Thứ Hai, 30/10/2017, 20:26 (GMT+7)
.
Đột phá để phát triển nhanh và bền vững

Giải bài toán môi trường

Bài 1: Tinh thần mới với 3 nghị quyết chuyên đề

Bài 2: Tạo đà cho nông nghiệp

Bài 3: Định vị sản phẩm công nghiệp

Nhiều dự án đầu tư và kêu gọi đầu tư đã và đang được triển khai thực hiện nhằm mục tiêu tìm lời giải cho bài toán ô nhiễm môi trường trên các lĩnh vực để đảm bảo phát triển một cách bền vững.

Để cụ thể hóa mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ X là kết hợp phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, ngày 18-11-2016, Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết 05 về việc tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh và UBND tỉnh cũng ban hành Chương trình hành động 84 vào ngày 31-3-2017.

Lấy mẫu quan trắc môi trường. 		Ảnh: MINH THÀNH
Lấy mẫu quan trắc môi trường. Ảnh: MINH THÀNH

TẬP TRUNG NGUỒN LỰC

Nhằm giải quyết căn cơ, thời gian qua tỉnh đã tập trung nguồn lực để đầu tư vào các dự án xử lý môi trường. Với chức năng của mình, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu cân đối, bố trí vốn đầu tư cho các dự án xử lý nước thải, chất thải rắn, chất thải nguy hại trên địa bàn tỉnh. Thực hiện theo Nghị quyết 24 của HĐND tỉnh ban hành ngày 8-12-2016 về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, trong đó có 6 danh mục công trình, dự án xử lý nước thải, chất thải rắn là: Đầu tư hệ thống xử lý chất thải y tế; Đầu tư hệ thống chất thải y tế (giai đoạn 2); Nâng cấp Nhà máy xử lý nước thải Cảng cá Mỹ Tho từ công suất 100 m3/ngày/đêm lên 200 m3/ngày/đêm; Nhà máy xử lý nước thải tập trung Khu công nghiệp (KCN) Mỹ Tho (giai đoạn 2); Mở rộng Trạm xử lý nước thải Cụm công nghiệp (CCN) Tân Mỹ Chánh với công suất 1.500 m3/ngày; Trạm xử lý nước thải tập trung với công suất 600 m3/ngày/đêm tại Khu tái định cư Đạo Thạnh. Tổng kinh phí đầu tư cho các dự án hơn 199 tỷ đồng, số vốn bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 là 121,7 tỷ đồng. Theo dự kiến, trong kế hoạch đầu tư công năm 2018 có 2 danh mục công trình, dự án xử lý nước thải, chất thải rắn: Đầu tư hệ thống xử lý chất thải y tế và Đầu tư hệ thống xử lý chất thải y tế (giai đoạn 2), với tổng kinh phí đầu tư hơn 96 tỷ đồng và dự kiến số vốn bố trí trong kế hoạch đầu tư công năm 2018 là 22 tỷ đồng.

Xử lý cơ bản nước thải tại các khu, CCN

Hầu hết các doanh nghiệp (DN) thứ cấp hoạt động trong KCN đều đấu nối nước thải (sau khi qua xử lý đạt tiêu chuẩn đấu nối) vào hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung: KCN Tân Hương có 25/25 DN đấu nối; KCN Long Giang có 20/20 DN đấu nối; riêng KCN Mỹ Tho có 18/24 DN đấu nối, các DN còn lại không đấu nối do đã tự đầu tư hệ thống xử lý đạt chuẩn môi trường trước khi thải ra nguồn tiếp nhận sông Tiền. Đối với các CCN Song Thuận, CCN Trung An, CCN Tân Mỹ Chánh, các DN thứ cấp xử lý nước thải đạt quy chuẩn hiện hành trước khi thải ra môi trường. Riêng CCN An Thạnh, do hầu hết các DN đang hoạt động mang tính chất hộ gia đình, mỗi DN sử dụng nước từ 3 - 4 m3/ngày đêm, chủ yếu phục vụ cho sinh hoạt hằng ngày, không phát sinh nước thải sản xuất. Nước thải sinh hoạt phát sinh được các DN xử lý bằng bể tự hoại trước khi thải ra nguồn tiếp nhận là sông Thông Lưu.

Một trong những điểm nhấn là trong thời gian qua, thực hiện chủ trương xã hội hóa lĩnh vực môi trường, tỉnh đã khuyến khích các nhà đầu tư và đã thu hút được 4 dự án trong lĩnh vực môi trường. Chẳng hạn, Dự án Khu xử lý chất thải rắn phía Tây tỉnh Tiền Giang tại xã Mỹ Phước (huyện Tân Phước), với quy mô xử lý rác 2.570 tấn/ngày, diện tích đất đầu tư 30 ha, tổng mức đầu tư 923 tỷ đồng. Dự án đã cơ bản hoàn chỉnh thủ tục đầu tư, do liên danh Công ty TNHH Đầu tư môi trường Nam Việt và Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam làm chủ đầu tư. Thứ hai là Dự án Công viên nghĩa trang Vạn Phước Viên tại xã Tân Lý Đông (huyện Châu Thành) xây dựng với các hạng mục như: Trung tâm hỏa táng, công viên nghĩa trang, cây xanh, vườn hoa, nhà làm việc…, do Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP. Hồ Chí Minh đầu tư trên diện tích đầu tư 15 ha, tổng mức đầu tư 460 tỷ đồng (hiện nhà đầu tư đã lắp đặt được 1 lò hỏa thiêu đốt gas và đã đưa vào sử dụng). Ngoài ra, Dự án Công viên nghĩa trang TX. Gò Công tại xã Tân Trung được xây dựng với các hạng mục như: Trung tâm hỏa táng, công viên nghĩa trang, khu mai táng,... với diện tích đầu tư hơn 15 ha, tổng mức đầu tư 460 tỷ đồng do Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP. Hồ Chí Minh đầu tư (hiện nay nhà đầu tư đang tổ chức lựa chọn nhà thầu lập quy hoạch chi tiết 1/500). Bên cạnh đó, Dự án Nghĩa trang nhân dân xã Long Bình (huyện Gò Công Tây), UBND tỉnh đang giao cho UBND huyện Gò Công Tây tổ chức lựa chọn nhà đầu tư dự án nhằm cải tạo và mở rộng khu nghĩa trang cũ, phục vụ nhu cầu mai táng của nhân dân, với diện tích sử dụng đất 10 ha, tổng mức đầu tư khoảng 20 tỷ đồng.

Ngoài ra, để khuyến khích các nhà đầu tư tham gia đầu tư các dự án thuộc lĩnh vực xã hội hóa, trong đó có lĩnh vực môi trường, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 19 ngày 1-6-2015. So với các quy định của Trung ương, chính sách của tỉnh có nhiều ưu đãi hơn cho nhà đầu tư như nhà đầu tư được ưu tiên thuê cơ sở hạ tầng, công trình xã hội hóa sẵn có với giá cho thuê ưu đãi; được Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh xem xét cho vay với lãi suất ưu đãi và được tỉnh hỗ trợ 1 lần kinh phí đầu tư cơ sở hạ tầng sau khi dự án đi vào hoạt động 1 năm với mức hỗ trợ cụ thể tùy từng loại dự án.

TRIỂN KHAI ĐỒNG BỘ

Bên cạnh đầu tư và thu hút đầu tư các dự án trọng điểm để xử lý ô nhiễm môi trường, công tác bảo vệ môi trường cũng được các sở, ngành có liên quan triển khai thực hiện đồng bộ và hiệu quả. Chẳng hạn, để cụ thể hóa Nghị quyết 05 của Tỉnh ủy, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) đã hoàn chỉnh đề cương và kinh phí tiếp nhận hệ thống quan trắc tự động liên tục, đã trình UBND tỉnh phê duyệt để triển khai thực hiện. Đối với các cơ sở sản xuất có lưu lượng xả thải từ 1.000 m3/ngày đêm trở lên, Sở TN-MT đã có văn bản yêu cầu các đơn vị này lắp đặt hệ thống quan trắc tự động liên tục theo quy định. Hiện nay 3 KCN trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành việc lắp đặt hệ thống quan trắc tự động liên tục (KCN Mỹ Tho, KCN Tân Hương và KCN Long Giang) và Công ty Bia Heniken Việt Nam cũng lắp đặt hệ thống quan trắc tự động liên tục. Nhìn chung, từ khi lắp đặt đến nay, hệ thống quan trắc tự động của đơn vị đã đầu tư hoạt động ổn định và chuẩn bị sẵn sàng kết nối khi hệ thống quan trắc tự động của Sở TN-MT được lắp đặt (sẽ kết nối theo yêu cầu của Sở TN-MT). Sở TN-MT đã hoàn chỉnh đề cương Đề án di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường khó khắc phục theo góp ý của các sở, ngành và đang trong giai đoạn trình thẩm định, phê duyệt theo quy định. Đối với công tác quản lý chất thải nguy hại, Sở TN-MT đã yêu cầu các cơ sở có phát sinh chất thải nguy hại thuộc đối tượng đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại thực hiện đăng ký theo quy định.

Tình trạng ô nhiễm môi trường trong lĩnh vực Nông nghiệp cũng đang là vấn đề đặt ra. Để tìm lời giải cho thực trạng này, thời gian qua bên cạnh phối hợp với Sở TN-MT thực hiện nội dung hướng dẫn liên ngành về thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng trên địa bàn tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn còn triển khai thực hiện 2 dự án bảo vệ môi trường: Dự án “Bổ sung acid hữu cơ và chế phẩm sinh học trong thức ăn chăn nuôi heo” nhằm hạn chế và giúp giảm thiểu mùi hôi; Dự án “Bảo vệ môi trường trong lĩnh vực bảo vệ thực vật”. Ngoài ra, ngành Nông nghiệp còn triển khai nhiều mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và sản xuất theo hướng an toàn. Từ đầu năm 2017 đến nay, ngành Nông nghiệp đã triển khai được 4 mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP trên cây ăn trái: Sầu riêng, mãng cầu Xiêm, sa pô và bưởi da xanh; mô hình nuôi luân canh cá rô phi trong đầm tôm để tận dụng chất thải giảm ô nhiễm môi trường trong ao tôm góp phần hạn chế dịch bệnh trên tôm; mô hình “Ứng dụng men vi sinh trong chăn nuôi heo an toàn sinh học” tại xã Thạnh Nhựt (huyện Gò Công Tây), với quy mô 20 con/2 hộ và tại xã Trung Hòa (huyện Chợ Gạo), với quy mô 40 con/4 hộ…

PHƯƠNG ANH

.
.
.