Thứ Sáu, 01/08/2014, 06:23 (GMT+7)
.
Hoa nở trên "vùng đất chết"

Bài 2: Huyền thoại kinh Nguyễn Văn Tiếp

Bài 1: "Trận địa" Đồng Tháp Mười

Bài 3: Ký ức Phú Mỹ

Bài 4: Hưng Thạnh - 200 năm & ước vọng hưng thịnh

Bài 5: Đánh thức "vùng đất chết"

Bài 6: Nước đã xuôi dòng

Kinh Nguyễn Văn Tiếp không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc khai hoang phục hóa vùng Đồng Tháp Mười (ĐTM) mà còn gắn với những giai đoạn lịch sử quan trọng của đất nước.

KINH CHIẾN LƯỢC

Trong ký ức của ông Võ Văn Xê, nguyên Chủ tịch UBND huyện Tân Phước, kinh Nguyễn Văn Tiếp đã đóng vai trò quan trọng cho vùng ĐTM nói chung và của huyện Tân Phước nói riêng. Đây là tuyến kinh chính của toàn vùng chạy dài từ tỉnh Long An lên đến tận Đồng Tháp.

Khi vùng đất này còn hoang vu, phương tiện chủ yếu của người dân trong vùng là ghe xuồng. Trên con kinh Nguyễn Văn Tiếp, ghe từ miền trên tấp nập nối đuôi nhau để về TP. Hồ Chí Minh.

“Trước đây, tôi đã từng cử người ngồi đếm số lượng ghe xuồng qua lại kinh Nguyễn Văn Tiếp mới thấy rằng, vào thời điểm thấp nhất khoảng 150 chiếc, cao nhất gần 500 chiếc qua lại/ngày, nhưng hiện nay chỉ còn khoảng 20-30 chiếc do đã làm cống Rạch Chanh. Điều này cho thấy kinh Nguyễn Văn Tiếp có vai trò quan trọng như thế nào đối với vùng ĐTM.

Vì thế, ngay từ khi thành lập huyện, việc nâng cấp, nạo vét kinh Nguyễn Văn Tiếp rất được quan tâm và thực hiện thường xuyên. Giai đoạn đầu kinh cũng đã lớn, sau này có mở rộng ra thêm nhưng không nhiều lắm, chỉ từ 5 - 7 m. Đây là con kinh chiến lược cho vùng đất Tân Phước, bên cạnh con kinh Trương Văn Sanh, Bắc Đông, Lộ Mới đã góp phần rất lớn cho việc khai thác vùng ĐTM thành công” - ông Võ Văn Xê cho biết.

Kinh Nguyễn Văn Tiếp ngày nay.
Kinh Nguyễn Văn Tiếp ngày nay.

Song, ngược thời gian trở về lịch sử, ít ai biết rằng, khởi thủy của kinh Nguyễn Văn Tiếp do đô đốc Đặng Trấn của nhà Tây Sơn cho đào năm Ất Tỵ 1785, khi đó gọi là kinh mới Rạch Chanh. Vì đào kinh ngang qua Bàu Bèo nên dân gian khi đó quen gọi là kinh Bàu Bèo, lâu ngày nói trại thành kinh Bà Bèo.

Mục đích của nhà Tây Sơn đào kinh này nhằm phục vụ cho việc hành quân, nhưng cũng nhờ nó mà việc đi lại của người dân thuận lợi hơn, phục vụ tốt cho việc khai hoang xây dựng vùng đất mới. Từ đó, người dân đến định cư ở 2 bờ kinh ngày một nhiều, tạo nên sự sung túc cho cả khu vực. Con kinh này thường bị lấp cạn do tiếp giáp với ĐTM nên dưới thời vua Minh Mạng nó được nạo vét cho rộng thêm.

Đến thời Pháp, rồi Mỹ - ngụy nhận thấy tầm quan trọng của con kinh này về kinh tế lẫn quân sự nên cho xáng thổi và nạo vét sâu, rộng hơn nữa. Thời đầu, thực dân Pháp gọi đây là kinh Thương mại, sau do tên Tổng đốc Trần Bá Lộc chỉ huy nạo vét thêm nên có giai đoạn được gọi là kinh Tổng đốc Lộc.

Trong cuốn Nam bộ 300 năm làm thủy lợi, tác giả Phan Khánh cũng đã đề cập đến lịch sử hình thành các tuyến kinh chính ở Nam bộ, trong đó có kinh Nguyễn Văn Tiếp. Trước hết nói về tỉnh Mỹ Tho (nay là Tiền Giang) là vùng đất tốt nhất và thuận lợi nhất trong ĐTM, cũng là vùng được đào kinh rạch sớm nhất. Nhưng do các tên tỉnh trưởng (người Pháp và người Việt thân Pháp) chủ trương, bắt nhân dân phải lao động khổ sai vì đồng ruộng của chúng, trong đó có tên Trần Bá Lộc với con kinh Tổng đốc Lộc.

Năm 1895, khi được coi toàn tỉnh Mỹ Tho, Trần Bá Lộc nhận thấy vùng phía Nam ĐTM đất đai màu mỡ, phong cảnh tốt tươi, thuận tiện lập các đồn điền lớn, vấn đề còn lại là làm sao để thoát nước ra khỏi lòng chảo này cho bớt ngập úng. Thế là Trần Bá Lộc xin nhà cầm quyền Pháp cho đào thử nghiệm hơn 100 km kinh lớn nhỏ, mà quan trọng nhất là con kinh nối rạch Bà Bèo đến Rạch Ruộng, ăn ra sông Tiền tại Sa Đéc.

Tổng đốc Lộc bắt dân đào một con kinh lớn dài khoảng 45 km, rộng 10 m, bắt đầu từ rạch Bà Bèo (ngòi Thương Mại) bao quanh tất cả vùng Mỹ Tho đổ vào Rạch Ruộng gần Sa Đéc. Nhưng trước hết dân phu phải đào 3 con rạch nhỏ, từ Cái Thia, Trà Lọt, Cái Bè để mở lối vào tuyến kinh chính, dài tất cả 81 km, trong điều kiện cực kỳ khó khăn.

HÌNH THÀNH XÓM ẤP

Kinh được đào đi qua vùng hoàn toàn không có người ở, phải tiếp tế lương thực, thuốc men và nước sinh hoạt cho dân phu, phải đóng những cái “xuồng cạn” rồi cho trâu kéo qua đầm lầy. Khi đào xong 3 con kinh mở lối, dân phu mới dùng thuyền tiếp tế các nhu yếu phẩm nói trên để phục vụ cho đào con kinh chính. Con kinh chính được đào hoàn thành trong vòng 1 năm và tỏ ra có hiệu quả rõ rệt.

Tháng 4-1897, kinh được chủ tỉnh Mỹ Tho là Bocquillon tổ chức khánh thành và tháng 7 năm đó, Toàn quyền Đông Dương đặt tên là kinh Tổng đốc Lộc - người khởi xướng và chỉ huy đào kinh. Đến khi Cách mạng Tháng Tám thành công, tên kinh Tổng đốc Lộc mới xóa bỏ.

Về sau người ta còn đào thêm nhiều kinh cấp 2, nối kinh Tổng đốc Lộc với rạch Cái Bè - Cai Lậy đánh số từ 1, 2, 3 cho đến 11. Kinh Tổng đốc Lộc ra đời có tác dụng thoát nước vùng trũng Cao Lãnh, Tháp Mười, Cái Bè, Cai Lậy ra sông Tiền, làm thay đổi bộ mặt vùng này. Con kinh đã làm cho áp lực nước chảy từ Bà Bèo ra cửa Rạch Chanh giảm hẳn.

Sau năm 1947, ta đã lấy tên đồng chí Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh Mỹ Tho vừa mới hy sinh để đặt cho con kinh này - kinh Nguyễn Văn Tiếp.

Năm 1957, Ngô Đình Diệm đổi lại thành kinh Tháp Mười. Từ sau năm 1975, tên đồng chí Nguyễn Văn Tiếp lại được đặt cho con kinh này.

Những năm 1980, với chủ trương tiến công vào ĐTM, kinh Nguyễn Văn Tiếp được nạo vét và mở rộng một lần nữa (rộng 50 m); đồng thời xây dựng một con đập ở đoạn giáp với sông Vàm Cỏ, gọi là cống đập Rạch Chanh.

Dọc bờ kinh Nguyễn Văn Tiếp là đê bao chống lũ mang tên Đê 19-5 với nhiều đập nhỏ dùng để tháo chua, ngăn lũ như: đập Rạch Gốc, Cống Tượng, Cầu Quán…

Dọc bờ Bắc là Tỉnh lộ 865 xuyên qua địa phận các huyện Tân Phước, Cai Lậy, Cái Bè (Tiền Giang) đến thị trấn Mỹ An (huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp).

Khi mới đào xong kinh Tổng đốc Lộc, thực dân Pháp và Trần Bá Lộc đã chiêu mộ dân nghèo đến làm ăn, khẩn hoang. Năm 1898, chúng tiếp tục đào các kinh nhỏ cấp 2, việc khai hoang càng phát đạt. Nhưng công cuộc đào kinh cũng chỉ dừng lại ở đó, không củng cố và phát triển thêm.

Năm 1904 hai trận bão liên tiếp vào ngày 1-5 và 2-11 kèm theo lụt lớn đã tàn phá hết mùa màng, nhà cửa, bồi lấp hết kinh rạch làm cho phần lớn dân cư bỏ đi đến các vùng dễ làm ăn như Hậu Giang, Cần Thơ.

Bão lũ là nguyên nhân trực tiếp nhưng thực tế là do lâu ngày kinh mương không được Nhà nước đầu tư tu bổ gây bồi lắng, càng ngày càng kém tác dụng cộng với sau trận bồi lấp, sạt lở do bão lũ, dân hết hy vọng mới bỏ đi.

Vào đầu thế kỷ XX, cùng với hàng loạt kinh rạch khác trong ĐTM, Pháp cho nạo vét lại con kinh này, từ Rạch Chanh thẳng lên Bà Bèo. Xuất phát từ kinh Tổng đốc Lộc tại đầu nguồn rạch Cái Nứa, Pháp cho đào một con kinh thẳng về hướng Tây ĐTM, xuyên qua huyện Tháp Mười và Cao Lãnh để ra sông Tiền, dài 60 km. Để thuận tiện giao thông đường thủy, người Pháp đào con kinh thẳng, chứ không theo kinh cũ cong quẹo.

Khi hoàn thành người Pháp đặt tên là Arroyo Commercial (kinh Thương mại) và kinh này giữ vai trò thông thương giữa miền Tây và Sài Gòn.

Ngoài ra, kinh này cũng giữ vị trí chiến lược về mặt quân sự. Vị trí chiến lược này đặc biệt quan trọng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trở lại Nam bộ lần thứ 2 (năm 1945). Kinh Thương mại trở thành hành lang bảo vệ chiến khu ĐTM. Quân Pháp tổ chức nhiều đợt bố ráp vào ĐTM xuất phát từ con kinh này trong những năm 1947 - 1948.

Đặc biệt, lúc bấy giờ tại xã Phú Mỹ đã diễn ra sự kiện mà đến tận bây giờ những người chứng kiến không làm sao quên được. Đó là hình ảnh giặc Pháp chặt đầu nhiều cán bộ cách mạng rồi treo đầu bên bờ kinh Nguyễn Văn Tiếp để khủng bố tinh thần quân và dân ta.

Lại nói về vai trò kinh Nguyễn Văn Tiếp, đa số người dân đến vùng này lập nghiệp chủ yếu sống tập trung 2 bên bờ kinh huyết mạch này, từ đó hình thành nên những xóm ấp (lúc bấy giờ, việc đi lại của người dân chủ yếu bằng đường thủy).

Trong thời kỳ kháng chiến, ta tổ chức đào thêm nhiều con kinh như: kinh Xáng Cụt, kinh Lương Minh Chánh, kinh Hai Thước, kinh Kháng Chiến tiếp nối với kinh Nguyễn Văn Tiếp nhằm xả nước, xổ phèn, phục vụ cho việc khai hoang, sản xuất và vận chuyển người, hàng hóa ra vào vùng ĐTM; đồng thời hạn chế sự tấn công, càn quét của địch. 

DUY SƠN - THẾ ANH - NGÔ VĂN

Bài 3: Ký ức Phú Mỹ

.
.
.