.

Nghệ nhân Ngô Tấn Đức: Người "giữ hồn" cho Làng nghề Tủ thờ Gò Công

Cập nhật: 06:56, 17/02/2014 (GMT+7)

Ông Ngô Tấn Đức, nhiều người gọi thân mật bằng ông Ba Đức, gần 80 tuổi, tóc đã bạc trắng nhưng còn rất minh mẫn. Ông được xem là một trong những nghệ nhân lão luyện, người góp phần “giữ hồn” cho Làng nghề Tủ thờ Gò Công trải dài cả trăm năm.

Nặng nợ với nghề

Chúng tôi hẹn gặp ông vào ngày cận Tết Giáp Ngọ 2014, ngay sau khi ông nhận Huân chương Lao động hạng III do Chủ tịch nước trao tặng nhằm ghi nhận những đóng góp của ông trong hàng chục năm qua. Đó là phần thưởng vô giá cho một lão nông cả đời gắn bó với những chiếc tủ thờ Gò Công vang danh khắp cả nước.

Tiếp chúng tôi không phải ở những cửa hàng kinh doanh bàn ghế, tủ thờ mang tên Ba Đức ở dọc ấp Ông Non, xã Tân Trung (TX. Gò Công) hoành tráng, sang trọng mà ông dẫn chúng tôi về ngôi nhà có nét cổ kính, cũ kỹ. Ông lý giải, ngôi nhà này đã gắn bó với vợ chồng ông đã gần 50 năm, kể từ khi ông lập gia đình, ra riêng và gầy dựng sự nghiệp. Và có lẽ nơi đây đã chứa đựng nhiều ký ức của cả đời lập thân, lập nghiệp.

Ngay gian chính ngôi nhà này, ông cho đặt chiếc tủ thờ trị giá 300 triệu đồng. Ông nói, chiếc tủ này một phần dùng để thờ tổ tiên, ông bà, một phần cũng muốn ghi lại dấu ấn của nghề mà mấy chục năm ông đã theo đuổi. Bên tách trà cuối năm, ông chậm rãi kể rằng, thời trẻ gia đình ông rất nghèo, nên ông sớm đi làm thuê và học nghề mộc, được chủ thương gả con gái.

“Tôi được cha vợ truyền nghề đóng tủ, bàn ghế. Nghề này đầu tiên là do ông cố (ông Nguyễn Văn Non, tức ông Cả Non, sau này lấy tên ông đặt thành ấp Ông Non, xã Tân Trung - NV) gầy dựng. Năm 19 tuổi, tôi đã học được nghề đóng tủ” - ông Ba Đức cho biết.

Ông Ngô Tấn Đức bên chiếc tủ thờ trị giá 300 triệu đồng.
Ông Ngô Tấn Đức bên chiếc tủ thờ trị giá 300 triệu đồng.

Sau khi lập gia đình, sinh con, có nghề nghiệp, những tưởng ông Ba Đức bắt đầu sự nghiệp của mình. Nhưng không, ông theo cách mạng khi phong trào Đồng Khởi năm 1960 nổ ra. Ông nói: “Tui “mê” Việt Cộng quá nên đành xa vợ xa con”. Ông cũng đã từng tham gia giải phóng Khám lớn Gò Công trong trận Tết Mậu Thân 1968. Trong trận này, ông bị thương nặng nhưng vẫn kiên cường chống chọi với thương tích và tham gia giải phóng được nhiều tù nhân chính trị của ta.

Một thời trai trẻ ông cũng từng là thanh niên xung phong trên khắp chiến trường, nhất là khu vực Ấp Bắc, Ba Dừa, Mỹ Phước Tây (huyện Cai lậy), đi mở đường, tải thương, cứu thương, rồi tham gia Tiểu đoàn tăng cường tiếp viện cho lực lượng thanh niên xung phong ở ngã ba Đồng Lộc. Khi hòa bình lập lại, ông trở lại nghề gia truyền.

“Năm 1976, tôi mua miếng đất được 15 sào, cất cái chòi 1 mái bằng cây dầu gió, đước, lợp lá chầm đốp, mưa dột khắp nhà nên phải che mũ cho con ngủ. Đùng cái, năm 1978 sâu rầy hoành hành, thất mùa nên ngưng làm tủ hết một thời gian do bà con không có tiền để mua. Lúc này thợ đóng tủ đã bỏ đi xứ khác làm ăn gần hết, chỉ còn tui và các con làm đắp đổi qua ngày, vừa làm vừa truyền nghề cho các con. Từ năm 1980 trở về sau, tôi mới bắt đầu ổn định nghề và phát triển dần” - ông Ba Đức chậm rãi kể về sự nghiệp của mình.

Ông “vua” tủ thờ

Có lẽ ngày nay nhắc đến tủ thờ Gò Công nhiều người nghĩ ngay đến thương hiệu Ba Đức. Tủ thờ Ba Đức giờ đây không chỉ có mặt trong cả nước mà còn xuất khẩu sang nước ngoài. Ông Ba Đức cho biết, hiện tại gia đình có 15 cơ sở lớn nhỏ, trong đó có 9 cơ sở lớn đều do các con ông đứng ra sản xuất và kinh doanh.

Các cơ sở này tập trung ở ấp Ông Non (xã Tân Trung, TX. Gò Công). Mới đây, con ông cũng mở cửa hàng kinh doanh tủ thờ, bàn ghế mang tên Ba Đức ở xã Tân Mỹ Chánh, TP. Mỹ Tho. “Tôi cũng đã đặt cơ sở mua gỗ bên Lào được 5 năm. Nhờ đó không thiếu gỗ để làm ra những bộ bàn ghế có chất lượng cao” - ông Ba Đức cho biết.

Chiêm nghiệm cuộc đời hơn 50 năm gắn bó với nghề, ông Ba Đức tự hào: Đời ông cố và ông nội chỉ làm được chiếc tủ thờ Gò Công thường với 3 trụ, đến đời cha ông nâng cấp lên từ 5-7 trụ và đến thời của ông đã phát triển từ 7 trụ dần lên đến 21 trụ. Đặc biệt, vào cuối năm 2013 ông đã hoàn thành chiếc tủ với 30 trụ. Đây được xem là chiếc tủ thờ mang tính kỷ lục cả về số trụ và về giá bán, lên đến 750 triệu đồng. Chiếc tủ thờ này có 30 trụ đứng được chạm trổ tinh xảo, mặt tiền được cẩn xà cừ đẹp mắt và được ông đóng theo đơn đặt hàng của một nữ trí thức ở huyện Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh.

Ông Ba Đức kể, hôm khách xuống Gò Công xem hàng trưng bày rồi phác thảo ý tưởng chiếc tủ không đụng hàng với bất cứ ai, cha con ông toát mồ hôi hột, nửa muốn nhận, nửa muốn từ chối. Vì lòng tự ái nghề nghiệp, ông quyết định ký hợp đồng và chấp nhận đánh cược với danh tiếng của mình suốt hơn 50 năm qua.

Ông giải thích: “2 năm trước tui đóng được cái tủ thờ 550 triệu đồng với 21 trụ là hú hồn, hú vía rồi. Còn cái tủ 750 triệu đồng này tui vừa làm vừa hồi hộp, vì nếu khách không chịu lấy có nước đổ nợ, dù họ đã đặt cọc 30%. Vậy là suốt 2 tháng ròng đóng tủ, tôi và người con trai thứ Bảy không dám rời khỏi xưởng, lúc nào cũng đứng canh thợ làm để chỉnh sửa từng chi tiết nhỏ”.

Nghề đóng tủ thờ Gò Công được khai sinh trên vùng đất này cách đây cả 100 năm. Tủ thờ Gò Công nổi tiếng vì được đóng bằng những loại gỗ quý, kiểu dáng đẹp, cẩn xà cừ tinh xảo. Nhờ vậy, tủ thờ Gò Công nói chung và tủ thờ mang thương hiệu Ba Đức nói riêng không chỉ được bán khắp cả nước, mà còn được bán ra nước ngoài.

Ông Ba Đức kể: “Trong 5 năm qua, tui đã bán hơn 100 chiếc tủ thờ Gò Công cho Việt kiều ở Mỹ, Canada, Úc và Pháp. Họ về nước xem hàng rồi ký hợp đồng. Đóng xong tui chở lên TP. Hồ Chí Minh gửi tàu chở qua cho họ. Có 2 Việt kiều ở Úc thường xuyên đặt hàng mua tủ thờ để bán lại cho người Việt ở bên ấy”.

Đi dọc Quốc lộ 50 về hướng phà Mỹ Lợi, qua địa bàn xã Tân Trung, chúng ta sẽ dễ dàng nhìn thấy cổng chào ghi dòng chữ “Làng nghề truyền thống Tủ thờ Gò Công” và hàng chục cửa hàng, cơ sở sản xuất, buôn bán tủ thờ, bàn ghế bằng gỗ. Trong số này có tới gần chục cơ sở mang tên Ba Đức 1, Ba Đức 2... Trải qua hơn 50 năm gắn bó với nghề, ông Ba Đức đã tự tay làm ra không biết bao nhiêu chiếc tủ thờ Gò Công, góp phần to lớn trong việc “giữ hồn” cho làng nghề truyền thống vang danh này.

NHÓM PV KINH TẾ

.
.
.