Thứ Hai, 15/05/2017, 21:05 (GMT+7)
.

Phó Thủ tướng họp bàn giải pháp phòng chống sạt lở vùng ĐBSCL

Tiếp tục chương trình làm việc tại An Giang, chiều 15-5, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chủ trì cuộc làm việc với các bộ, ngành, địa phương về công tác phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển vùng ĐBSCL.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo tại cuộc làm việc. Ảnh: VGP/Xuyên Tuyến
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo tại cuộc làm việc. Ảnh: VGP/Xuyên Tuyến

Tham dự cuộc họp có lãnh đạo các Bộ: TN&MT, NN&PTNT, Giao thông, KH&ĐT; lãnh đạo UBND các tỉnh ĐBSCL, lãnh đạo Tỉnh uỷ, UBND và các sở, ngành của tỉnh An Giang.

Báo cáo của Bộ NN&PTNT cho biết, qua công tác quản lý và báo cáo của các địa phương, trên địa bàn các tỉnh vùng ĐBSCL hiện có 90 khu vực bờ sông, bờ biển bị sạt lở với tổng chiều dài 562 km. Trong đó, sạt lở nguy hiểm là 17 đoạn với chiều dài 33,665 km.

Các nghiên cứu khoa học cũng như thực tiễn quản lý đã xác định 10 nguyên nhân cơ bản dẫn đến xói lở bờ sông, bờ biển tại các tỉnh ĐBSCL.

Các nguyên nhân chính có thể kể đến như mất cân bằng bùn cát do việc xây dựng các hồ chứa ở thượng nguồn và khai thác cát, sỏi ở lòng sông, ven biển đã làm giảm đáng kể lượng bùn cát. Theo báo cáo của Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, năm 2013 tổng lượng bùn cát đọng lại trên các tuyến sông vùng ĐBSCL khoảng 3 triệu m3, trong khi tổng lượng cát bị khai thác trong năm là 28 triệu m3).

Kết quả này cũng trùng hợp với các kết quả nghiên cứu của ngành tài nguyên và môi trường cho rằng, nguyên nhân lớn nhất gây ra sạt lở là do các đập thượng nguồn giữ lại bùn cát nên dòng chảy hạ lưu bị "đói" bùn cát, buộc phải bào xói bờ để cân bằng năng lượng dư thừa.

Kết quả điều tra khảo sát, tính toán ổn định mái dốc cho thấy tại nhiều vị trí, bờ sông có nguy cơ mất ổn định cao. Điều này có thể giải thích là do nước sông tạo thành nêm vật chất, làm cân bằng cơ học lực gây trượt và lực chống trượt làm tăng hệ số ổn định bờ sông. Độ ổn định sẽ giảm khi mực nước sông rút nhanh.

Lãnh đạo UBND các tỉnh ĐBSCL cũng cho rằng, việc khai thác cát trái phép với quy mô lớn chính là một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng sạt lở. Thực tế tại các địa phương cho thấy, việc quản lý của các cấp, các ngành đối với các hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép ở lòng sông, cửa sông, ven biển chưa thường xuyên và quyết liệt.

Bên cạnh nguyên nhân chính nêu trên, các ý kiến cũng chỉ ra nhiều lý do khác dẫn đến tình trạng sạt lở bờ sông, biển tại khu vực ĐBSCL như tỉ lệ phân lưu từ sông Tiền sang sông Hậu qua sông Vàm Nao có xu thế gia tăng đã tác động mạnh đến lòng dẫn sông Hậu, nhất là khu vực hợp lưu sông Hậu và sông Vàm Nao; chặt phá rừng, khai thác tài nguyên vùng đầu nguồn; địa chất khu vực sạt lở chủ yếu là thành phần sa bồi mềm yếu, kết cấu rời rạc, dễ bị xói trôi hay việc nước biển đang dâng cao nhanh hơn so với tốc độ dự báo.

Để sớm ổn định dân sinh tại các khu vực sạt lở nguy hiểm nói riêng và sạt lở bờ sông, bờ biển vùng ĐBSCL, các Bộ NN&PTNT, TN&MT và lãnh đạo UBND các địa phương trong khu vực đã kiến nghị nhiều giải pháp trước mắt và lâu dài.

Phải bảo đảm an toàn cho người dân

Ảnh: VGP/Xuân Tuyến
Ảnh: VGP/Xuân Tuyến

Kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, nhiệm vụ trước mắt, quan trọng nhất là phải bảo vệ tính mạng, tài sản, bảo đảm cuộc sống cho người dân.

“Cần tiếp tục rà soát các khu dân cư có nguy cơ sạt lở, chủ động di dời để bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại về tài sản của nhân dân. Đối với các hộ dân phải di dời do sạt lở, cần có chính sách hỗ trợ bảo đảm đời sống, không để người dân bị thiếu đói, thiếu điều kiện sinh hoạt tối thiểu; có phương án hỗ trợ tái định cư cho các hộ dân khu vực bị ảnh hưởng sạt lở buộc phải di dời”, Phó Thủ tướng yêu cầu.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng lưu ý các địa phương vùng ĐBSCL cần rà soát, tăng cường quản lý việc khai thác cát, kiên quyết ngăn chặn việc khai thác cát trái phép; xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm và dung túng cho các hoạt động vi phạm theo quy định của pháp luật.

“Phải kiểm soát chặt chẽ việc khai thác cát sỏi, đặc biệt là khai thác không đúng quy hoạch, thậm chí là không có quy hoạch, các địa phương rà soát lại tất cả những giấy phép khai thác cát sỏi đã cấp, nếu có ảnh hưởng đến bờ sông, bờ biển thì kịp thời điều chỉnh”, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu kiểm tra thường xuyên các công trình xây dựng ven bờ sông, bờ biển; triển khai các biện pháp ngăn chặn, khắc phục khẩn cấp sạt lở tại các khu vực xung yếu, không để lan rộng ảnh hưởng đến khu dân cư, cơ sở hạ tầng thiết yếu.

Cần có quy hoạch chỉnh trị bờ sông, bờ biển

Về lâu dài, theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giải pháp quan trọng nhất vẫn là công tác quy hoạch.

“Các ngành, địa phương phải rà soát để kịp thời điều chỉnh những điểm còn chưa hợp lý, đồng thời quản lý tốt việc thực hiện các quy hoạch, gắn quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội, quy hoạch xây dựng, quy hoạch hệ thống kết cấu hạ tầng, quy hoạch sản xuất... với biến đổi khí hậu và nước biển dâng”, Phó Thủ tướng yêu cầu.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đề nghị các địa phương cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức của người dân đối với các hoạt động phòng chống thiên tai nói chung và phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển nói riêng; thực thi nghiêm công tác quản lý bờ, bãi sông, bờ biển, ngăn chặn và xử lý kịp thời những hành động xây dựng công trình, nhà ở, khai thác khoáng sản trái phép; kiểm tra rà soát những khu vực trọng điểm xung yếu có nguy cơ xảy ra sạt lở trên địa bàn; tổ chức xử lý kịp thời, trong đó chú trọng giải pháp di dân tái định cư bảo đảm tính mạng và tài sản.

Đối với các bộ, ngành, Phó Thủ tướng giao Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các bộ và các địa phương điều tra, đánh giá thực trạng sạt lở bờ sông, bờ biển vùng ĐBSCL; tổ chức lập quy hoạch chỉnh trị bờ sông, bờ biển vùng ĐBSCL làm cơ sở để thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển, hạn chế rủi ro thiên tai; xây dựng cơ chế quản lý tổng hợp vùng ven sông, ven biển gắn với sinh kế của người dân.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ NN&PTNT rà soát hoàn chỉnh hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn về phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển nhất là những nơi có địa chất mềm yếu, diễn biến dòng chảy phức tạp như vùng ĐBSCL; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế trong nghiên cứu các giải pháp chỉnh trị sông, ven biển nhằm hạn chế xói lở, bồi lấp ổn định lòng dẫn và dải ven biển, nhất là các khu vực cửa sông;

Hướng dẫn các địa phương phân công, phân cấp quản lý và duy tu bảo dưỡng công trình phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển phát huy hiệu quả đầu tư; tổ chức đánh giá việc trồng rừng ngập mặn thời gian qua, hoàn thiện giải pháp trồng rừng ngập mặn phù hợp với điều kiện tự nhiên từng vùng, nhất là vùng ĐBSCL.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đi khảo sát thực tế. Ảnh: VGP/Xuân Tuyến
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đi khảo sát thực tế. Ảnh: VGP/Xuân Tuyến

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao Bộ TN&MT tổ chức rà soát, đánh giá, đề xuất việc điều chỉnh, bổ sung xác định các cấp độ rủi ro thiên tai bảo đảm phù hợp hơn với thực tế, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quy định tại Luật Phòng chống thiên tai làm cơ sở để triển khai thực hiện, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong công tác phòng chống thiên tai.

Cùng với đó, Bộ TN&MT cần rà soát hệ thống quan trắc về thủy, hải văn vùng ĐBSCL và trên phạm vi toàn quốc, kịp thời bổ sung để hoàn thiện, đáp ứng các yêu cầu về tài liệu cơ bản thủy, hải văn phục vụ quản lý tài nguyên nước, phòng chống thiên tai và phát triển kinh tế-xã hội; phối hợp với Bộ NN&PTNT nghiên cứu các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, phòng chống sạt lở.

Bộ cũng cần tổ chức theo dõi và đánh giá hằng năm về tổng lượng bùn cát đến từ thượng nguồn sông Cửu Long và tổng lượng cát khai thác trong vùng ĐBSCL làm cơ sở để đề xuất giải pháp khắc phục, hạn chế về nguy cơ suy thoái lòng dẫn, suy kiệt dòng chảy; chỉ đạo việc rà soát các hoạt động khai thác cát sỏi ở lòng sông, ven biển, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét nghiêm cấm việc khai thác cát, sỏi tại các khu vực trọng điểm đang có diễn biến sạt lở hoặc có nguy cơ xảy ra sạt lở.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao Bộ Xây Dựng chủ trì, phối hợp với các địa phương rà soát lại quy hoạch phân bố dân cư để phù hợp với diễn biến của biến đổi khí hậu; xây dựng các cụm, tuyến dân cư tránh lũ…

Về nguồn lực, Phó Thủ tướng giao Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính nghiên cứu để tham mưu cho Chính phủ các giải pháp ưu tiên bố trí nguồn lực cho công tác phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển tại khu vực ĐBSCL.

(Theo chinhphu.vn)

.
.
.