Thứ Sáu, 07/06/2013, 08:58 (GMT+7)
.

Vụ hè thu sớm: Nông dân “bán đổ, bán tháo”, người mua chần chừ

Vụ lúa hè thu sớm 2013 ở các huyện phía Tây của tỉnh cơ bản thu hoạch gần dứt điểm 40.000 ha. Có một thực tế, giá lúa lại quá thấp, chi phí “đội” lên cao, trong khi năng suất vụ này không cao, khiến nông dân trồng lúa từ huề đến lỗ vốn.

Lúa chất đầy nhà nhưng nông dân không bán được lúa. Trong ảnh: ông Nguyễn Văn Minh, ấp Hậu Quới, xã Hậu Mỹ Bắc B, huyện Cái Bè.
Lúa chất đầy nhà nhưng nông dân không bán được lúa. Trong ảnh: ông Nguyễn Văn Minh, ấp Hậu Quới (Hậu Mỹ Bắc B, Cái Bè).

Ghi nhận chung trên các cánh đồng ở các huyện phía Tây: Lúa thu hoạch xong thì “bán đổ, bán tháo” để trả tiền nợ. Còn những ai chưa bán được lúa thì phải chấp nhận chịu các khoản lãi suất vật tư nông nghiệp, lãi ngân hàng và chưa kể vay nóng bên ngoài để tới mùa vụ thanh toán lại.

Ông Lê Văn Việt, ấp Phú Tiểu (Phú Nhuận, Cai Lậy) vừa thu hoạch xong 0,8 ha lúa IR 50404, năng suất đạt 32 giạ/công. Ông Việt giải bày: “Nhiều năm qua, người dân thu hoạch xong là bán lúa tươi ngay tại ruộng. Nhưng vụ này nông dân phải tất tả đi tìm người mua. Gia đình tôi sống phụ thuộc vào 0,8 ha đất nhưng không bán được thì lấy tiền đâu trả nợ. Các khoản chi phí như: Tiền vật tư nông nghiệp, thuê máy cắt, tuốt; bơm tát, nhổ cỏ, dặm lúa… phải thanh toán ngay sau khi vụ mùa kết thúc. Tôi đành phải “bán đổ, bán tháo” với giá 3.550 đồng/kg nhưng thương lái trừ gần 50kg vì cho rằng lúa không được đẹp”.

Sau khi bán lúa xong, ông Việt phủi tay cho 3 tháng bỏ công chăm sóc 0,8 ha lúa của mình. Giờ đây, gia đình ông phải chạy vạy đi vay tiền lo cho vụ sau. “Bao nhiêu khó khăn, gian khổ cứ đổ vào đầu nông dân. Quanh năm chỉ trông mong vào sinh lợi của cây lúa. Nhưng giá ngày càng một giảm, trong khi đó chi phí ngày một đội lên cao. Nếu như thế này, 1-2 vụ mùa nữa, nông dân nghèo trồng lúa sẽ bán đất hết” - ông Việt buồn bã cho biết.

Trong khi đó, anh Nguyễn Văn Minh, ấp Hậu Quới (Hậu Mỹ Bắc B, Cái Bè) nói như khóc: “Vụ mùa rồi, tôi thuê đất trồng dưa hấu nhưng bị lỗ. Vụ này, tôi chuyển diện tích đất đó để sang trồng lúa nhưng giờ cũng bị lỗ. Hiện lúa ướt (chưa phơi sấy) của bà con bán tại ruộng chỉ được thương lái thu mua với giá từ 3.300 - 3.800 đồng/kg, thấp hơn từ 400-500 đồng/kg so với cách đây 10 ngày và thấp hơn rất nhiều so với giá lúa vụ đông xuân vừa qua. Với giá như trên, nông dân trồng lúa chỉ huề đến lỗ vốn”.

Hiện ông Minh chở lúa vô sân chất đống bốn năm ngày rồi mà không kêu được người để bán. “Nào là tiền mua nợ phân thuốc từ đầu vụ, tiền máy gặt đập, bao nhiêu chi phí, nợ nần cứ vây lấy đám lúa nhưng bán không được. Ai đời, có lúa mà cũng không thể bán. Vì áp lực nợ nần nên tôi chấp nhận bán đổ, bán tháo với giá rẻ cũng không có người mua”- ông Minh buồn bã nói.

Thương lái Đặng Thanh Hồng, ấp Mỹ Trinh A (Hậu Mỹ Trinh, Cái Bè) cho biết, mấy ngày nay ông chạy ghe để thu mua lúa của dân. Thấy bà con nông dân đang thu hoạch, lúa chất đầy trên đồng ruộng, ông Hồng khấp khởi mừng. Đến khi kiểm tra lại giá với doanh nghiệp nơi ông giao hàng thì được biết giá lúa gạo đang sụt giảm, doanh nghiệp đã tạm ngưng mua gạo vào. Vậy là ông Hồng đành neo ghe tại đây suốt mấy ngày liền chờ doanh nghiệp cho giá mới.

Ông Hồng tâm sự: “Thời điểm giá cả sụt giảm, thay đổi từng ngày thế này rất khó thu mua. Vì mua ngày hôm trước, hôm sau giá đã tụt xuống rồi. Cho nên thương lái tụi tôi chỉ dám mua nhỏ giọt, cầm chừng để giữ mối quen. Chứ mua nhiều thì có mà đổ nợ”.

Ngày 6-6, Phó Giám đốc Công ty Lương thực Tiền Giang Lê Thanh Khiêm cho biết, thời gian qua, Công ty Lương thực Tiền Giang cũng tiến hành thu mua nhưng ở dạng cầm chừng và đợi đến ngày 15-6 mới bắt đầu đẩy mạnh thu mua theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Ông Cao Văn Hóa, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Chúng tôi đã kiến nghị nhiều lần trong các cuộc họp về lúa, gạo gần đây. Không chỉ Tiền Giang mà các tỉnh, thành ĐBSCL đều bức xúc và có kiến nghị với Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho tạm trữ lúa, gạo sớm. Bởi một số nơi đã thu hoạch gần dứt điểm vụ lúa hè thu nhưng Hiệp hội cũng chưa phân bổ chỉ tiêu tạm trữ về cho các tỉnh, thành ĐBSCL.

“Tiền Giang thu hoạch được khoảng 36.000-37.000ha lúa hè thu sớm, chỉ còn khoảng 3.000ha lúa nữa là sẽ kết thúc vụ mùa. Thế nhưng, thời gian tạm trữ bắt đầu ngày 15-6 tới. Đây là một thiệt thòi cho các tỉnh, thành thu hoạch lúa hè thu sớm”- ông Hóa nói.

Theo các cơ quan chuyên môn, nguyên nhân giá lúa sụt giảm nhanh và khó tiêu thụ hiện nay là do sản lượng lúa đông xuân vừa qua còn tồn đọng nhiều, chưa tiêu thụ hết, nay nông dân tiếp thụ thu hoạch rộ lúa hè thu với sản lượng lớn trong khi các doanh nghiệp chưa sẵn sàng triển khai thu mua.

SĨ NGUYÊN

.
.
.