Thứ Sáu, 03/05/2013, 09:07 (GMT+7)
.

Nghêu giống: Cần đầu tư bài bản hơn

Mặc dù liên tục các năm qua nghêu nuôi khu vực ven biển Gò Công chết hàng loạt gây thiệt hại nặng cho ngư dân. Tuy nhiên, hiện nay hiệu quả hoạt động nuôi nghêu có thể nói vẫn còn cao, góp phần giải quyết việc làm cho địa phương và tạo nguồn nguyên liệu cho xuất khẩu. Do đó, vấn đề đáp ứng nhu cầu con giống cỡ lớn để thích nghi với mùa vụ nuôi nghêu là việc làm cấp thiết hiện nay.

Thiếu nghêu giống cỡ lớn

Ông Trần Văn Vinh, nông dân có kinh nghiệm nuôi nghêu hàng chục năm có trại sản xuất nghêu giống “có tiếng” ở ấp Cầu Muống (Tân Thành, Gò Công Đông) cho biết, nghêu nuôi khu vực biển Tân Thành chết hàng loạt liên tục 5 năm qua nhưng thiệt hại nghiêm trọng nhất là năm 2010, 2011 và đầu năm 2013.

Đúc kết kinh nghiệm qua hàng chục năm nuôi nghêu của mình, ông Vinh nhận định, thực tế hiện nay vùng biển này chỉ còn nuôi nghêu thịt được khoảng 6 tháng, tức là bắt đầu thả nghêu giống từ tháng 5-6 dương lịch (lúc này mới bắt đầu có nghêu giống) và thu hoạch vào tháng 12 trong năm, chậm nhất là tháng 1 năm sau.

Trước đây, khi nghêu nuôi phát triển bình thường thì người nuôi nghêu có thể mua nghêu giống cỡ từ 2.000-5.000 con/kg thả nuôi quanh năm với thời gian nuôi bình quân khoảng một năm rưỡi mới cho thu hoạch nghêu cỡ từ 40-60 con/kg. Hiện nay, để đáp ứng mùa vụ thả nuôi ngắn chỉ trong 6 tháng, người nuôi nghêu phải cần nghêu giống cỡ từ 100-120 con/kg thả nuôi để kịp thu hoạch trong năm nhằm tránh dịch bệnh.

Từ năm 2011 đến nay, Tổng cục Thủy sản cũng như cơ quan chức năng địa phương cũng khuyến cáo người nuôi nghêu tuyệt đối không thả nuôi nghêu từ tháng 1 - 3 âm lịch; cỡ giống thả nuôi từ 150-200 con/kg; mật độ thả giống từ 400-600 con/m2 để tránh thời điểm nghêu chết hàng loạt hàng năm.

Tuy nhiên, vấn đề khó khăn ở đây được nhiều người nuôi nghêu xác nhận là nghêu giống cỡ lớn từ 100-600 con/kg rất khan hiếm. Hầu như nghêu giống loại này trên thị trường chỉ là nghêu được thu hoạch từ những bãi nuôi nghêu thịt có mật độ quá dày để san thưa nên số lượng không đáng kể và không thể đáp ứng được nhu cầu thả nuôi theo mùa vụ chỉ trong 6 tháng ở vùng biển Tân Thành.

Cần đầu tư bài bản hơn

Thực tế cho thấy hiệu quả nuôi nghêu vẫn còn hấp dẫn. Vấn đề còn lại là làm sao có đủ nguồn nghêu giống kích cỡ lớn để đảm bảo thời gian từ khi thả giống đến khi thu hoạch chỉ gói gọn trong vòng 6 tháng.

Về hiệu quả hoạt động sản xuất, ương dưỡng nghêu giống, một chuyên gia ngành Nông nghiệp cho biết, hiệu quả kinh tế từ các hoạt động này khá cao. Nếu được đầu tư đúng mức, nghiên cứu đến nơi đến chốn thì hoạt động sản xuất, ương dưỡng nghêu giống có thể cho lợi nhuận lớn.

Mặt khác, hoạt động sản xuất, ương dưỡng nghêu giống cũng cần một lượng lao động rất lớn nên sẽ góp phần giải quyết việc làm cho người dân địa phương.

Do đó, để giải quyết vấn đề con giống cho các vùng nuôi nghêu, nhất là con giống kích cỡ lớn, thiết nghĩ Nhà nước cần có quy hoạch vùng sản xuất, ương dưỡng nghêu giống ở những vùng có điều kiện tự nhiên thuận lợi, trong đó có chính sách ưu đãi về vốn, nhân lực, khoa học công nghệ, thuế… như các khu công nghiệp khác để thu hút mọi người, mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào việc nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh con nghêu.

Có làm bài bản như vậy mới hạn chế rủi ro, nâng chất lượng con giống và tất nhiên là hiệu quả mới bền vững.

THÀNH CÔNG

.
.
.