Thứ Tư, 03/02/2016, 13:43 (GMT+7)
.

Ngọt thơm đặc sản mứt khóm Tân Phước

Đến ấp Mỹ Thành, xã Mỹ Phước, huyện Tân Phước chúng tôi có cảm giác nôn nao khó tả, đó là mùi thơm của khóm sên khiến lòng không khỏi chộn rộn trước thềm năm mới. Ngày nay, nhu cầu thưởng thức mứt khóm không còn bó hẹp ở vùng đất phèn này mà đã được nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh biết đến. Dù chưa có thương hiệu, chưa thành lập làng nghề, nhưng mứt khóm ngày nay được biết đến như là đặc sản của huyện Tân Phước.

Mỗi ngày gia đình chị Hồng Nhung sản xuất trên 100 kg mứt khóm nhưng vẫn không đủ bán.
Mỗi ngày gia đình chị Hồng Nhung sản xuất trên 100 kg mứt khóm nhưng vẫn không đủ bán.

TẬN DỤNG NGUỒN NGUYÊN LIỆU ĐẶC SẢN

Cây khóm không chỉ được biết đến là loại cây nông nghiệp chủ lực với hơn 16.050 ha, năng suất bình quân 19,5 tấn/ha, mà giờ đây Tân Phước còn được biết đến với loại mứt đặc trưng làm từ trái khóm. Nhiều người tiêu dùng ưa chuộng không chỉ bởi vị thơm ngọt đặc trưng, giá cả hợp lý mà còn do đây là sản phẩm sử dụng hoàn toàn bằng nguyên liệu tự nhiên, an toàn cho người sử dụng.

Có thể nói, người đầu tiên làm ra loại mứt đặc trưng này là bà Lê Thị Vui (tên thường gọi là bà Tám Vui), ấp Mỹ Thành, xã Mỹ Phước. Với hơn 10 năm làm mứt khóm, bà Tám Vui kể: “Nhà có hơn 2 ha đất trồng khóm.

Trước đây, đến mùa thu hoạch thương lái chỉ mua khóm loại 1, loại 2. Còn khóm nhỏ, không đủ tiêu chuẩn chiếm gần 1/3 sản lượng phải đem ra chợ ngồi bán, có khi bán không hết phải đổ bỏ. Lúc ấy, thấy tiếc nên bà thử tận dụng những trái khóm đó làm mứt cho con cháu và tặng bà con vào dịp tết.

Thấy ngon, nên hàng năm gia đình đều làm mứt khóm ăn tết. Đặc biệt, gia đình có đứa cháu ở Mỹ, từ vài miếng mứt gia đình biếu ăn thử, mọi người khen ngon nên mỗi năm đứa cháu lại nhờ làm trên 100 kg gửi sang bên đó”.

Tận dụng những trái khóm nhỏ, không đủ tiêu chuẩn để làm mứt, nhưng không phải là sử dụng những trái khóm không ngon. Muốn làm được “mẻ” mứt khóm ngon thì khâu chọn khóm cũng rất quan trọng. Bà Tám Vui chia sẻ:

“Để làm ra mứt khóm vừa thơm, vừa có màu vàng hấp dẫn thì khóm sử dụng phải vừa chín tới. Nếu khóm chín quá khi sên sẽ cho màu nâu sậm không đẹp, nếu khóm còn sống thì mứt làm ra không có mùi thơm đặc trưng”.

Hiện tại, ấp Mỹ Thành có hơn 20 hộ gia đình làm mứt khóm. Ngày thường thì sử dụng khóm do chính gia đình trồng, nhưng đến dịp lễ, tết, sản lượng tăng, các gia đình phải mua khóm của các ấp, xã lân cận mới đủ làm. Làm mứt khóm cũng lắm công phu và tùy theo cách làm, bí quyết của từng gia đình mà mứt khóm làm ra có vị đặc trưng riêng.

Một mẻ mứt làm ra (tương đương 2,5 kg) sử dụng 3 kg khóm sau khi gọt vỏ, cắt nhỏ, trộn với 1 kg đường cát trắng, bắt lên bếp sên cho đến khi nào mứt đặc quánh lại, chuyển sang màu vàng cánh gián thì cho ra khuôn, áo bên ngoài gần 1 kg đậu phộng và 150 gram mè.

Bà Tám Vui đang ép mứt khóm vào khuôn.
Bà Tám Vui đang ép mứt khóm vào khuôn.

SẢN LƯỢNG TĂNG GẤP 5 LẦN

Có điều đặc biệt, mứt khóm Tân Phước được sản xuất và bán quanh năm. Đến thăm lò làm mứt khóm của chị Hồng Nhung, ấp Mỹ Thành, không khí lao động ở đây khá khẩn trương; mỗi người 1 công đoạn, từ gọt khóm, rang đậu, mè, sên khóm, đến vào bao bì, đóng gói…

Dù sản xuất thủ công nhưng rất chuyên nghiệp, như là một dây chuyền gắn với những đôi tay khéo léo cùng kinh nghiệm dày dặn của những người thợ làm mứt. Họ đang tất bật, cần mẫn lao động để có đủ nguồn cung cấp cho thị trường, góp phần tăng thêm hương vị tết cổ truyền.

Số lượng mứt được đặt hàng tăng theo từng năm, từ vài kg rồi lên đến vài trăm kg. Chị Hồng Nhung vừa cắt những mẻ mứt thành phẩm vừa cho biết: “Ngày thường mỗi ngày chị làm từ 20 - 30 kg. Mùa tết chị tăng sản lượng gấp 5 lần vẫn không đủ mứt để bán. Những mẻ mứt chị đang làm đều đã có người đặt hàng từ trước. Vài năm trở lại đây, các anh chị em trong gia đình đều làm mứt khóm”. 

Bà Huỳnh Thị Nhuận (74 tuổi, mẹ của chị Hồng Nhung) hơn 1 tháng nay phụ chị Nhung làm mứt. Bà Nhuận móm mém: “Thấy con cháu làm không kịp nên bà làm phụ. Bà có thể ngồi sên mứt hoặc đóng gói”.

Anh Ngô Văn Minh trước đây làm công nhân cho một công ty, nay cũng đã trở thành thợ làm mứt khóm chuyên nghiệp. Anh Minh chia sẻ: “Làm mứt khóm hoàn toàn bằng thủ công, nguyên liệu thì tươi ngon, đảm bảo vệ sinh. Khi khách hàng ghé mua sẽ được tận mắt thấy cách làm và các công đoạn làm mứt”.

Không chỉ có gia đình chị Nhung tăng sản lượng mứt khóm gấp 5 lần vào mùa tết, mà các hộ gia đình khác cũng đều tăng sản lượng gấp nhiều lần so với ngày thường. Bà Tám Vui phấn khởi:

“Khoảng 2 tháng cận tết, mỗi ngày bà ngủ ít lắm vì phải tranh thủ làm để kịp giao mứt cho khách hàng. Trước đây một người mua từ 1 - 2 kg, giờ cũng khách hàng đó lại đặt mua 20 - 30 kg. Dù cực nhưng vui vì mứt khóm được nhiều người biết đến, khen ngon. Bên cạnh, giúp tăng thu nhập cho gia đình, đón tết đầy đủ, sung túc”.

Thưởng thức mứt tết biết cách mới đúng điệu. Ăn mứt thì phải uống trà. Mứt khóm có mùi thơm và vị ngọt chua nhẹ đậm đà, nhấp cùng tách trà nóng thì không gì bằng. Mứt khóm quê hương giờ đã có mặt trong mâm bánh mứt làm cho hương vị tết thêm trọn vẹn.

P. MAI

.
.
.