Thứ Hai, 29/04/2013, 11:23 (GMT+7)
.

Hoàn thiện mô hình cánh đồng mẫu lớn

Ngày 26-4, tại tỉnh An Giang, Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp (Bộ NN&PTNT) phối hợp với Sở NN&PTNT tỉnh An Giang tổ chức Diễn đàn Hợp tác “4 nhà” trong mô hình Cánh đồng mẫu lớn (CĐML). Diễn đàn có sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện Sở NN&PTNT cùng một số nông dân tham gia mô hình CĐML của 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL. Mục đích nhằm hoàn thiện và ngày càng mở rộng mô hình.

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vựa lúa gạo lớn nhất cả nước. Tuy nhiên, diện tích nhỏ lẻ, manh mún theo từng nông hộ, trình độ sản xuất chưa cao, chất lượng lúa gạo chưa đồng đều. Đó là những cản ngại trong tiến trình sản xuất lúa gạo hàng hóa và cũng là bài toán nan giải. Từ khi mô hình CĐML ra đời đã tạo chuyển biến rõ rệt.

Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp cho biết, vụ đông xuân 2007 - 2008, mô hình CĐML bắt đầu khởi xướng tại xã An Bình (huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang). Đến vụ đông xuân 2012-2013, CĐML đã tăng gấp 10 lần, với 76.000ha. Đến tháng 3-2013, mô hình CĐML đã lan tỏa ra nhiều tỉnh, thành trên cả nước.

TS. Vũ Trọng Bình, Viện Phó Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp - nông thôn cho biết: “Việc xây dựng những cánh đồng lớn thực chất đã được thực hiện ở Việt Nam qua nhiều thời kỳ, từ hợp tác hóa đến nay. CĐML đang xây dựng hiện nay là những cánh đồng có thể có một hoặc nhiều chủ sở hữu nhưng có cùng quy trình sản xuất, có khả năng cung ứng đồng đều và ổn định về số lượng lẫn chất lượng theo yêu cầu thị trường”.

Thu hoạch lúa trên cánh đồng mẫu lớn.
Thu hoạch lúa trên CĐML.

Vựa lúa ĐBSCL vừa cung ứng cho nhu cầu tiêu thụ nội địa vừa đóng góp lớn vào kim ngạch xuất khẩu quốc gia, song quy trình công nghệ và chuỗi cung ứng sau thu hoạch lúa vẫn còn nhiều bất cập. Theo TS. Phạm Văn Tấn, Phó Giám đốc Phân viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch (SIAEP), mặc dù năng suất, sản lượng lúa tăng dần qua các năm, song mức tổn thất sau thu hoạch lên đến 13,7%/năm.

Theo đó, có quá nhiều đối tác tham gia vào chuỗi lúa gạo với nhiều tầng nấc trung gian khiến việc quản lý chất lượng lúa gạo gặp nhiều khó khăn, thiếu công bằng và giảm thu nhập của các đối tác trong chuỗi. Với mô hình CĐML, mối quan hệ hợp tác “4 nhà” giải quyết những bất cập trên và khép kín từ khâu sản xuất - sơ chế - bảo quản - chế biến - kinh doanh - xuất khẩu, hình thành chuỗi cung ứng lúa gạo bền vững.

CĐML được xem là mô hình tiên tiến nhất trong sản xuất lúa gạo từ trước đến nay nhưng còn nhiều ý kiến cho rằng chỉ mới triển khai ở giai đoạn mô hình mẫu. Vì thế phải chuyển từ mô hình CĐML sang “cánh đồng lớn” với tầm nhìn dài hạn, bền vững tránh tình trạng chạy theo phong trào. Muốn vậy, mối liên kết “4 nhà” phải thắt chặt hơn nữa, đặc biệt là phải kết dính 2 tác nhân chính (doanh nghiệp và nông dân) trong mối quan hệ cộng sinh, đôi bên cùng hợp tác và cùng hưởng lợi.

Đặc biệt là quan hệ giữa nông dân và doanh nghiệp cần chuyển từ tính thời vụ sang mối liên kết hữu cơ. Doanh nghiệp đóng vai trò là người cung cấp vật liệu đầu vào, chia sẻ và thông tin thị trường đến nông dân để điều chỉnh hoạt động sản xuất phù hợp. Ngoài ra, cần thiết lập quan hệ quản trị giữa doanh nghiệp và nông dân, áp đặt những tiêu chuẩn chất lượng, giá cả, phương thức giao dịch, thanh toán phù hợp giữa đôi bên để hợp tác lâu dài.

Song song với việc củng cố và phát huy mối liên kết dọc và liên kết ngang giữa các nhà trong CĐML, vấn đề đầu tư hợp lý cho 2 tác nhân chính của chuỗi giá trị lúa gạo là doanh nghiệp và nông dân cũng cần phải chú trọng hơn nữa.

Thời gian qua, việc đầu tư trực tiếp vào các CĐML bị tác động bởi nhiều yếu tố chủ quan và khách quan. Vì vậy, số lượng doanh nghiệp tham gia đầu tư “trọn gói” cho CĐML còn rất mỏng. Theo ông Lê Thanh Khiêm, Phó Giám đốc Công ty Lương thực Tiền Giang, tham gia vào CĐML, doanh nghiệp mong muốn có nguồn nguyên liệu ổn định, xây dựng vùng lúa chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, với diện tích bao tiêu lớn, doanh nghiệp buộc phải thu mua và chế biến một lượng lớn lúa gạo trong thời gian ngắn. Ngoài trách nhiệm đầu tư đầu vào cho nông dân, doanh nghiệp còn phải đầu tư kho chứa, nhà máy chế biến, lò sấy, phương tiện vận chuyển...

GS-TS. Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường Đại học Tân Tạo cho rằng: “Để phát huy hiệu quả của phương thức sản xuất mới, ngành Lúa gạo Việt Nam cần có những nông dân kiểu mới được đào tạo bài bản để tham gia hoạt động kinh tế mang tính cạnh tranh. Song song đó, cần tổ chức liên kết nông dân lại để hình thành những hợp tác xã, tập đoàn hoặc trang trại quy mô lớn và có năng lực sản xuất theo tiêu chuẩn Viet GAP hoặc Global GAP theo đặt hàng của doanh nghiệp.

Theo Bộ NN&PTNT, hiện hay mô hình CĐML đã khẳng định được tính ưu việt. Song, để đi từ mô hình CĐML đến những “cánh đồng lớn” nhất thiết phải có quy hoạch cụ thể, không thể triển khai tràn lan theo phong trào nếu các mối liên kết còn lỏng lẻo, nhất là giữa “2 nhà” doanh nghiệp và nông dân.

Bộ NN&PTNT cũng yêu cầu các địa phương phải rà soát lại những khu vực có thể xây dựng mô hình CĐML để đưa vào quy hoạch và tập trung nguồn lực đầu tư. Các cánh đồng này canh tác theo quy trình sản xuất thực hành tốt, gắn với chuỗi ngành hàng và quản lý chặt chẽ về chất lượng. Có như vậy, “cánh đồng lớn” mới phát huy hiệu quả bền vững giúp nền sản xuất lúa gạo của Việt Nam thực sự chuyển biến về chất, tiến tới xây dựng thương hiệu cho hạt gạo Việt.

SĨ NGUYÊN

.
.
.