Thứ Hai, 10/12/2012, 06:14 (GMT+7)
.

MDEC Tiền Giang 2012 đạt mục tiêu, yêu cầu và kế hoạch đề ra

Diễn đàn hợp tác kinh tế ĐBSCL-MDEC Tiền Giang 2012 đã khép lại với chuỗi các sự kiện đã diễn ra đúng kế hoạch, đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra. Đồng thời qua đó đặt ra nhiều vấn đề mang tầm vĩ mô về cơ chế chính sách cho các  nhà quản lý; tạo tiền đề tốt hơn cho việc tổ chức MDEC 2013 tại Vĩnh Long với chủ đề “ ĐBSCL hướng đến kinh tế xanh”.

*Những kết quả đạt được.

Theo Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, MDEC Tiền Giang 2012 đã tập hợp được tiếng nói và sáng kiến của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhà khoa học và quản lý, của nông dân…để đề xuất Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách đầu tư, nhằm hỗ trợ phát triển nền nông nghiệp tăng trưởng bền vững, chất lượng và hiệu quả. Chuỗi các hoạt động chính của diễn đàn diễn ra đạt mục tiêu, yêu cầu. Cụ thể:

Ông Nguyễn Phong Quang, Trưởng ban chỉ đạo MDEC trao quyết định đăng cai MDEC 2013 cho lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long.
Ông Nguyễn Phong Quang (bên phải), Trưởng ban chỉ đạo MDEC trao quyết định đăng cai MDEC 2013 cho lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long.

Hội thảo quốc tế tham vấn “ kế hoạch châu thổ ĐBSCL đến năm 2100” là định hướng phát triển ĐBSCL, vựa lúa gạo, trái cây, thủy sản của quốc gia sẽ ứng phó, thích nghi với biến đổi khí hậu như thế nào trong gần một thập kỷ tới. Bốn kịch bản được phác thảo theo hướng ưu tiên: Đảm bảo an ninh lương thực, kinh doanh nông nghiệp hàng hóa, phát triển hành lang công nghiệp hóa.

Hội thảo thu hút 250 đại biểu tham dự gồm các nhà khoa học trong nước, ngưới làm công tác quản lý và hoạt động thực tiễn, đặc biệt các đại biểu của ĐBSCL đã có nhiều đóng góp trí tuệ, sắc sảo và trách nhiệm, được các chuyên gia Hà Lan tiếp thu và đánh giá cao; mở ra cơ hội hợp tác mạnh mẽ hơn nữa trong nghiên cứu, triển khai kế hoạch ứng phó biến đổi khí hậu của vùng ĐBSCL.

Theo đánh giá của Ban tổ chức MDEC Tiền Giang 2012, hạn chế chủ yếu trong công tác chuẩn bị cho Diễn đàn là có khá nhiều sự thay đổi, từ thay đổi về tổ chức tác nghiệp, đến thay đổi về sự kiện và thời gian diễn ra sự kiện.

Điều cần rút kinh nghiệm qua diễn đàn là công tác phối hợp chưa chặt chẽ và kịp thời đã làm cho công tác tổ chức có lúc rơi vào bị động, lúng túng; làm cho người tham dự nghĩ rằng Diễn đàn MDEC đã được tổ chức nhiều năm nhưng vẫn chưa có được tính chuyên nghiệp.

Diễn đàn nông dân với 473 đại biểu tham dự đã tạo được "kênh thông tin đối thoại” hữu ích và thiết thực để các nhà hoạch định cơ chế chính sách và quản lý ở các cơ quan trung ương, địa phương, doanh nghiệp lắng nghe kiến nghị, tăng cường mối quan hệ giữa nông dân với chính quyền và doanh nghiệp.

Diễn đàn đã tập hợp được các vấn đề thực tiễn về tam nông, sản xuất, kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp, đào tạo nghề cho nông thôn làm cơ sở đề xuất giải pháp tăng cường liên kết 4 nhà, nhu cầu và cách thức hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn hiệu quả hơn, cùng vượt qua khó khăn, phát triển các sản phẩm nông nghiệp theo hướng chất lượng và bền vững.

Hội nghị xúc tiến Đầu tư- Thương mại- Du lịch đã tập trung phân tích, đánh giá công tác xúc tiến của vùng ĐBSCL thời gian qua và hoạt động của các Trung tâm xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch các tỉnh. Qua 6 lần tổ chức MDEC, toàn vùng đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho trên 500 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư gần 300.000 tỷ đồng và trên 80 dự án FDI với vốn đầu tư đăng ký trên 5 tỷ USD.

Tuy nhiên, theo đánh giá của ban tổ chức, hoạt động xúc tiến thời gian qua còn nhiều hạn chế, hiệu quả chưa cao, hoạt động liên kết giữa các địa phương chưa nhiều, cơ sở hạ tầng các tỉnh còn yếu kém. Một số địa phương chưa có quỹ đất sạch để giao ngay cho nhà đầu tư; các hoạt động xúc tiến đầu tư của vùng còn thiếu định hướng, chiến lược chung.

Hội nghị cũng thống nhất đề xuất nghiên cứu cơ chế đặc thù cho vùng, xác định các dự án đầu tư qui mô vùng trên cơ sở quy hoạch. Tại hội nghị, UBND các tỉnh An Giang, Hậu Giang, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho 7 dự án với tổng vốn là 5.116 tỷ đồng.

Hội thảo rà soát về cơ chế, chính sách đối với các sản phẩm chủ lực của vùng: với sự tham dự của hơn 220 đại biểu đã tập trung rà soát, đánh giá lại hiệu quả, điểm mạnh, yếu và tính phù hợp của các cơ chế chính sách này.

Trên cơ sở đó đề xuất sửa đổi, bổ sung ban hành mới các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm chủ lực vùng như lúa gạo, trái cây, thủy sản ; định hướng và giải pháp để vượt qua thách thức biến đổi khí hậu, tập hợp ý kiến để giải quyết tình trạng sản xuất kinh doanh manh mún, xé lẻ, hướng tới mục tiêu tăng cường liên kết vùng, phát triển bền vững.

* Những cam kết phối hợp.

Tại hội nghị Ban chỉ đạo MDEC vào ngày 7-12-2012, các thành viên Ban chỉ đạo đã thống nhất nhận định, đánh giá tình hình, cam kết và ra tuyên bố chung, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ các cơ chế, chính sách, giải pháp phát triển ĐBSCL.

Theo đó, cam kết tăng cường hợp tác nghiên cứu đóng góp cho kế hoạch ĐBSCL ứng phó với biến đổi khí hậu; kiến nghị Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập bộ phận đầu mối, điều phối hoạt động ứng phó biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL. Hoàn thiện các quy định về quy hoạch sử dụng đất. Nâng cao chất lượng công tác lập, thẩm định xét duyệt quy hoạch sử dụng đất. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến việc quy hoạch chuyển đất trồng lúa vào mục đích khác; quy hoạch đất trồng cây ăn trái và nuôi trồng thủy sản phù hợp dựa trên thế mạnh từng địa phương và lợi ích chung toàn vùng.

Tăng cường liên kết vùng, phát triển mối liên kết dọc, liên kết ngang trong sản xuất và tiêu thụ lúa gạo, trái cây, thủy sản; hỗ trợ và nhân rộng các mô hình cánh đồng mẫu lớn hiệu qủa, cơ chế phát triển làng nghề, tăng cường liên kết trong xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch.

Đẩy nhanh tiến độ xây dựng Cụm công nghiệp thủy sản với quy mô cấp vùng nhằm góp phần tiêu thụ hàng hóa thủy sản chế biến. Xây dựng cơ chế, chính sách cho việc hình thành Trung tâm nghề cá nói chung và cá tra, tôm nói riêng cho ĐBSCL.

Theo ông Nguyễn Phong Quang, Phó trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, Trưởng Ban Chỉ đạo MDEC Tiền Giang 2012  thành tựu nổi bật đạt được trong Diễn đàn Hợp tác kinh tế ĐBSCL-Tiền Giang 2012 cũng như sau 6 lần tổ chức MDEC là quảng bá hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh của ĐBSCL; công tác hợp tác kinh tế và xúc tiến đầu tư-thương mại và du lịch nội vùng cũng như với Thành phố Hồ Chí Minh và các vùng miền trong cả nước được tăng cường.

Tuy còn những hạn chế nhất định,nhưng các bộ, ngành Trung ương và địa phương cũng đạt được sự đồng thuận chung trong thảo luận và đề ra cách thức khai thác hợp lý, có hiệu quả các nguồn lực sẵn có của các tỉnh ĐBSCL trên cơ sở tăng cường liên kết, hợp tác từ MDEC Tiền Giang 2012.

Theo Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, một số đề xuất của các kỳ MDEC trước đây đã được Thủ tướng Chính phủ kết luận, thống nhất chủ trương, giao nhiệm vụ các Bộ chuyên ngành triển khai cụ thể, nhưng việc thực hiện còn chậm.

Thường trực Ban chỉ  đạo MDEC có phối hợp đôn đốc, nhưng chưa thực sự đeo bám quyết liệt; điển hình như chủ trương giao cho Bộ Công thương chủ trì phối hợp các bộ, ngành, địa phương xây dựng đề án tổng thể xúc tiến Đầu tư- Thương mại - Du lịch chung cho vùng ĐBSCL; thành lập trung tâm thông tin vùng ĐBSCL thực hiện còn chậm.

Bộ KH-ĐT đến nay vẫn chưa hoàn thành cơ chế pháp lý, đề xuất mô hình tổ chức về liên kết vùng ĐBSCL như nội dung tuyên bố chung của MDEC Cà Mau 2011 để trình Thủ tướng xem xét, quyết định.

Ý kiến của đại biểu tham gia Hội nghị Ban chỉ đạo MDEC Tiền Giang 2012 cho rằng: Cần đánh giá lại hiệu quả của các lần tổ chức MDEC; liệu có nên tổ chức mỗi năm một lần không; và đặt vấn đề về thái độ không “mặn mà” tham gia của một số Bộ, ngành Trung ương trong các kỳ MDEC gần đây.

                                                                                      DUY SƠN

.
.
.