Thứ Sáu, 17/11/2017, 21:09 (GMT+7)
.

Tiểu vùng Đồng Tháp Mười trước cơ hội mới

Lần đầu tiên Hội nghị Xúc tiến đầu tư và Hội chợ triển lãm nông nghiệp (NN) công nghệ cao tiểu vùng Đồng Tháp Mười (ĐTM) được tổ chức tại tỉnh Long An nhằm tìm ra hướng đi mới cho các tỉnh trong vùng, nhất là trong lĩnh vực sản xuất NN ứng dụng công nghệ cao.

Nhiều sản phẩm đặc trưng của Tiền Giang sẽ được giới thiệu tại sự kiện lần này.
Nhiều sản phẩm đặc trưng của Tiền Giang sẽ được giới thiệu tại sự kiện lần này.

Theo Trung tâm Xúc tiến thương mại NN (Bộ NN-PTNT), Hội nghị Xúc tiến đầu tư và Hội chợ triển lãm NN công nghệ cao tiểu vùng ĐTM (các tỉnh Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp) diễn ra tại tỉnh Long An lần này nhằm giới thiệu hình ảnh phát triển NN, nông thôn, những kết quả sản xuất NN ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành NN của 3 tỉnh; đồng thời thông tin về tình hình thực hiện Đề án Liên kết phát triển bền vững tiểu vùng ĐTM, định hướng phát triển và cơ chế, chính sách kêu gọi đầu tư. Bên cạnh đó, hội nghị sẽ tạo điều kiện cho nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã tiếp cận, kết nối với các nhà phân phối sản phẩm trong và ngoài tỉnh.

Qua các sự kiện lần này nhằm thúc đẩy nâng cao hiệu quả sản xuất NN, góp phần chuyển dịch cơ cấu NN các địa phương trong vùng một cách hiệu quả và tìm kiếm giải pháp trong việc hình thành các chuỗi cung ứng; tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hợp tác xã, làng nghề trưng bày giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của các tỉnh có chất lượng tốt, đảm bảo an toàn thực phẩm.

 

Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Long An Đinh Thị Phương Khanh cho rằng, Đề án Liên kết phát triển bền vững tiểu vùng ĐTM đang được xây dựng, hiện chưa chính thức công bố nhưng cũng đã xác định được những nội dung trọng tâm trong liên kết của các tỉnh trong vùng. Nội dung chính được đưa ra tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư lần này là dựa trên mối liên kết của 3 tỉnh trong tiểu vùng. Riêng đối với tỉnh Long An có thuận lợi là đã thực hiện Chương trình phát triển NN ứng dụng công nghệ cao được hơn 2 năm. Đến nay, chương trình đã đạt được một số thành tựu cơ bản, xác định được 4 nhóm ngành hàng chủ lực gồm: Lúa gạo, thanh long, rau và bò thịt. Những kết quả đạt được từ Chương trình phát triển NN ứng dụng công nghệ cao mang lại cũng như những sản phẩm từ kết quả thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành NN của tỉnh Long An cũng sẽ được giới thiệu tại sự kiện lần này.

Với lợi thế về sản xuất NN, tỉnh Đồng Tháp mong muốn thông qua sự kiện này sẽ giới thiệu một số sản phẩm chủ lực nằm trong Đề án Tái cơ cấu ngành NN của tỉnh Đồng Tháp như: Các sản phẩm chế biến từ gạo đặc sản; một số giống xoài chủ lực cũng như các sản phẩm chế biến từ xoài; sản phẩm chế biến từ mỡ cá tra. Bên cạnh đó, ngành hàng hoa kiểng cũng là một trong những lợi thế của tỉnh Đồng Tháp, với trên 1.000 ha trồng hoa kiểng và trên 3.000 loại hoa kiểng. Vì vậy, nhân dịp này tỉnh cũng sẽ giới thiệu một số loại hoa kiểng mới trồng được trong những năm gần đây. Đồng thời, tỉnh Đồng Tháp cũng sẽ giới thiệu một số sản phẩm đặc thù khác của tỉnh như sản phẩm chế biến từ sen, ớt, khô…

Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Tiền Giang Lê Minh Khánh cũng cho rằng, nhân sự kiện này Tiền Giang sẽ giới thiệu những sản phẩm đặc trưng của tỉnh, nhất là các sản phẩm có lợi thế so sánh. Thông qua sự kiện này, Tiền Giang cũng mong muốn tìm kiếm các doanh nghiệp, nhà đầu tư kết hợp với nông dân, chính quyền địa phương nhằm tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận và ứng dụng sản xuất NN công nghệ cao, đảm bảo đầu ra mang tính bền vững. Bên cạnh đó, Tiền Giang cũng mong muốn tiếp xúc, nắm bắt nhu cầu của khách hàng để định hướng sản xuất cho người dân nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Cũng nhằm mục tiêu tìm lối đi mới cho tiểu vùng ĐTM, Hội nghị kết nối giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh nằm trong khu vực ĐTM (gồm các tỉnh Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang) cũng vừa diễn ra tại tỉnh Đồng Tháp. Với diện tích rộng lớn chưa được khai phá triệt để, tiểu vùng ĐTM hứa hẹn sẽ mang lại cơ hội rất lớn cho phát triển kinh tế - xã hội của toàn vùng. Chính vì thế, chủ trương xây dựng Đề án Liên kết phát triển bền vững tiểu vùng ĐTM cũng đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý. Đây là cơ hội mới để đánh thức vùng đất ĐTM.

Thực tế cho thấy rằng, sau hơn 25 năm khai phá và phát triển, đến nay phần lớn diện tích đất hoang ngày nào của vùng ĐTM đã được cải tạo để phát triển sản xuất NN. Theo đó, diện tích trồng lúa tăng từ 321 ngàn ha năm 1987 lên 609 ngàn ha năm 2010, hằng năm mang lại cho 3 tỉnh Đồng Tháp, Long An và Tiền Giang gần 5 triệu tấn lúa. Tốc độ chuyển đổi cơ cấu kinh tế thời gian gần đây đã có những chuyển biến nhất định ở khu vực thị trấn, thị xã của vùng, đã tổ chức khai thác tài nguyên vùng lũ để phát triển kinh tế mùa nước nổi và nâng cao đời sống người dân.

Có thể nói rằng, tiểu vùng ĐTM đang đứng trước cơ hội lớn khi các đề án liên kết được triển khai thực hiện. Bởi nếu xét trên yếu tố điều kiện tự nhiên, địa lý, tiểu vùng ĐTM có nhiều điểm thuận lợi, nhất là kết nối với TP. Hồ Chí Minh. Điểm nhấn đầu tiên là trong vùng có 4 tuyến vận tải thủy liên tỉnh lên TP. Hồ Chí Minh, phương tiện vận tải thủy trên 100 tấn có thể đi qua; đồng thời 2 cảng sông lớn ở tỉnh Tiền Giang và tỉnh Đồng Tháp cũng giúp cho việc lưu chuyển hàng hóa dễ dàng. Chưa kể trong vùng còn có Quốc lộ 30, Quốc lộ 62 và Quốc lộ 1A cũng sẽ góp phần đáng kể trong việc lưu chuyển hàng hóa cho người dân bằng đường bộ…

PHƯƠNG ANH

.
.
.