Thứ Hai, 27/11/2017, 10:50 (GMT+7)
.

"Kịch bản" mới cho tiểu vùng Đồng Tháp Mười

“Kịch bản” nào cho tiểu vùng Đồng Tháp Mười (ĐTM) trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng và các tác động khác, nhất là trước thực trạng sản xuất nông nghiệp (NN) trong vùng đang có dấu hiệu “đụng trần” do thâm canh và khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên?

Lễ ký kết hợp tác đầu tư ở tiểu vùng ĐTM diễn ra vào ngày 25-11.
Lễ ký kết hợp tác đầu tư ở tiểu vùng ĐTM diễn ra vào ngày 25-11.

1. Với diện tích rộng lớn, vẫn còn nhiều tiềm năng để bứt phá, tiểu vùng ĐTM cần có một “kịch bản” mới cho chiến lược phát triển trong thời gian tới. Nhưng theo các chuyên gia, đây là câu chuyện dài và không dễ tìm lời giải thỏa đáng. TS. Đặng Kiều Nhân, Giám đốc Viện nghiên cứu phát triển ĐBSCL (Trường Đại học Cần Thơ) cho rằng, sản xuất NN của tiểu vùng có nhiều lợi thế nhưng cũng không ít thách thức đang được đặt ra. Xét trong bức tranh chung, trồng trọt chiếm tỷ trọng lớn nhất về diện tích và giá trị sản xuất, chiếm đến 71% trong giá trị ngành NN, so với 63% trong tổng giá trị của 3 tỉnh và 52% của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL); chăn nuôi chiếm khoảng 9%; nuôi trồng thủy sản chiếm khoảng 15%. Riêng lĩnh vực dịch vụ NN cũng giống như các tỉnh ĐBSCL chiếm tỷ trọng tương đối thấp, chỉ khoảng 5% tổng giá trị của ngành NN. “Sự chuyển dịch cơ cấu trong ngành NN của tiểu vùng ĐTM nói riêng và của 3 tỉnh trong vùng nói chung trong 6 năm qua là tăng tỷ trọng ngành Trồng trọt trong khi tỷ trọng dịch vụ giảm. Thực tế này đi ngược với xu hướng chung của ĐBSCL và các tiểu vùng lân cận khác là giảm tỷ trọng ngành Trồng trọt và tăng dịch vụ”- TS. Đặng Kiều Nhân nhấn mạnh.

Tạo không gian kinh tế mở

Nhiều vấn đề đã được đặt ra tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư - tiêu thụ, phát triển NN, nông thôn tiểu vùng ĐTM diễn ra vào ngày 25-11 tại tỉnh Long An. Hội nghị lần này không nằm ngoài mục tiêu khai thác tối ưu lợi thế so sánh của tiểu vùng ĐTM liên quan đến lợi thế về sinh thái, vị trí địa lý và không gian kinh tế mở, lợi thế về lịch sử - văn hóa; đặc biệt là lợi thế về thể chế liên kết hợp tác phát triển bền vững của vùng. Dựa trên lợi thế này, 3 tỉnh Long An, Tiền Giang và Đồng Tháp đã ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển bền vững tiểu vùng ĐTM. Hiện tại, Đề án Liên kết phát triển bền vững tiểu vùng ĐTM giai đoạn 2018 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đang trong giai đoạn hoàn chỉnh bản thảo. Theo đó, tiểu vùng ĐTM là không gian kinh tế mở, không có ranh giới hành chính trong 3 tỉnh. Điểm mấu chốt của liên kết là hạn chế mâu thuẫn và điểm nghẽn để tăng tính cạnh tranh của tiểu vùng, cũng như kết nối với các tiểu vùng khác ở ĐBSCL và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Trước thách thức chung của ngành NN cả nước, của vùng ĐBSCL, sản xuất NN của tiểu vùng ĐTM cũng không ngoại lệ. Theo TS. Đặng Kiều Nhân, nếu xét trên phạm vi toàn cầu, đó là thời tiết cực đoan, tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Còn đối với phạm vi của ĐBSCL và quốc gia là những thách thức tạo ra từ thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành NN, phát triển theo xu hướng đa dạng sản xuất làm cho các mặt hàng nông sản trùng lắp và cạnh tranh nội bộ; chuyển dịch cơ cấu NN và kinh tế của vùng có thể làm cho chênh lệch phát triển kinh tế - xã hội giữa tiểu vùng ĐTM và các tiểu vùng khác ngày càng nhiều hơn. “Chưa kể, lợi nhuận từ sản xuất NN “đụng trần”, đặc biệt là sản xuất lúa, tài nguyên sinh học giảm, dựa chủ yếu vào lĩnh vực trồng trọt trong khi sản phẩm trồng trọt giữa các tỉnh giống nhau và không phát huy tính đặc trưng với lợi thế so sánh”- TS. Đặng Kiều Nhân nhận định.

Từ bức tranh chung và định hướng phát triển trong thời gian tới, các chuyên gia cho rằng, tiểu vùng ĐTM cần hướng đến đa dạng hóa sản phẩm đặc trưng dựa trên lợi thế so sánh của vùng, thông qua đa dạng hóa các sản phẩm trồng trọt để giảm phụ thuộc vào cây lúa. Định hướng phát triển NN của tiểu vùng ĐTM cần hướng đến phát triển công nghiệp - dịch vụ NN, tạo ra sản phẩm chế biến cho đa dạng phân khúc thị trường để tăng giá trị gia tăng thêm hơn là chi khâu sản xuất. Các mặt hàng nông sản chủ lực và tiềm năng đặc trưng của ĐTM cần được chú trọng là gạo, xoài, khóm, cá tra, cá đồng, sen, khoai mỡ… và các mặt hàng chế biến chính phẩm và phụ phẩm; đồng thời cần ứng dụng công nghệ cao và kỹ thuật thông minh để giúp giảm giá thành và quản lý hiệu quả. Bên cạnh đó, phát triển NN của tiểu vùng ĐTM trong thời gian tới cần chú trọng yếu tố chất lượng, sinh thái, môi trường gắn với du lịch sinh thái và dịch vụ NN…

2. Ở khâu tiêu thụ nông sản nói chung, ở tiểu vùng ĐTM nói riêng cũng còn nhiều vấn đề bàn cãi. Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại NN (Bộ NN&PTTN) Đào Văn Hồ cho rằng, sản xuất, tiêu thụ hàng hóa nông sản đứng trước cơ hội và thách thức rất lớn do Việt Nam đang tham gia hội nhập sâu vào thị trường quốc tế. Theo đó, giá trị xuất khẩu không ngừng gia tăng mạnh mẽ, trong 9 tháng năm 2017 ngành NN đã xuất siêu 7 tỷ USD. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được cũng còn nhiều nhiệm vụ cấp bách và định hướng lâu dài cần phải giải quyết. Chẳng hạn, đối với thị trường trong nước, thực tế cho thấy hiện các kênh phân phối hiện đại được quản lý tốt hơn chỉ chiếm khoảng 20%, đa phần các sản phẩm được mua sắm ở các chợ dân sinh. Các chợ đầu mối nông sản có kiểm soát hoạt động chưa hiệu quả và chiếm tỷ trọng thấp. Thực trạng này dẫn tới hàng hóa không thể được kiểm soát chặt chẽ nên nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm rất cao, xuất hiện ở mọi khâu trong kênh phân phối. Nếu nhìn ở góc độ xuất khẩu, dù hầu hết mặt hàng nông sản gần đây tăng trưởng tốt nhưng vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, thiếu bền vững. Theo đó, xuất khẩu nông sản của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc, không có đòi hỏi khắt khe về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm. Từ đó, sản xuất NN để xuất khẩu cho thị trường này cũng như tiêu thụ trong nước không đòi hỏi sự quản lý tốt nên trình độ sản xuất và quản lý còn thấp, trong khi các thị trường châu Âu, Mỹ và các nước phát triển ngày càng đòi hỏi khắt khe về tiêu chuẩn sản phẩm.

Trước thực trạng như thế, trong chặng đường tiếp theo đối với nông sản nói chung, tiểu vùng ĐTM nói riêng cần đầu tư sâu vào các sản phẩm chủ lực như: Chuối, xoài, dừa, tôm, cá tra…; đặc biệt là các khâu kiểm soát nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Chưa kể, để khai thác tốt tiềm năng nông sản, cần xây dựng thương hiệu quốc gia cho các sản phẩm chủ lực để dần đưa sản phẩm NN lên vị trí cao hơn trong chuỗi giá trị. Bên cạnh đó, các tỉnh cũng cần chú trọng xây dựng thương hiệu cho nông sản tỉnh mình, nhằm khai thác tốt nhất lợi thế so sánh theo hướng chuyên môn hóa, tạo ra sự khác biệt và đa dạng giữa các vùng miền…

PHƯƠNG ANH

.
.
.