Thứ Tư, 06/08/2014, 14:24 (GMT+7)
.
Hoa nở trên "vùng đất chết"

Bài 5: Đánh thức "vùng đất chết"

Bài 1: "Trận địa" Đồng Tháp Mười
Bài 2: Huyền thoại kinh Nguyễn Văn Tiếp
Bài 3: Ký ức Phú Mỹ
Bài 4: Hưng Thạnh - 200 năm & ước vọng hưng thịnh

Bài 6: Nước đã xuôi dòng

 

25 năm trước, tại cầu lộ kinh 12 (Cai Lậy) bắc qua huyện Tân Thạnh (tỉnh Long An), UBND tỉnh đã tổ chức Lễ mittinh tiến quân vào khai thác Đồng Tháp Mười (ĐTM). 15 giây pháo nổ giòn giã và 15 cần xáng hạ xuống cạp những gào đất đầu tiên, báo hiệu công cuộc tiến quân khai hoang vùng ĐTM của tỉnh Tiền Giang bắt đầu.

Công cuộc khai hoang chính thức bắt đầu.
Công cuộc khai hoang chính thức bắt đầu.

QUYẾT TÂM KHAI HOANG

Sau ngày nhân dân ta đánh thắng giặc Mỹ, giải phóng miền Nam, cả nước thống nhất, Đảng và Nhà nước chủ trương tiến quân vào khai thác ĐTM, một vùng đất rộng lớn của ĐBSCL. Song chủ trương khai thác vùng đất hoang hóa này đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh triển khai thực hiện từ trước. Dấu mốc đầu tiên là vào năm 1976, UBND tỉnh ký ban hành chỉ thị đào kinh Trương Văn Sanh để mở màn khai phá ĐTM; bởi, đào kinh là con đường tối ưu nhất, được ưu tiên hàng đầu để rửa phèn, dẫn nước ngọt, trước khi tính đến phương án trồng cây gì.

Để đào được kinh Trương Văn Sanh, tỉnh phải vận động hàng ngàn thanh niên xung phong, thanh niên, phụ nữ, bộ đội, công an vào tham gia. Sau 3 tháng vất vả đào bằng tay, kinh Trương Văn Sanh được hoàn thành, điểm đầu từ xã Mỹ Phước Tây (huyện Cai Lậy) đến xã Phú Mỹ (huyện Tân Phước) dài gần 20 km. Miền quê nghèo khó Tân Phước bắt đầu lóe lên những tia sáng hy vọng.

Trong ký ức của ông Huỳnh Văn Niềm, nguyên Ủy viên BCH Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy về việc khai thác ĐTM, nhất là vùng đất trên địa bàn huyện Tân Phước, đã được nhắc lại nhân kỷ niệm 10 năm thành lập huyện: Sau ngày miền Nam giải phóng với quyết tâm khai hoang ĐTM để khắc phục tình trạng đất hẹp người đông, Tỉnh ủy Tiền Giang bắt đầu xây dựng 2 khu kinh tế mới Tân Hòa Đông và Kinh Hai.

Tiếp theo, tỉnh thành lập Lâm trường Trương Văn Sanh và Nông trường Tân Lập; đồng thời phân chia đất cho các huyện Cai Lậy, Châu Thành, Chợ Gạo, Gò Công, TP. Mỹ Tho quản lý và di dân vào nông trường (chủ yếu trồng khóm và tràm). Việc khẩn hoang được tiến hành cật lực nhưng hiệu quả kinh tế ban đầu không đáng là bao.

Nạn cháy rừng và lũ lụt, nhất là năm 1978, đã hủy hoại rất nhiều công trình, máy móc, cây trồng. “ĐTM không chỉ có Tân Phước mà là một vùng rộng lớn gồm các tỉnh lân cận. Việc khai phá ĐTM không chỉ mới bắt đầu vài chục năm nay mà là sự tiếp nối của tiền nhân và tiền nhân đã để lại cho chúng ta rất nhiều kinh nghiệm.

Tại Tiền Giang, vùng ĐTM trải dài từ Cái Bè đến Châu Thành. Ý định khai phá ĐTM đã có từ trước nhưng từ ý tưởng đến đi vào thực hiện mất một thời gian. Khi bước vào khai phá, chúng ta vừa làm vừa rút kinh nghiệm” - nguyên Bí Thư Tỉnh ủy Huỳnh Văn Niềm cho biết nhân chuyến trở lại Tân Phước sau 20 năm thành lập huyện.

Cùng với những khó khăn chung của đất nước thời bấy giờ, đồng bào TP. Hồ Chí Minh vào ở trong các khu kinh tế mới đã bỏ chạy hết. Cánh đồng Tân Lập, Tân Hòa Đông vốn là căn cứ kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Vùng ruột không có dân cư, vùng rìa nhà cửa còn thưa thớt. Nghề sống chủ yếu dựa vào thiên nhiên, nhổ bàng, cắt đưng, bắt cá, bắt ong, kiếm củi.

Lúc đó, đàn ông quanh năm vào đồng, phụ nữ ở nhà đươn đệm, một số gia đình có ghe đi buôn. Người dân đi lại chủ yếu bằng đường thủy trên tuyến kinh Nguyễn Văn Tiếp và Nguyễn Tấn Thành; dân cư thưa thớt. Theo thống kê, bình quân toàn huyện lúc bấy giờ chỉ 127 người/km2.

 Đội Máy kéo Nông nghiệp (Sở NN&PTNT) làm đất cho nông dân xã Tân Hòa Tây sản xuất lúa vụ đông xuân 1996-1997. Ảnh: Ngọc Lan
Đội Máy kéo Nông nghiệp (Sở NN&PTNT) làm đất cho nông dân xã Tân Hòa Tây sản xuất lúa vụ đông xuân 1996-1997. Ảnh: Ngọc Lan

DẤU ẤN

Công cuộc khai phá “vùng đất chết” cũng đã ghi dấu ấn của rất nhiều lãnh đạo Tỉnh ủy - UBND tỉnh, những người đã mất nhiều thời gian, công sức cho việc chinh phục vùng đất phèn nặng, hoang hóa này. Điều này cũng đã để lại những dấu ấn trong cuộc đời tham gia cách mạng của ông Nguyễn Công Bình, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh.

Trong cuốn Dấu ấn cuộc đời, ông Nguyễn Công Bình đã đề cập, ở vùng Bắc kinh Nguyễn Văn Tiếp, từ kinh 12 đến chợ Phú Mỹ có hàng chục ngàn ha đất bị hoang hóa, riêng vùng kinh Nguyễn Văn Tiếp dân cư tương đối đông đúc, số ít chuyển sang nghề buôn bán hoặc chuyển sang đóng xuồng ba lá, đa số nông dân còn lại chuyên sống bằng kinh tế tự nhiên theo từng thời vụ của vùng đất hoang hóa. Trong chiến tranh, những năm 1960 - 1962, vùng này là nơi ẩn náu của lực lượng ta, do đó bom đạn Mỹ tàn phá nặng nề, cào nhà gom dân vào ấp chiến lược.

Vùng Nam Bắc kinh Nguyễn Văn Tiếp B có trên 16.000 ha, nhiều nhất là ở huyện Cái Bè, nhân dân vẫn còn tập quán làm ăn theo kiểu cũ, mỗi năm làm 1 vụ lúa sạ nổi, năng suất thấp. Đây là vùng căn cứ cách mạng trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ xâm lược. Trong kháng chiến, nhân dân ở đây đã nhiều lần bị địch cào nhà, gom dân vào 2 khu trù mật Mỹ Phước Tây và Thiên Hộ, đời sống người dân lúc bấy giờ rất khó khăn.

“UBND cách mạng tỉnh có kế hoạch quy hoạch đào kinh, phân lô, động viên nhân dân trở về cư trú dọc theo bờ kinh Nguyễn Văn Tiếp, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, mở hóa khai hoang vùng hoang hóa ĐTM (huyện Tân Phước ngày nay) phải hoàn thành trong 6 tháng cuối năm 1976” -  cuốn Dấu ấn cuộc đời đã ghi lại.

Tinh thần tiến quân vào khai thác ĐTM ngày càng khí thế, ông Nguyễn Lập, nguyên Phó Ban Chỉ đạo (BCĐ) khai hoang vùng ĐTM bùi ngùi nhớ lại, với tinh thần tiến quân đó, Tỉnh ủy - UBND tỉnh thành lập BCĐ khai hoang vùng ĐTM do đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban. Mở màn cho giai đoạn khai hoang, tỉnh tổ chức buổi lễ khởi công và ra mắt BCĐ tại kinh Hai Hạt, có trên 200 quần chúng và cán bộ tham dự với gần 15 chiếc xáng cạp.

Sau lời phát biểu của UBND tỉnh và phát lệnh khởi công, hàng loạt dây pháo từ trên cần trục nổ giòn giã, những gàu đất đầu tiên được quăng lên, mọi người hoan hô tràn đầy niềm tin công cuộc khai thác ĐTM sẽ thành công. “Mặc dù buổi đầu còn nhiều khó khăn, Thường trực BCĐ chỉ có 1 người, rồi 2 - 3 đến 5 người, không có nhà làm việc, thời gian đầu chủ yếu làm việc trên chiếc xáng, mấy tháng sau mới dựng căn phòng làm việc bằng lá ngay trong đồng hoang vu.

Tuy vậy, Thường trực BCĐ cùng cán bộ chuyên môn của các sở, ngành xúc tiến đi thực địa khảo sát, lập kế hoạch phóng các tuyến kinh trục như kinh Trương Văn Sanh, kinh Bắc Đông và hệ thống kinh sườn để xáng cạp liên tục thi công, có lúc cao điểm phải huy động số xáng lên đến 27 chiếc” - ông Nguyễn Lập nhớ lại.

Những đơn vị hành chính tiền thân của huyện Tân Phước

Năm 1978, Đảng bộ tỉnh đã ra chủ trương và nghị quyết tiến hành khai thác vùng ĐTM tỉnh Tiền Giang và thành lập Ban Khai hoang - Xây dựng vùng kinh tế mới để quản lý các nông, lâm trường trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng chỉ đạo xây dựng các nông, lâm trường, xí nghiệp và khoảng 10 đơn vị trạm, trại của tỉnh trên vùng đất mới. Mỗi đơn vị quản lý thấp nhất là 50 ha, cao nhất 3.000 ha.

Năm 1984, Tỉnh ủy - UBND tỉnh thành lập Ban Chuyên canh tỉnh và hoạt động đến năm 1986 thì giải thể. Năm 1987, trên cơ sở chỉ đạo theo Chỉ thị 74 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, tỉnh Tiền Giang thành lập BCĐ khai hoang vùng ĐTM gồm 15 đồng chí là giám đốc, phó giám đốc các sở, ngành tỉnh có liên quan, do đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban. Đây là đơn vị hành chính tiền thân của Huyện ủy và UBND huyện Tân Phước.

Còn đối với ông Phan Văn Nghiệp, Anh hùng Lao động, nguyên Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, người đã gắn bó cả đời với các công trình thủy lợi trọng yếu của tỉnh, trong đó có công cuộc khai hoang phục hóa ĐTM, việc đánh thức hay để ĐTM ngủ yên cũng từng là vấn đề còn nhiều tranh cải.

Nhưng có điều không thể không lưu ý và cảnh báo là khai thác tối đa tài nguyên một cách cạn kiệt là một điều cấm kỵ, nó chỉ đem lại lợi ích trước mắt, nhưng để lại hậu quả vô cùng nguy hại về sau.

ĐTM cũng vậy, nhiều nước sẵn sàng đầu tư cho chúng ta mở rộng quy hoạch rừng, nhưng lại không chịu bỏ ra dù chỉ một đồng cho chúng ta khai hoang, phục hóa.

“Thế nhưng, khi trở lại ĐTM - Tân Phước hôm nay, chứng kiến sự hoàn chỉnh của quy hoạch hệ thống giao thông, thủy lợi cùng sự thay đổi, phát triển của người dân nơi đây, tôi rất vui khi đã góp một phần nhỏ công sức trong việc khai hoang!” - Anh hùng Lao động Phan Văn Nghiệp phấn khởi cho biết.

Trước khi thành lập BCĐ khai hoang vùng ĐTM, tỉnh đã cho thành lập các nông, lâm trường và các trạm, trại nơi đây. Đến năm 1992, thời cơ đã chín muồi đòi hỏi phải thành lập huyện mới và đến tháng 8-1994, huyện Tân Phước chính thức được thành lập.

Việc ra mắt huyện mới được chuẩn bị rất chu đáo. Mọi người, mọi nhà thức suốt đêm 26 rạng 27-8-1994, tiếng trống nổi lên, tiếng pháo rền vang, cờ, băng rợp bóng chờ đến giờ đi dự lễ. Trên bờ, dưới sông ghe thuyền tấp nập, từng đoàn người tiến về trung tâm huyện dự ngày lễ có ý nghĩa lịch sử mà bao nhiêu năm mọi người đã mơ ước, với tiếng hô vang dội: Nhiệt liệt chào mừng huyện mới Tân Phước.

THẾ ANH - NGÔ VĂN

Bài 6:
Nước đã xuôi dòng

.
.
.