Thứ Ba, 28/05/2013, 16:57 (GMT+7)
.

Trung tâm HTCĐ xã Bình Phục Nhất: Chuyển giao hiệu quả KHKT trong SXNN

Bắt đầu đi vào hoạt động vào ngày 14-1-2005, đến nay, Trung tâm học tập cộng đồng (HTCĐ) xã Bình Phục Nhứt (huyện Chợ Gạo) được đánh giá là một trong những đơn vị hoạt động có hiệu quả. Thời gian qua, Trung tâm đã góp phần không nhỏ trong việc chuyển giao khoa học kỹ thuật (KHKT) đến người dân ở lĩnh vực sản xuất nông nghiệp (SXNN), trồng hoa màu.

Từ khi mới được thành lập, Ban Chủ nhiệm Trung tâm HTCĐ đã xác định mục tiêu chính của trung tâm là cầu nối chuyển giao kiến thức KHKT tiến bộ và kinh nghiệm SXNN đến người dân. Thực tế cho thấy, việc chuyển giao KHKT là đòn bẩy giúp người dân thực hiện thành công quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng có lợi, đạt hiệu quả kinh tế cao.

Trung tâm thường xuyên phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh, huyện thực hiện 50 chuyên đề về chuyển giao KHKT trên cây trồng vật nuôi gồm 40 cuộc hội thảo với gần 5.000 người tham dự, 10 lớp ba giảm ba tăng, 5 lớp IPM có 200 học viên tham dự. Đặc biệt, các cuộc hội thảo về sản xuất lúa sạch, lúa thơm và lúa chất lượng cao; cách phòng trị bệnh có hiệu quả trên ruộng lúa các loại sâu bệnh... giảm chi phí sản xuất giúp người dân trồng lúa đạt năng suất cao.

Chăm sóc khổ qua dưới chân ruộng.
Nhờ tham gia các lớp chuyển giao KHKT từ Trung tâm, nông dân đã đưa cây màu xuống ruộng thành công.

Về Bình Phục Nhứt vào những ngày này, chúng tôi ghi nhận không khí nhộn nhịp của ngày mùa cùng niềm vui trúng mùa vụ lúa đông xuân vừa qua với năng suất bình quân 6 tấn/ha! Bà con trong xã đang xuống giống được 1.100 ha lúa hè thu chính vụ với các giống lúa thơm như VĐ20, 2717, OM2000, trong đó giống lúa thơm VĐ20 chiếm 80% diện tích…

Hiện những cánh đồng đã được phủ màu xanh mơn mởn của mạ non. Tại vùng sản xuất lúa thơm quy hoạch của xã (ấp Bình Thọ I), chú Nguyễn Văn Quyền, một trong những lão nông đi đầu phong trào trồng lúa thơm và chất lượng cao, vụ đông xuân vừa qua chú “ăn chắc” hơn 6 tấn/ha. Không riêng gì chú, phần lớn bà con ở ấp Bình Thọ I, II đều trúng mùa như vậy.

Ở ấp Bình Thọ I còn có những “ông vua” trồng lúa thơm như: Tư Nếu, Sáu Tĩnh, Tư Thiện, Bảy Hoàng… mà khi hỏi đến thì ai cũng biết. Với lợi nhuận từ cây lúa thơm, bà con nông dân có điều kiện xây dựng nhà cửa, mua sắm trang thiết bị nghe nhìn, phương tiện đi lại, giúp bộ mặt nông thôn xã Bình Phục Nhứt ngày càng khang trang. Toàn xã có hơn 90% nhà kiên cố và bán kiên cố; 99% hộ dân có TV.

Ngoài ra, Trung tâm còn chú trọng việc chuyển giao KHKT trong lĩnh vực trồng cây màu vì đây cũng là một thế mạnh của xã bên cạnh cây lúa. Liên kết với Hội Nông dân, CLB Khuyến nông xã, Trung tâm đã xây dựng chuyên đề chuyển dịch cơ cấu kinh tế bằng cách đưa cây màu xuống chân ruộng.

Trung tâm đang xây dựng mô hình trình diễn đa canh xen cây màu dưới chân ruộng để trồng cây bắp xen gừng, cải xen bắp, bắp xen hẹ... với 125 hộ tham gia cùng diện tích hơn 50 ha. Hiệu quả từ mô hình này giúp các hộ dân thu lãi từ 50-70 triệu đồng/ha, lợi nhuận gấp 3-4 lần cây lúa.

Anh Nguyễn Tấn Năng, một điển hình trong phong trào “vượt khó, sản xuất giỏi” ở ấp Bình Khương I, vừa trúng vụ ớt với 35 triệu đồng/công ớt, sau khi trừ chi phí, anh còn lãi 20 triệu đồng. Anh Năng tâm đắc: “Qua tham dự nhiều lớp chuyên đề do Trung tâm tổ chức, tụi tui nắm được những kiến thức KHKT cơ bản về chăm sóc các cây màu, kết hợp với kinh nghiệm và học hỏi thêm ở bà con khác nên sản xuất rất thành công.”

Hiện nay, anh đang chuyển sang mô hình trồng cải bẹ xanh xen khổ qua. Màu xanh của những luống cải và khổ qua đang phát triển tốt như báo hiệu một mùa màu cho năng suất cao sắp tới! Còn nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh Ngô Kim Hên (ấp Bình Khương I) thì nổi tiếng với mô hình trồng hẹ dưới ruộng. Với 3,5 công đất trồng hẹ, ông Hên thu được từ hơn chục triệu đồng/vụ hẹ.

Riêng chị Ngô Thị Cúc (ấp Bình Khương I) trồng 5 công bắp cải, thu hoạch hơn 15 tấn bán với giá 4.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí sản xuất và mướn đất, chị thu lãi ròng hơn 40 triệu đồng...

Bên cạnh việc chú trọng công tác chuyển giao KHKT trong SXNN, Trung tâm HTCĐ còn tổ chức nhiều chuyên đề khác về “phục vụ sức khỏe cộng đồng”, “nâng cao nhận thức về kiến thức pháp luật cộng đồng”, “Văn hóa nghệ thuật - Thể dục thể thao”... Các chuyên đề này giúp người dân có ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh, nâng cao nhận thức về pháp luật, xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa.

Phó Chủ tịch UBND xã Châu Văn Sơn Em kiêm Giám đốc Trung tâm HTCĐ, cho biết: Mặc dù các thành viên của Trung tâm đều là cán bộ kiêm nhiệm, không có người chuyên trách, nhưng hoạt động có hiệu quả của Trung tâm đã giúp người dân thấy được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với đời sống vật chất tinh thần của người dân. Đặc biệt, công tác chuyển giao KHKT đã giúp người dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu kinh tế cây trồng vật nuôi có hiệu quả, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng đời sống.

Khó khăn lớn nhất hiện nay của Trung tâm vẫn là nguồn kinh phí dành cho hoạt động của Trung tâm và chưa có cán bộ chuyên trách. Nếu như các ngành chức năng quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn để khắc phục những khó khăn trên thì hoạt động của Trung tâm sẽ hoạt động ngày một phong phú, đi vào chiều sâu nhằm phục vụ nhu cầu học tập, chuyển giao KHKT của người dân.

MỸ AN

 

.
.
.