Thứ Bảy, 16/09/2017, 16:34 (GMT+7)
.

Khai thác lợi thế từng vùng để phát triển thương mại, dịch vụ

Một trong những nội dung chính về phát triển thương mại, dịch vụ được đề cập trong Nghị quyết 10-NQ/TU về phát triển kinh tế - đô thị 3 vùng của tỉnh Tiền Giang đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 của Tỉnh ủy là liên kết, khai thác lợi thế của từng vùng và liên vùng.

Liên kết khai thác lợi thế thương mại, dịch vụ.
Liên kết khai thác lợi thế thương mại, dịch vụ.

Trên cơ sở những điều kiện và lợi thế của từng vùng kinh tế hiện hữu, quan điểm chung về phát triển thương mại, dịch vụ trong thời gian tới là thu hút đầu tư phát triển các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, khách sạn, nhà hàng theo hướng văn minh thương mại; khai thác, phát triển lĩnh vực thương mại, dịch vụ đa dạng gắn với phát triển các khu, cụm công nghiệp, khu đô thị; phát triển các dịch vụ bưu chính, viễn thông, giáo dục - đào tạo, y tế… Đồng thời, tỉnh triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ để thực hiện xã hội hóa nhằm chỉnh trang, xây dựng chợ; tiếp tục mời gọi đầu tư dự án chợ, siêu thị, trung tâm thương mại phù hợp với quá trình đô thị hóa ở trung tâm 3 vùng…

Để cụ thể hóa mục tiêu phát triển thương mại, dịch vụ, tỉnh cũng đã tăng cường hợp tác, triển khai thực hiện liên kết phát triển với các tỉnh, thành trong khu vực, đặc biệt là đối với TP. Hồ Chí Minh. Cụ thể là Chương trình hợp tác giữa Tiền Giang và TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2017 - 2020 đã được 2 địa phương ký kết vào ngày 4-4-2017. Nội dung chính trong chương trình hợp tác là chú trọng việc quy hoạch, đầu tư hạ tầng, kết nối với các chợ đầu mối, trung tâm thương mại, siêu thị ở TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh tiêu thụ hàng hóa nông sản của tỉnh, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong sản xuất và tiêu thụ.

Thời gian qua, Tiền Giang và TP. Hồ Chí Minh đã triển khai hợp tác đầu tư nhiều dự án, công trình trên lĩnh vực thương mại, dịch vụ như: Siêu thị Co.opmart Mỹ Tho, Siêu thị Co.opmart Gò Công, Siêu thị Vinatex, Siêu thị Điện máy Chợ Lớn - Mỹ Tho, Trung tâm Mua sắm Nguyễn Kim… Chưa kể, các nhà đầu tư như: Công ty cổ phần Lợi Nhân đầu tư xây dựng chợ phường 8, chợ Đạo Thạnh; Công ty cổ phần Trạm dừng chân Du lịch xanh đầu tư xây dựng khu trưng bày - giới thiệu sản phẩm đặc trưng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và xúc tiến thương mại kết hợp hoạt động du lịch tại Trạm dừng chân Du lịch xanh, với vốn đầu tư khoảng 124 tỷ đồng. Bên cạnh đó là việc ra mắt Câu lạc bộ Doanh nhân Tiền Giang tại TP. Hồ Chí Minh nhằm giúp các DN hỗ trợ nhau trong hoạt động sản xuất - kinh doanh và các hoạt động cộng đồng…

Theo đó, Tiền Giang và TP. Hồ Chí Minh sẽ giới thiệu các doanh nghiệp (DN) của địa phương mình đến tìm hiểu tiềm năng, thế mạnh của 2 địa phương để phát triển hạ tầng thương mại, cũng như kết nối giao thương hàng hóa, sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh của tỉnh để tiêu thụ trong hệ thống phân phối bán lẻ của các DN TP. Hồ Chí Minh, đặc biệt là chuỗi siêu thị, cửa hàng bán lẻ, tiện lợi của Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (Satra), Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Sài Gòn Co.opmart và nhiều thương hiệu bán lẻ khác trên địa bàn thành phố; hợp tác tháo gỡ khó khăn cho DN, các nhà đầu tư liên kết sản xuất - kinh doanh, phát triển hệ thống phân phối, xây dựng vùng nguyên liệu, tạo nguồn hàng bình ổn. Bên cạnh đó là việc liên kết phối hợp mở các tour, tuyến du lịch kết nối các khu, điểm du lịch; phối hợp thực hiện tốt công tác xúc tiến du lịch…

Trên cơ sở định hướng phát triển chung của tỉnh, từng vùng kinh tế - đô thị cũng có những điểm nhấn về phát triển thương mại, dịch vụ dựa trên cơ sở tiềm năng và điều kiện hiện hữu. Chẳng hạn, đối với Vùng kinh tế - đô thị Trung tâm sẽ tập trung thu hút đầu tư phát triển các dự án chợ, siêu thị, trung tâm thương mại vùng, chú trọng phát triển các trung tâm thương mại như: Trung tâm Thương mại Mỹ Tho, Nguyễn Kim, Tân Hương, Vĩnh Kim, Long Bình Điền. Đồng thời đầu tư, khai thác các điểm du lịch của vùng như: Du lịch sinh thái cù lao Thới Sơn, Tân Long nhằm phát huy thế mạnh của TP. Mỹ Tho là trung tâm du lịch cấp vùng của tỉnh.

Song song đó, tập trung mời gọi đầu tư, khai thác Khu du lịch sinh thái cù lao Thới Sơn, Tân Long, tham quan dọc sông Tiền, các di tích văn hóa lịch sử gắn với việc khai thác chợ trái cây Vĩnh Kim (huyện Châu Thành) và kết nối với các điểm du lịch ở cù lao Ngũ Hiệp, cù lao Tân Phong, biển Gò Công, tạo thành tuyến du lịch liên kết sản phẩm đặc thù của mỗi vùng. Chưa kể là phát triển đồng bộ các ngành dịch vụ, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; khuyến khích đầu tư phát triển mạnh các loại hình dịch vụ cao cấp; ưu tiên khai thác, phát triển khu vực Trung Lương - Tam Hiệp và các khu vực gắn kết hành lang kinh tế theo trục Quốc lộ 50, Quốc lộ 1 và một số trục đường nhánh nối vào đường cao tốc. Đồng thời, nâng cấp phát triển TP. Mỹ Tho nhằm tạo sự lan tỏa thúc đẩy phát triển kinh tế cho vùng ven tiếp giáp với huyện Châu Thành và huyện Chợ Gạo.

Đối với Vùng kinh tế - đô thị phía Tây sẽ tập trung xây dựng các chợ đầu mối, phát triển các khu thương mại, dịch vụ, hình thành các khu dân cư - đô thị - thương mại - dịch vụ và nghỉ dưỡng… Đồng thời hình thành, đầu tư phát triển các cụm điểm, tour du lịch sinh thái vùng ngập nước Đồng Tháp Mười, cù lao trên sông Tiền, chợ nổi Cái Bè, làng nhà cổ Đông Hòa Hiệp, khu resort theo dòng sông Mê Kông. Một trong những điểm nhấn quan trọng đối với Vùng kinh tế - đô thị phía Tây là Dự án Công viên trái cây nằm trên địa bàn thị trấn Cái Bè, với mục tiêu kết hợp với dự án đầu tư cơ sở hạ tầng phát triển du lịch huyện Cái Bè, hình thành nên điểm du lịch hấp dẫn, đặc biệt là du lịch sinh thái, vườn cây ăn trái, làng nghề truyền thống và các giá trị lịch sử văn hóa khác; đồng thời kết nối với các tuyến du lịch chính trên địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, ngành Du lịch địa phương và các tỉnh nói chung.

Trên cơ sở các phương án chủ đầu tư trình, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất phương án đầu tư Dự án Công viên trái cây có quy mô sử dụng đất là 9,68 ha, với tổng mức đầu tư 375,5 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Nhà nước 188,8 tỷ đồng để đầu tư hạ tầng kỹ thuật và hạng mục phụ, kêu gọi đầu tư 186,7 tỷ đồng để đầu tư các công trình nhà hàng, khách sạn, ki ốt giải khát, bán hàng lưu niệm và các dịch vụ khác.

Hiện tại, UBND huyện Cái Bè đã hoàn chỉnh dự án theo phương án được Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất để trình duyệt dự án theo quy định; đồng thời tiến hành lập thiết kế bản vẽ thi công và dự toán, trình thẩm định và phê duyệt, tiến hành lập hồ sơ mời thầu và tổ chức đấu thầu thi công công trình, dự kiến hoàn thành trong quý III và khởi công xây dựng trong quý IV năm 2017…

PHƯƠNG ANH

.
.
.