Thứ Bảy, 05/05/2018, 17:38 (GMT+7)
.

"Tiếp sức" cho thực phẩm an toàn

Được kỳ vọng là kênh phân phối thực phẩm “sạch” cho thị trường, song sau thời gian tổ chức thí điểm, chuỗi cửa hàng nông sản, thực phẩm “sạch”, an toàn tại TP. Mỹ Tho đã không đạt kết quả như mong muốn.

Sau thời gian tổ chức thí điểm, giờ chỉ còn Cửa hàng Nông sản Thực phẩm sạch, an toàn An Phát duy trì hoạt động.
Sau thời gian tổ chức thí điểm, giờ chỉ còn Cửa hàng Nông sản Thực phẩm sạch, an toàn An Phát duy trì hoạt động.

VÌ SAO CHƯA HIỆU QUẢ?

Sau thời gian mời gọi, đã có 3 doanh nghiệp (DN) đăng ký tham gia thực hiện thí điểm chuỗi cửa hàng nông sản, thực phẩm “sạch”, an toàn tại TP. Mỹ Tho là: Công ty TNHH Sản xuất Thương mại -
Dịch vụ Mỹ Châu, DN tư nhân Tigimeal và Công ty TNHH MTV Bình Minh Agrico. Song, sau thời gian hoạt động, chỉ có Công ty TNHH MTV Bình Minh Agrico duy trì hoạt động của cửa hàng cho đến nay.

Theo Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại và Du lịch (ĐT-TM&DL) tỉnh, thời gian đầu kinh doanh, các cửa hàng chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn, thậm chí phải chịu lỗ. Do thiếu nhẫn nại, lại chưa có kế hoạch và chiến lược kinh doanh hiệu quả nên cả 2 cửa hàng của Công ty TNHH Sản xuất Thương mại - Dịch vụ Mỹ Châu và DN tư nhân Tigimeal mở ra được chỉ hơn 1 tháng đã ngưng hoạt động.

Bên cạnh đó, 2 cửa hàng của 2 DN này ngưng hoạt động còn do thực phẩm bán tại cửa hàng chưa phong phú, chưa có bao bì nhận diện sản phẩm an toàn, không truy xuất được nguồn gốc sản phẩm.

Ngoài ra, năng lực quản lý, điều hành và kỹ năng đàm phán của DN còn hạn chế nên việc điều hành kinh doanh và đàm phán ký hợp đồng với các đối tác (bếp ăn tập thể tại trường học và DN ở các khu công nghiệp…) chưa hiệu quả.

Và nguyên nhân nữa không thể không kể đến là sự hưởng ứng của người tiêu dùng trong việc sử dụng nông sản, thực phẩm “sạch”, an toàn tại TP. Mỹ Tho còn hạn chế. Người tiêu dùng vẫn còn tâm lý thích tiêu dùng hàng giá rẻ, thích mua nông sản,
thực phẩm tại các chợ truyền thống.

Theo Trung tâm Xúc tiến ĐT-TM&DL, do nông sản, thực phẩm được sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn hiện vẫn còn hạn chế về chủng loại nên các cửa hàng kinh doanh nông sản, thực phẩm “sạch”, an toàn vẫn chưa thể đáp ứng hết nhu cầu của người tiêu dùng. Vì vậy, việc chọn địa điểm gần chợ sẽ là lợi thế trong việc kinh doanh của cửa hàng.

Bên cạnh đó, công nghệ bảo quản cũng là một trong những yếu tố rất quan trọng trong kinh doanh. Các loại rau, củ, quả rất dễ hư hỏng nên việc bảo quản từ khâu thu hoạch, vận chuyển đến việc bảo quản trong thời gian bán tại cửa hàng cần phải được chú trọng để duy trì và đảm bảo chất lượng của sản phẩm.

Nói về “bí quyết” duy trì hoạt động của cửa hàng kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn đến nay, đại diện Cửa hàng Nông sản Thực phẩm sạch, an toàn An Phát (Công ty TNHH MTV Bình Minh Agrico) cho biết, thành công của công ty là đưa được thực phẩm vào các nhà hàng, bếp ăn tập thể ở những trường học, một số công ty xuất nhập khẩu.

Sản phẩm tại cửa hàng tương đối đa dạng và phong phú, có bao bì nhận diện sản phẩm an toàn và có nhãn hiệu. Song, việc đưa sản phẩm vào căn tin bệnh viện và các công ty trong khu công nghiệp… vẫn chưa cao.

“TIẾP SỨC” CHO THỰC PHẨM AN TOÀN

Theo đại diện Sở Công thương, thời gian qua, cơ quan nhà nước đã hỗ trợ công tác truyền thông, quảng bá, tuyên truyền việc sử dụng nông sản, thực phẩm “sạch”, an toàn đến với người tiêu dùng.

Tuy nhiên, các DN cần phải đẩy mạnh công tác giới thiệu hình ảnh cửa hàng, sản phẩm thường xuyên, tích cực hơn, cụ thể như: Treo các pano, phát tờ rơi… ở các tuyến đường của TP. Mỹ Tho và các vùng lân cận; thành lập đội ngũ nhân viên tham gia các chuyến công tác cùng các ngành đến trường học, bệnh viện, công ty… để quảng bá sản phẩm.

Ngoài ra, các cửa hàng nên tìm hiểu kỹ đối tượng, lĩnh vực để giới thiệu sản phẩm phù hợp; trình bày lợi ích của việc sử dụng thực phẩm an toàn…

Quyền Giám đốc Trung tâm Xúc tiến ĐT-TM&DL tỉnh Nguyễn Văn Cường cho rằng, các DN không nên tổ chức Cửa hàng nông sản, thực phẩm “sạch”, an toàn đơn lẻ tại một tỉnh hay thành phố như hiện nay, mà cần tổ chức thành chuỗi cửa hàng gắn với các tỉnh, thành lân cận, nhất là TP. Hồ Chí Minh.

Việc này sẽ giúp giảm thiểu rủi ro trong kinh doanh do tại các thành phố lớn nhu cầu tiêu dùng nông sản, thực phẩm an toàn rất cao. Các cửa hàng tại các thành phố lớn sẽ “gánh” chi phí cho chuỗi cửa hàng, bù lỗ cho các cửa hàng ở các tỉnh trong thời gian đầu khi lợi nhuận chưa cao hoặc bị lỗ. Việc tổ chức cửa hàng thành chuỗi sẽ giúp cho việc điều phối, chia sẻ nguồn hàng, tránh tình trạng ứ đọng hàng hóa.

Bên cạnh đó, các ngành chức năng ở tỉnh như: Ban Quản lý các Khu công nghiệp,  Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Y tế, Sở Công thương… cần hỗ trợ chuỗi cửa hàng đưa thực phẩm vào các bếp ăn tập thể của các cơ quan, trường học, công ty… thuộc đơn vị quản lý; xem đây là việc thiết thực trong quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm từ xa.

“DN kinh doanh thực phẩm “sạch”, an toàn phải luôn đi đầu về uy tín, chất lượng, đảm bảo niềm tin đối với người tiêu dùng. Cửa hàng cần đầu tư bao bì nhận dạng sản phẩm an toàn để có thể truy xuất được nguồn gốc, hàng hóa cần đa dạng để đáp ứng nhu cầu của người dân…” - Quyền Giám đốc Trung tâm Xúc tiến ĐT-TM&DL tỉnh Nguyễn Văn Cường cho biết thêm.

M. THÀNH - L. OANH

.
.
.