Thứ Tư, 16/09/2015, 08:11 (GMT+7)
.

Liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ: Hướng mở đầu ra cho nông sản

Tiền Giang là tỉnh có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, nhất là lúa gạo, cây ăn trái, rau quả, thủy sản... Hàng năm, các loại nông sản cho sản lượng khá cao. Do đó, việc tìm đầu ra cho các mặt hàng nông sản thông qua các mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ là một xu thế tất yếu, đáp ứng yêu cầu thực tiễn sản xuất và tiêu thụ nông sản hiện nay.

sản xuất lúa theo mô hình liên kết xây dựng cánh đồng lớn giữa doanh nghiệp và nông dân ở xã Mỹ Phước Tây (TX. Cai Lậy).
Sản xuất lúa theo mô hình liên kết xây dựng cánh đồng lớn giữa doanh nghiệp và nông dân ở xã Mỹ Phước Tây (TX. Cai Lậy).

Liên kết tiêu thụ nhiều mặt hàng nông sản

Tỉnh Tiền Giang có 11 huyện, thị, thành, với nhiều địa phương thực hiện chuyên canh và xen canh sản xuất một số mặt hàng nông sản có sản lượng tương đối lớn như: Lúa gạo, cây ăn trái, rau quả, thủy sản phục vụ thị trường trong nước và chế biến xuất khẩu. Trung bình mỗi năm, sản lượng lúa của tỉnh đạt trên 1,37 triệu tấn; trên 1,24 triệu tấn trái cây các loại và trên 230.000 tấn thủy hải sản, chưa kể các sản phẩm chăn nuôi, rau màu khác...

Để giải quyết vấn đề đầu ra cho nông sản, ngoài việc đẩy mạnh xuất khẩu, từ năm 2011 đến nay, tỉnh đã triển khai thực hiện khá tốt các chủ trương, chính sách của Nhà nước trong việc liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ hàng hóa nông sản. Kết quả là đã hình thành các mô hình liên kết với các phương thức như: Đầu tư giống + thuốc bảo vệ thực vật + thu mua; đầu tư giống + thu mua; thu mua.

Cụ thể, trong liên kết về tiêu thụ trái cây các loại, hiện trên đại bàn tỉnh có 10/13 HTX và một số Tổ hợp tác (THT) nông nghiệp ký kết với các đối tác là các doanh nghiệp hàng năm tiêu thụ khoảng 700 tấn trái cây các loại. Điển hình có các mô hình liên kết như:

Tiêu thụ xoài cát Hòa Lộc giữa HTX Xoài cát Hòa Lộc với Công ty Hatchando (Nhật Bản), sản lượng 50 - 80 tấn xoài cát/năm; HTX Sơ ri Gò Công ký hợp đồng với Công ty Nichirei Suco tiêu thụ 2.000 tấn sơ ri/năm trên diện tích 38 ha...

Riêng về tiêu thụ rau an toàn có HTX rau an toàn Long Thuận, HTX rau an toàn Gò Công (TX. Gò Công) và HTX rau an toàn Thạnh Trị (huyện Gò Công Tây) hợp đồng với các doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh, các siêu thị và bếp ăn công nhân tại các doanh nghiệp trong tỉnh cung ứng trên 4 tấn rau an toàn/ngày, với 14 chủng loại rau.

Ngoài ra, tại vùng chuyên canh rau màu xã Tam Hiệp (huyện Châu Thành) có gần 100 hộ dân được các cơ sở kinh doanh rau màu địa phương hợp đồng bao tiêu với sản lượng thu mua, cung ứng cho thị trường TP. Hồ Chí Minh trung bình 100 tấn rau màu các loại/tháng.

Còn HTX Chăn nuôi - Thủy sản Gò Công tham gia liên kết hợp đồng cung ứng 438.000 con gà ta Gò Công giống cho nông dân các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và cung cấp khoảng 1,5 tấn gà thịt/ngày cho các doanh nghiệp và nhà hàng tại TP. Hồ Chí Minh...

Theo hạch toán của ông Nguyễn Quốc Kiệt, Giám đốc HTX Chăn nuôi - Thủy sản Gò Công cho thấy, nếu xã viên nuôi quy mô 1.000 con gà ta Gò Công/lứa, mỗi năm nuôi 3 lứa, thì lợi nhuận thu được khoảng 20 triệu đồng. Từ khi giải quyết được đầu ra cho nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng cung cấp gà thịt cho các doanh nghiệp, trong đó có Công ty San Hà, HTX phát triển ngày càng vững chắc, xã viên ngày càng khấm khá, không còn diện hộ xã viên nghèo.

Về liên kết tiêu thụ lúa hàng hóa, từ năm 2011 đến nay, tỉnh có 14 doanh nghiệp tham gia ký kết hợp đồng tiêu thụ với tổ chức đại diện nông dân là các HTX, THT; có 5 HTX nông nghiệp tham gia liên kết sản xuất gồm: Mỹ Thành, Mỹ Trinh, Mỹ Qưới, Bình Tây và Bình Nhì. Cụ thể, hàng năm, các doanh nghiệp hợp đồng liên kết sản xuất với các HTX nông nghiệp trên diện tích gần 7.000 ha.

Riêng trong vụ Đông - Xuân 2014 - 2015, Công ty Lương thực Tiền Giang, Công ty TNHH Việt Hưng (huyện Cái Bè), Công ty ADC và Công ty Tân Thành (TP. Cần Thơ) hợp đồng bao tiêu tổng diện tích gần 2.800 ha. Đáng mừng là lúa trong diện liên kết sản xuất luôn được các doanh nghiệp thu mua cao hơn giá thị trường (tùy thời điểm) từ 50 - 200 đồng/kg tùy theo giống. Nhờ vậy, hầu hết bà con nông dân đều đạt mức lãi đến 40% trở lên nên rất phấn khởi.

Bên cạnh đó, mô hình cánh đồng lớn được khẳng định là phương thức sản xuất tiên tiến đang đi đúng hướng, góp phần tạo động lực mới trong nông nghiệp. Hiện Tiền Giang triển khai mô hình này trên toàn tỉnh. Cùng với việc mở rộng diện tích qua hàng năm, các doanh nghiệp còn ký kết hợp đồng thu mua với nông dân; đồng thời, hỗ trợ giống, kỹ thuật tiến tới tạo sự đồng nhất về chất lượng hạt gạo theo yêu cầu của thị trường. Tức làm ăn theo kiểu bán cái thị trường cần, chứ không còn bán cái nông dân có.

Ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng (huyện Cái Bè) cho biết: “Nếu nông dân liên kết cùng doanh nghiệp thực hiện cánh đồng lớn thì người nông dân hưởng lợi nhiều hơn, vì sẽ được hỗ trợ về giống và sẽ được doanh nghiệp thu mua với giá thị trường tốt nhất, không còn có phải lo là trúng mùa được giá, rớt giá”.

Vẫn còn gặp khó!

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì đầu ra cho một số hàng nông sản chủ lực của tỉnh vẫn còn bấp bênh. Theo Sở NN&PTNT, do nhiều nguyên nhân, trong đó nổi bật là do việc lập các quy hoạch vùng sản xuất cho từng ngành hàng đã có nhưng chính sách, kiểm soát quy hoạch chưa có hoặc không thực hiện được nên mạnh ai nấy làm, không có liên kết sản xuất dẫn đến hiện tượng được mùa rớt giá cứ diễn ra; chuỗi giá trị trên từng ngành hàng còn nhiều bất cập, vì qua nhiều trung gian và công nghệ thu hoạch bào quản chế biến còn nhiều hạn chế; quy mô sản xuất của nông hộ nhỏ và manh mún hạn chế đến liên kết sản xuất; phương thức sản xuất còn chạy theo thị trường, chưa chú trọng đến chất lượng sản phẩm; việc xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu hàng hóa chưa được quan tâm đúng mức...

Ở một khía cạnh khác mà theo phản ánh của một số doanh nghiệp, tham gia vào chuỗi liên kết, doanh nghiệp mong muốn có nguồn nguyên liệu ổn định, chất lượng cao nhằm chủ động nhu cầu tiêu thụ trong và ngoài nước. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, các ban ngành địa phương còn lúng túng, chưa có chế tài phù hợp để hỗ trợ giải quyết tranh chấp phát sinh giữa doanh nghiệp và người sản xuất.

Trước những khó khăn trên, tỉnh Tiền Giang đã ban hành các chính sách khuyến khích, tạo điều kiện để đẩy mạnh thực hiện các giải pháp nhằm tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, tìm kiếm thị trường đầu ra cho sản phẩm hàng nông sản.

Cùng với đó, tỉnh triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ nông dân, hỗ trợ doanh nghiệp, phát huy kinh tế hợp tác trong sản xuất nông nghiệp; hình thành chuỗi giá trị trong sản xuất và tiêu thụ... Một trong những ưu tiên hàng đầu của tỉnh hiện nay là tích cực xây dựng vùng nguyên liệu xuất khẩu gắn với hình thành chuỗi sản xuất - chế biến - thương mại, trong đó các doanh nghiệp giữ vai trò trung tâm trong mối liên kết “4 nhà” chặt chẽ và hiệu quả.

PHƯƠNG NGHI

.
.
.