Chủ Nhật, 01/10/2017, 11:07 (GMT+7)
.

GDP quý III tăng trưởng kỷ lục, mục tiêu cả năm khả thi

Lãnh đạo Tổng cục Thống kê đã nêu ra 4 lý do cho mức tăng rất mạnh của GDP quý III với 7,46%. Đây là mức cao kỷ lục sau nhiều năm. Lãnh đạo ngành thống kê khẳng định cơ quan này hoạt động một cách độc lập, tính sát với thực tế, không bị “gây áp lực” trong việc tính toán các con số.

Ảnh họp báo thống kê. VGP/Huy Thắng
Ảnh họp báo thống kê. VGP/Huy Thắng

4 điểm sáng

Ngày 29/9, Tổng cục Thống kê đã tổ chức họp báo công bố số liệu kinh tế-xã hội 9 tháng năm 2017, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, GDP trong nước 9 tháng tăng 6,41% so với năm trước, trong đó, quý I tăng 5,15%, quý II tăng 6,28% - (riêng quý II có sự điều chỉnh so với số liệu hồi quý II đưa ra là 6,17%.). Trong mức tăng 6,41% của toàn nền kinh tế 9 tháng năm nay, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,78%, đóng góp 0,43 điểm phần trăm vào mức tăng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,17%, đóng góp 2,45 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 7,25%, đóng góp 2,80 điểm phần trăm.

Đáng chú ý, trong quý III này, tốc độ tăng GDP đã đạt mức kỷ lục sau nhiều năm gần đây, đạt con số 7,46%. Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm nêu lên 4 điểm sáng, làm động lực thúc đẩy tăng trưởng. Trước tiên là điểm sáng nông nghiệp, dựa vào ngành thuỷ sản tăng trưởng trên 5%. Điều này thể hiện sự chuyển dịch cơ cấu từ cây lúa sang nuôi trồng thuỷ sản, mang lại hiệu quả kinh tế lớn hơn, vì với 1 ha đất trồng lúa chuyển sang nuôi trồng thuỷ sản, theo tính toán, cho giá trị hơn gấp 4 lần, nhờ đó đóng góp được nhiều hơn vào GDP.

Điểm sáng thứ 2 là ở ngành công nghiệp chế biến chế tạo. Trong đó, đây là lần đầu tiên khu vực chế biến chế tạo đạt mức tăng trưởng 12,8% - mức tăng cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Trong tăng trưởng GDP có sự đóng góp không nhỏ của khu vực FDI. Tính chung tổng vốn đăng ký của các dự án cấp mới, cấp vốn bổ sung và đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần 9 tháng đạt con số khá cao là 25,5 tỷ USD, tăng 34,3% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 9 tháng ước tính đạt 12,5 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2016.

Trong đó, đáng chú ý, nếu tính cả vốn đăng ký bổ sung của các dự án đã cấp phép từ các năm trước và góp vốn, mua cổ phần thì tổng vốn đầu tư nước ngoài vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong 9 tháng năm nay đạt 12,6 tỷ USD, chiếm 49,6% tổng vốn đăng ký.

Cụ thể hơn là Samsung với việc ra đời sản phẩm Samsung Galaxy Note 8 (sau sự cố lỗi sản phẩm Note 7) đã phục hồi sản lượng sản xuất và xuất khẩu tăng ngoạn mục.

Điểm thứ 3 là sự phát triển của nhóm ngành dịch vụ. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ đã tăng mạnh, nếu loại trừ yếu tố giá, ngành này tăng 9,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cuối cùng, điểm sáng quan trọng là việc Chính phủ tỏ rõ quyết tâm về việc xây dựng một Chính phủ kiến tạo, cắt giảm thủ tục, cải thiện nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Sẽ đạt mục tiêu nếu duy trì tốt đà tăng

Đánh giá về triển vọng, lãnh đạo Tổng cục Thống kê cho rằng, với đà tăng trưởng này, mục tiêu GDP của Việt Nam có thể đạt được, dù kịch bản tăng trưởng của quý IV phải đạt 7,31%, một mức khá cao.
Dù các kết quả khả quan, nhưng đại diện Tổng cục Thống kê cho rằng dư địa cải cách vẫn còn nhiều. Đòi hỏi Chính phủ cần tiếp tục hỗ trợ cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường kinh doanh vẫn cần phải cải thiện hơn nữa. Cả nước có 93.967 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, nhưng số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động trong 9 tháng là 49.345 doanh nghiệp, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước. Giải thích về con số này, ông Nguyên Bích Lâm cho rằng, chuyện phá sản hay giải thể của doanh nghiệp theo thị trường cũng là bình thường, tỷ lệ này ở Việt Nam là tương đối thấp. Tuy nhiên, vẫn có không ít thủ tục hành chính, chi phí phi chính thức mà doanh nghiệp than phiền, điều đó cho thấy vẫn cần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Hơn nữa, ông Nguyễn Bích Lâm cho rằng, nền kinh tế nước ta vẫn đối mặt với những khó khăn, thách thức: công nghiệp khai khoáng tiếp tục giảm sút, sản xuất nông nghiệp có dấu hiệu chững lại. Tiến độ thu ngân sách Nhà nước, giải ngân vốn đầu tư công còn chậm. Tình hình thiên tai, bão, lũ diễn biến phức tạp, bất thường ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp; đời sống một bộ phân dân cư còn gặp khó khăn.

Để hoàn thành tốt mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2017, trong đó có chỉ tiêu tăng trưởng GDP cả năm đạt 6,7%, nhiệm vụ trong những tháng cuối năm còn rất lớn, đòi hỏi các ngành, các cấp, các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp phải tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2017 và các chỉ thị, nghị quyết liên quan.
Tiếp tục thực hiện các biện pháp nhằm giảm lãi suất cho vay, phấn đấu tăng trưởng tín dụng cả năm 2017 đạt 21%. Tập trung vốn tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên (dù tác động tăng trưởng tín dụng có độ trễ có thể ảnh hưởng đến năm sau).

Các bộ, ngành và địa phương tiếp tục tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng cuối năm, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, trong đó chú trọng các dự án lớn, dự án quan trọng, các chương trình mục tiêu quốc gia, đảm bảo thực hiện và giải ngân hết nguồn vốn đầu tư công được giao năm 2017.

Lãnh đạo ngành Thống kê cho rằng, cần thiết tái cơ cấu lại vấn đề thu chi ngân sách, cần đẩy mạnh hơn việc giảm chi thường xuyên, tăng chi đầu tư, gắn với kiểm soát tốt hiệu quả chi.

(Theo chinhphu.vn)

.
.
.