Thứ Sáu, 18/08/2017, 11:23 (GMT+7)
.

Thay đổi ngành Nông nghiệp trên cơ sở "đúng cây, đúng con"

Trên cơ sở Nghị quyết 10-NQ/TU của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế - đô thị 3 vùng của tỉnh, ngày 30-6, UBND tỉnh ban hành Chương trình hành động 188/CTr-UBND thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TU của Tỉnh ủy, nhằm xác định rõ các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện gắn với trách nhiệm của từng sở, ngành, địa phương.

Tập trung vào mô hình nuôi cá bè  trên sông Tiền thuộc địa bàn TP. Mỹ Tho.
Tập trung vào mô hình nuôi cá bè trên sông Tiền thuộc địa bàn TP. Mỹ Tho.

Dựa trên các tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên, đất đai, kết cấu hạ tầng, nguồn lực, Tỉnh ủy đã xác định 3 vùng (vùng Trung tâm, vùng phía Tây và vùng phía Đông) để phát triển trong thời gian tới. Theo đó, vùng Trung tâm (TP. Mỹ Tho, các huyện Chợ Gạo và Châu Thành) sẽ phát huy vai trò hạt nhân, giao lưu trên nhiều lĩnh vực để thúc đẩy tăng trưởng, hỗ trợ, lôi kéo các vùng trong tỉnh.

Vùng phía Tây (TX. Cai Lậy, các huyện Cai Lậy, Cái Bè và Tân Phước) sẽ tập trung ưu tiên đầu tư và liên kết vùng để nâng cao chuỗi giá trị thương hiệu hàng hóa nông sản; chăn nuôi tập trung; gắn với phát triển các khu, cụm công nghiệp chế biến lúa gạo, trái cây, thực phẩm; đồng thời phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch sinh thái. Vùng phía Đông (TX. Gò Công, các huyện Gò Công Tây, Gò Công Đông và Tân Phú Đông) ưu tiên phát triển kinh tế biển và vùng ven biển có hiệu quả, thu hút đầu tư phát triển các khu, cụm công nghiệp tập trung, cảng tổng hợp ven biển; phát triển đánh bắt, nuôi trồng thủy sản nước mặn, lợ; hình thành đô thị ven biển; phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch biển...

Trên cơ sở quan điểm phát triển chung được thể hiện trong Nghị quyết 10-NQ/TU của Tỉnh ủy, Chương hình hành động của UBND tỉnh cũng xác định, đối với phát triển nông, lâm, ngư nghiệp sẽ theo hướng khai thác đúng tiềm năng của mỗi vùng và thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm trên cơ sở triển khai có hiệu quả Đề án “Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp Tiền Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ sinh học, công nghệ thông tin và công nghệ sau thu hoạch vào sản xuất, quản lý nông nghiệp. Đồng thời, tỉnh sẽ đẩy mạnh công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn theo Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Tiền Giang đến năm 2020”…

Hình thành vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, chuyên canh trên địa bàn huyện Châu Thành.
Hình thành vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, chuyên canh trên địa bàn huyện Châu Thành.

Theo đó, UBND tỉnh giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các huyện, thị, thành và các đơn vị có liên quan xây dựng các bước đi, lộ trình nhằm thực hiện hiệu quả các nội dung được đề cập trong Nghị quyết 10-NQ/TU của Tỉnh ủy đối với lĩnh vực nông nghiệp. Theo đó, vùng Trung tâm sẽ triển khai phát triển nông nghiệp đô thị, tập trung cho cây rau và thanh long; phát triển con chim cút và gà ác theo hướng an toàn sinh học; hình thành và đưa vào hoạt động Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (phần thuộc huyện Châu Thành); chú trọng cải tạo nâng chất vùng sản xuất rau, cây ăn trái. Theo đó, nơi đây hình thành vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, vùng chuyên canh với mô hình sản xuất tập trung như: Cây ăn trái, rau an toàn, phát triển vùng thủy sản nuôi cá bè trên sông Tiền.

Với những tiềm năng, lợi thế hiện hữu, vùng phía Tây sẽ hình thành vùng nguyên liệu tập trung, sản xuất với quy mô lớn; rà soát quy hoạch vùng chuyên canh cây lúa, phát triển tập trung cây lúa chất lượng cao, lúa dược liệu xuất khẩu,  nhằm tiến tới xây dựng thương hiệu của hạt gạo Tiền Giang. Đồng thời, vùng này phát triển vùng trồng cây ăn trái có giá trị kinh tế cao, quy mô lớn như: Cây sầu riêng, khóm, thanh long, xoài cát Hòa Lộc và bưởi da xanh; tiếp tục ổn định diện tích nuôi cá da trơn thâm canh tại khu vực cù lao Ngũ Hiệp, Tân Phong và khu vực ven sông Tiền theo quy hoạch được duyệt. Bên cạnh đó là hình thành khu chăn nuôi tập trung và Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (phần thuộc huyện Tân Phước)…

Riêng vùng phía Đông sẽ triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng các huyện phía Đông, tỉnh Tiền Giang đến năm 2025”, chú trọng phát triển các sản phẩm chủ lực của vùng như: Hình thành vùng chuyên canh lúa chất lượng và sản xuất theo mô hình Cánh đồng lớn, dưa hấu, mãng cầu Xiêm, sơ ri Gò Công, phát triển vùng rau an toàn; phát triển mô hình chăn nuôi gia cầm, phát triển khu vực gây nuôi chim yến đảm bảo hiệu quả kinh tế, vệ sinh môi trường và phòng, chống dịch bệnh. Đồng thời, vùng phía Đông cần khai thác tốt lợi thế và tiềm năng về nuôi trồng và khai thác thủy sản, phát triển kinh tế biển, vùng thủy sản tập trung như: Vùng nuôi tôm an toàn sinh học, nuôi thâm canh và siêu thâm canh; phát triển vùng nuôi nghêu, từng bước chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp trên cơ sở thích nghi với biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn; đầu tư nâng cấp vùng sản xuất giống thủy sản, vùng nuôi thủy sản trên địa bàn huyện Tân Phú Đông…

P.A

.
.
.