Thứ Ba, 19/02/2019, 05:48 (GMT+7)
.

Xoài Việt có "visa" vào Mỹ: Chưa thể vội mừng!

Sau gần 10 năm đàm phán, từ hôm nay (18/2), quả xoài của Việt Nam đã chính thức được cấp phép vào Mỹ. Tuy nhiên, sẽ không phải "dễ ăn" khi có hàng loạt các yêu cầu kỹ thuật mà Việt Nam cần vượt qua.
 
Đây cũng là loại quả thứ 5 của Việt Nam vào thị trường Mỹ sau vải, nhãn, chôm chôm, vú sữa, thanh long. Như vậy, Mỹ trở thành thị trường xuất khẩu thứ 40 của quả xoài Việt Nam. 
a
Xoài Việt sẽ chính thức được cấp phép vào thị trường Mỹ từ ngày 18/2. Ảnh: Cty Agricare 
Theo ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng giám đốc Công ty Vina T&T, các đơn vị xuất khẩu của Việt Nam đang làm việc với cơ quan kiểm dịch thực vật của Việt Nam để hoàn thiện các khâu chuẩn bị cuối cùng trước khi đưa trái xoài Việt Nam vào Mỹ. Dự kiến, khoảng 10 ngày nữa lô xoài đầu tiên sẽ được xuất khẩu vào thị trường này.
 
Ngoài ra, phía Mỹ cho các chủng loại xoài của Việt Nam được vào nước này nên Việt Nam có thể xuất khẩu thêm các loại xoài xanh, xoài tượng… để đa dạng các mục đích tiêu dùng như làm gỏi, salad… "Với các loại xoài này thì có thể vận chuyển bằng đường biển nên giá sẽ giảm xuống", ông Tùng nói.
 
Hiện nay, mỗi năm, Mỹ phải nhập khoảng gần 400.000 tấn xoài tươi chủ yếu từ các quốc gia Trung Mỹ và Nam Mỹ. Xoài nội địa của Mỹ chủ yếu được trồng tại bang Florida và Hawaii, cùng một lượng nhỏ tại bang California và Texas. Hiện sản lượng xoài trồng ở Mỹ mỗi năm được khoảng 3.000 tấn, bằng 1% lượng nhập khẩu mỗi năm.  
 
Tuy là tín hiệu đáng mừng với tấm vé thông hành vào Mỹ, nhưng theo ông Đàm Quang Thắng, TGĐ Công ty TNHH Agricare Việt Nam, thị trường Mỹ lại rất đặc biệt, bởi đây là thị trường có ảnh hưởng rất lớn từ nguồn hoa quả tại Mexico, đất nước có sản lượng xoài lớn nhất khu vực châu Mỹ. Cụ thể, tỷ lệ xoài Mexico luôn duy trì mức trên 60% tại thị trường Mỹ.
 
“Tuy nhiên, xoài của Mexico chín ăn lại rất ngọt trong khi trái lại trái xoài cát của Việt Nam lại có hương vị thơm ngon. Cùng với đó, việc vận chuyển bằng đường máy bay có thể khiến giá thành cao hơn. Đặc biệt, không riêng với xoài, Mexico nổi tiếng với nguồn hoa quả tiêu chuẩn chất lượng cao và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm”, ông Thắng nhấn mạnh.
Ông Thắng cũng thẳng thắn nhận định, để thực sự “chen chân”, chiếm được thị phần tại thị trường khó tính hàng đầu thế giới này, Việt Nam cần tiến hành hàng loạt các yêu cầu.
a
Lễ công bố xuất khẩu xoài của Việt Nam sang Hoa Kỳ
Thông báo của Sở Kiểm dịch Thực Động vật Hoa Kỳ (APHIS) trước đó cũng đã giải thích: "Cách tiếp cận hệ thống đối với xoài từ Việt Nam bao gồm yêu cầu về vườn cây và đóng gói, xử lý chiếu xạ, và kiểm tra cổng kiểm tra nhập cảnh để bảo vệ chống lại sự xâm nhập của sâu bệnh hại cây trồng".
 
APHIS cho biết, sẽ có khoảng 3.000 tấn xoài của Việt Nam được nhập cảng hàng năm, trong khi đó, ông Thắng lại cho rằng, việc đánh giá sản lượng xoài vào Mỹ lúc này là quá sớm. Bởi khi sản phẩm đảm bảo các tiêu chí về chất lượng và an toàn, nhưng liệu có phù hợp với thị hiếu và được người tiêu dùng tại thị trường này chấp nhận hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
 
“Thói quen của người tiêu dùng tại mỗi thị trường là khác nhau, xoài Việt như vậy nhưng không phải ai cũng thích còn tuỳ thuộc người tiêu dùng Mỹ có thích trái cây nhiều đường hay không? Các đối tác phân phối tại thị trường này thế nào? Sẽ còn cần thời gian dài để thử nghiệm”, ông Thắng phân tích.
 
Thậm chí vị này còn cho biết, người tiêu dùng Mỹ có cái nhìn khá tiêu cực về sản phẩm của Việt Nam, đặc biệt trong vấn đề an toàn thực phẩm. “Bang California của Mỹ là nơi có rất nhiều người Việt sinh sống, tuy nhiên việc tiêu thụ nông sản Việt ở đây rất chậm trễ. Quả nhãn vừa qua cũng đã xuất khẩu thành công sang thị trường này nhưng tuyệt nhiên chưa bán được cũng bởi khách hàng chưa tin tưởng, hơn nữa họ có nhiều sự lựa chọn, nhiều sản phẩm khác thay thế”, TGĐ Agricare thẳng thắn.
 
Thực tế cũng cho thấy, xoài Việt Nam hiện chỉ được người dân trồng chuyên canh tại một số địa phương, còn lại 95% diện tích xoài là vườn cây hỗn hợp. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến năng suất thấp, tuy sản lượng xoài đạt khá hơn nhưng xoài cùng kích cỡ, màu sắc, trọng lượng rất ít nên chỉ tiêu thụ trong nước, việc xuất khẩu không đáng kể.
 
Ngoài ra còn có thực trạng cây giống kém, trồng quản canh nên chất lượng không cao. Một hạn chế nữa là canh tác xoài hiện nay còn sử dụng nhiều phân hóa học, ít dùng phân hữu cơ. Thuốc bảo vệ thực vật dùng rất nhiều loại và rất đa dạng, nhà vườn có thể sử dụng 8-10 loại thuốc phun.
 
Bởi vậy, để đưa trái xoài Việt thực sự chen chân vào thị trường Mỹ, ông Thắng khẳng định: “Các tiêu chuẩn bắt buộc như quy hoạch vùng trồng, các nhà máy đóng gói và xử lý bởi tại Mỹ là tiêu chuẩn chiếu xạ, sản phẩm xoài Việt sẽ phải đáp ứng đầy đủ hàng rào kỹ thuật này. Do đó, thay đổi nhận thức và tư duy từ vùng trồng là yêu cầu tiên quyết. Để làm được điều này, doanh nghiệp, người nông dân cần được liên kết chặt chẽ dưới sự hỗ trợ của cơ quan nhà nước”.
 
(Theo enternews.vn)
 
.
.
.