quả đáng ghi nhận, song thực tiễn đang cho thấy việc phát huy thế mạnh và tiềm năng thủy sản ĐBSCL vẫn chưa như mong muốn.

Bà Dương Phương Thảo, Vụ phó Vụ Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) nói: “Trong 100% tăng thêm của tổng giá trị xuất khẩu thủy sản thì có hơn 80% là do tăng sản lượng tạo ra, chỉ khoảng 20% là do tăng giá. Sự phát triển nhanh theo chiều rộng đã giải quyết cục bộ các mục tiêu kinh tế - xã hội nhưng chưa khẳng định được sự phát triển nổi trội về chất lượng sản phẩm.

Hệ thống sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản chưa có khả năng đổi mới và đa dạng hóa mạnh mẽ các sản phẩm xuất khẩu. Ngoài ra, công tác dự báo thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước còn rất hạn chế, các doanh nghiệp không xây dựng được chiến lược kinh doanh.

Nhiều nhà máy chế biến lâm vào tình trạng dư thừa công suất khi được đầu tư rất lớn nhưng khai thác chỉ đạt từ 50-70%, dẫn đến tăng chi phí sản xuất, giảm sức cạnh tranh trên thị trường. Mối quan hệ liên kết giữa sản xuất nguyên liệu và các nhà máy chế biến vẫn chưa được xây dựng tốt”.

Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho rằng: “Việt Nam đang “một mình một chợ” trong việc xuất khẩu cá tra nhưng lại không làm chủ được thị trường thế giới do tổ chức xuất khẩu chưa tốt. Việc các doanh nghiệp cạnh tranh lẫn nhau đã làm giá cá tra sụt giảm, các nhà nhập khẩu thế giới biết được điều này nên luôn tìm cách ép giá chúng ta.

Ngoài ra, xuất khẩu cá tra hiện nay chủ yếu là xuất thô đến 99%, không có thương hiệu và chỉ xuất qua trung gian… Với những bất cập như hiện nay, Việt Nam đã bị các nhà nhập khẩu đưa ra các rào cản thương mại cũng như các thủ thuật để đẩy giá nhập khẩu của cá tra xuống”.

Hiện nay, nguồn thức ăn thủy sản phải nhập nguyên liệu từ nước ngoài trong khi thức ăn chiếm hơn 80% giá thành của con cá tra, giá thức ăn cũng chưa thể kiểm soát; ngoài ra còn rất nhiều khó khăn trong kiểm soát các yếu tố đầu vào khác như: chất lượng về giống, vật tư xử lý, cải tạo môi trường, phát triển cá tra không theo quy hoạch, liên kết giữa người nuôi và doanh nghiệp chế biến gặp nhiều khó khăn…

CẦN CÓ NHỮNG “CÚ HÍCH”

Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, nguồn ngân sách đầu tư cho thủy sản so với cơ cấu chung vẫn chưa đạt yêu cầu và chưa tương xứng với tiềm năng phát triển của ĐBSCL. Bộ NN&PTNT thừa nhận: Ngân sách đầu tư cho phát triển thủy sản ĐBSCL những năm qua có tăng nhưng chưa tương xứng. Chính phủ, Bộ NN&PTNT đã thấy rõ vấn đề này và đã quyết liệt điều chỉnh.

Tuy nhiên, hai năm qua, tình hình kinh tế khó khăn và có nhiều công trình dang dở nên việc điều tiết gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, vốn đầu tư lớn nhất của ngành Nông nghiệp là trái phiếu Chính phủ theo danh mục do Quốc hội phê duyệt chủ yếu tập trung vào vấn đề thủy lợi.

Bộ cũng đã điều tiết hướng thủy lợi vào phục vụ nuôi trồng thủy sản và đã phê duyệt 6 dự án cho ĐBSCL. Từ năm 2012, Bộ NN&PTNT đã bố trí kinh phí để triển khai hạ tầng cho các vùng nuôi trồng thủy sản, trong đó đã chỉ đạo tập trung vào các vùng trọng điểm về tôm ở ĐBSCL.

Thủy sản là một trong những ngành đi đầu trong việc sử dụng thấp nhưng lại rất hiệu quả nguồn ngân sách nhà nước, chủ yếu thông qua việc kêu gọi đầu tư từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Hiện tại, Bộ NN&PTNT đã và đang kêu gọi đầu tư từ các nguồn vốn ODA cho phát triển thủy sản.

Điển hình là dự án đầu tư cho phát triển thủy sản bền vững (do Ngân hàng thế giới tài trợ) đã được khởi động cách nay không lâu với tổng số vốn 120 triệu USD tại 8 tỉnh điểm, bao gồm: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Sóc Trăng và Cà Mau.

“Sắp tới đây chúng ta có thể mở ra giai đoạn 2 và kêu gọi những kênh đầu tư khác. Để kêu gọi đầu tư có hiệu quả cho thủy sản, chúng ta phải có sự ổn định về quy hoạch và có những chính sách khuyến khích hấp dẫn các nhà đầu tư” - Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho biết thêm.

Để thủy sản ĐBSCL phát triển bền vững, phải có sự kết nối và phân công giữa các địa phương trong vùng, hình thành trung tâm nghề cá ĐBSCL để kết nối với các “vệ tinh” của các tỉnh trong vùng.

PGS.TS. Nguyễn Thanh Phương, Trưởng Khoa Thủy sản (Trường Đại học Cần Thơ) đề xuất: “Trước mắt, chúng ta cần phải xây dựng trung tâm nghề cá để giúp cho ngành Thủy sản ĐBSCL phát triển theo hướng năng động và bền vững, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh, tạo ra thị trường thủy sản có sức hút trong khu vực…

Bên cạnh “hạt nhân” là TP. Cần Thơ, các tỉnh còn lại sẽ hình thành các vệ tinh và cụm vệ tinh của vùng, chú trọng sản xuất thủy sản nước ngọt… nhằm phát huy thế mạnh, tiềm năng của mỗi địa phương”.

Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho biết: Đây là ý tưởng phù hợp với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Ngoài việc kêu gọi đầu tư vào Trung tâm Cần Thơ với các chức năng chính là đầu mối giao thông, thương mại, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao…

Đề án cần chú trọng kêu gọi đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, quan trọng nhất là xây dựng cảng nước sâu. Hiện nay, 65% sản lượng thủy sản của ĐBSCL phải vận chuyển bằng Container lên TP. Hồ Chí Minh rồi mới xuất khẩu sang nước ngoài. Nếu xây dựng được cảng nước sâu sẽ có thể xuất khẩu trực tiếp, đỡ tốn thời gian và giảm một lượng lớn chi phí vận chuyển cho các doanh nghiệp.

Ngoài ra, cũng cần kêu gọi đầu tư cho các cơ sở nghiên cứu, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, xây dựng một hội chợ quốc tế thường kỳ về thủy sản ĐBSCL.

SĨ NGUYÊN

.
.
.