Thứ Hai, 30/11/2015, 09:26 (GMT+7)
.

Hiệu quả "kép" từ mô hình Cánh đồng lớn

Xây dựng và phát triển mô hình Cánh đồng lớn (CĐL) nhằm hình thành vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung, nâng cao chuỗi giá trị lúa gạo, giúp tăng thu nhập cho nông dân (ND). Ngoài ra, các doanh nghiệp (DN) tham gia chủ động nguồn nguyên liệu, xử lý được chất lượng và ưu tiên tham gia xuất khẩu. Qua nhiều năm triển khai, mô hình CĐL đang mang lại những hiệu quả thiết thực cho ND cũng như DN.

Thu hoạch lúa ở Cánh đồng lớn xã Mỹ Thành Bắc, huyện Cai Lậy.
Thu hoạch lúa ở Cánh đồng lớn xã Mỹ Thành Bắc, huyện Cai Lậy.

MÔ HÌNH HIỆU QUẢ

hời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã chủ động phối hợp với các DN trong và ngoài tỉnh xây dựng vùng lúa chất lượng cao gắn với đầu tư và tiêu thụ theo mô hình CĐL ở hầu hết các địa phương trong tỉnh.

Trên địa bàn tỉnh, hiện có 3 DN gồm: Công ty Lương thực Tiền Giang, Công ty TNHH ADC, Công ty TNHH Việt Hưng ký kết hợp đồng liên kết sản xuất với ND, nhằm xây dựng vùng nguyên liệu, giải quyết đầu ra ổn định cho lúa hàng hóa theo mô hình CĐL, với tổng diện tích 4.500 ha, đạt 117% so với kế hoạch. Nếu so sánh với tổng diện tích mà các DN tham gia ký kết thực hiện mô hình CĐL của năm 2012 là khoảng 626 ha thì con số này đến nay đã tăng gần 4.000 ha.

Các DN tham gia liên kết sản xuất theo mô hình CĐL đã đưa ra nhiều phương thức đầu tư để ND lựa chọn phù hợp với thực tế. Cụ thể, các DN đầu tư toàn bộ giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và thu mua lại sản phẩm khi thu hoạch; đầu tư giống, thuốc bảo vệ thực vật và thu mua sản phẩm; đầu tư giống lúa và thu mua sản phẩm cho ND.

Riêng ND khi tham gia sản xuất CĐL sẽ được hướng dẫn áp dụng đồng bộ những tiến bộ kỹ thuật trên quy mô lớn như: Quy trình sản xuất theo hướng thực hành tốt (GAP); ứng dụng các biện pháp kỹ thuật “3 giảm 3 tăng”; “1 phải 5 giảm”; thúc đẩy cơ giới hóa, bảo vệ môi trường, giảm ô nhiễm trong nông nghiệp... góp phần tăng thu nhập do tăng năng suất, giảm chi phí, hạ giá thành. Lợi nhuận thu được từ mô hình CĐL cao hơn so ngoài mô hình từ 1,5 - 2,5 triệu đồng/ha/vụ...

Theo đó, tại Hội nghị sơ kết đánh giá thực hiện mô hình CĐL ở TX. Cai Lậy được tổ chức vừa qua đã cho thấy, con số cụ thể về giá thành sản xuất 1kg lúa ở mô hình CĐL giảm khoảng 690 đồng so với sản xuất lúa theo tập quán truyền thống.

Ông Lương Văn Tư, một ND ở ấp 4, xã Mỹ Thành Bắc (huyện Cai Lậy) tham gia sản xuất lúa theo mô hình CĐL, nhờ áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong canh tác như “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”, phun thuốc và bón phân đúng lúc theo khuyến cáo của cán bộ kỹ thuật của Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang, sản lượng lúa tăng đáng kể, có năm đạt 18 tấn/ha (3 vụ).

Ông Tư cho biết, lúa sản xuất ở 3 vụ trong năm 2015 của gia đình ông đều được Công ty Lương thực Tiền Giang bao tiêu nên không còn phải lo về giá lúa khi đến vụ thu hoạch. Nếu so sánh lợi nhuận giữa lối canh tác truyền thống và tham gia mô hình CĐL, sau khi trừ chi phí sản xuất ông thu lãi cao hơn từ 2 - 3 triệu đồng/ha.

Rõ ràng, khi tham gia CĐL, người sản xuất được ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm ổn định, được hỗ trợ kỹ thuật, cung ứng vật tư đầu vào từ DN. Ngược lại, các DN đã có được vùng cung cấp nguyên liệu ổn định với chất lượng đảm bảo và tiết kiệm cho phí thu mua, vận chuyển. Tình trạng thương lái pha trộn các loại giống lúa để bán cho DN ảnh hưởng đến chất lượng gạo xuất khẩu đã giảm đáng kể khi DN và ND cùng tham gia CĐL...

Trên cơ sở kết quả đạt được, Sở NN&PTNT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 276/KH-UBND ngày 1-12-2014 về thực hiện CĐL sản xuất lúa trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2014 - 2020. Theo đó, sẽ thành lập Ban Điều hành cũng như ban hành “Tiêu chí Cánh đồng lớn” trong lĩnh vực sản xuất lúa. Trước mắt trong năm 2016, diện tích mô hình CĐL sẽ được triển khai trên địa bàn tỉnh khoảng 7,5 ngàn ha, với trên 11,3 ngàn hộ tham gia.

ĐỒNG HÀNH CÙNG ND

Trong tổng số diện tích liên kết sản xuất theo mô hình CĐL của tỉnh ở 3 vụ lúa năm 2015 là 4.500 ha, thì Công ty Lương thực Tiền Giang là DN có diện tích lớn nhất, với 2.645 ha. Công ty TNHH Việt Hưng là 1.651,5 ha và Công ty TNHH ADC là 203,5 ha.

Theo Công ty Lương thực Tiền Giang, ngay trong vụ đông xuân 2014 - 2015, lần đầu tiên công ty triển khai mô hình CĐL tại 21 hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất trên địa bàn 8 huyện của tỉnh. Tổng diện tích mà công ty ký hợp đồng là 1.946 ha, với 2.150 hộ tham gia.

Công ty đã mạnh dạn áp dụng cả 3 phương thức liên kết gồm: Thứ nhất, công ty cung cấp từ giống, phân bón, đến kỹ thuật canh tác và bao tiêu sản phẩm. Thứ hai, công ty chỉ đầu tư một phần, chủ yếu là giống, thuốc trừ sâu và bao tiêu sản phẩm. Thứ ba, theo hình thức truyền thống trước đây là đặt hàng, cung ứng giống và bao tiêu
sản phẩm.

Kết thúc vụ đông xuân 2014 - 2015 cho thấy, mô hình CĐL do Công ty Lương thực Tiền Giang thực hiện đã mang lại kết quả rõ rệt. Tổng số lúa công ty đã mua lại theo hợp đồng là 19.556 tấn lúa quy khô trên tổng số 1.393 ha, chiếm 72% diện tích công ty đã ký hợp đồng. Trong đó, phương thức liên kết thứ nhất, tức là bao tiêu trọn gói, được thực hiện thành công nhất, với tỷ lệ lúa công ty thu mua thành công là 96%. Có thể nói, kể từ khi thực hiện chủ trương liên kết sản xuất theo mô hình CĐL, sản lượng lúa công ty thu mua được năm nay là cao nhất.

Theo nhận định của các chuyên gia, mô hình CĐL đang bộc lộ nhiều hạn chế cần phải khắc phục như: Tốc độ mở rộng diện tích còn chậm, cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long hiện chỉ đạt 11% diện tích; tỷ lệ thành công của những hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản chỉ đạt ở mức từ 20 - 30%, do ND hoặc DN tự ý “bẻ kèo”. Nhiều DN chưa có đủ điều kiện về vốn, kỹ thuật để đầu tư ứng trước cho ND hoặc hệ thống thu mua nên vẫn còn lệ thuộc vào thương lái...

Kết quả thực hiện chủ trương sản xuất theo mô hình CĐL trên diện rộng, áp dụng linh hoạt nhiều phương thức liên kết của Công ty Lương thực Tiền Giang được các ngành chức năng đánh giá cao.

Bởi từ đây sẽ từng bước hình thành được chuỗi giá trị từ đầu vào đến đầu ra, nhằm đảm bảo cho sản xuất lúa mang tính ổn định, bền vững và hiệu quả hơn; đồng thời đây cũng là một trong những công việc thực hiện chủ trương tái cấu trúc ngành Nông nghiệp mà tỉnh đang triển khai thực hiện.

Cũng chính từ việc thực hiện sản xuất theo mô hình CĐL đã giúp chuyển trạng thái DN từ việc chỉ thu mua gạo như trước đây sang mua lúa và hình thành những mối liên kết ngang trong việc cung ứng giống, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón; nhất là thay đổi dần tư duy sản xuất của người ND.

Theo Sở NN&PTNT, trong thời gian qua, Tiền Giang đã có nhiều giải pháp cụ thể hóa chủ trương xây dựng CĐL của Chính phủ, cũng như liên kết sản xuất giải quyết đầu ra cho nông sản hàng hóa; đồng thời tạo vùng nguyên liệu mà cả các bên đối tác, DN và ND cùng hưởng lợi. Trong đó khuyến khích DN xây dựng phương án đầu tư gắn với củng cố, nâng cao năng lực các hợp tác xã và tổ hợp tác trên lĩnh vực nông nghiệp. 

Việc làm này đã tạo hành lang pháp lý thông thoáng để DN triển khai đầu tư CĐL, quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm, quy định cụ thể về quy mô xây dựng CĐL, tập trung có diện tích tối thiểu 50 ha trở lên...

PHƯƠNG NGHI

.
.
.