Thứ Tư, 13/03/2019, 14:31 (GMT+7)
.

Hướng mở cho kinh tế tập thể

Vai trò, hiệu quả hoạt động của kinh tế hợp tác nói chung, hợp tác xã (HTX) nói riêng đã và đang được tập trung đánh giá, ghi nhận thông qua nhiều chính sách khác nhau. Điểm mấu chốt hiện nay là gỡ những nút thắt để loại hình kinh tế này phát triển nhanh và bền vững.

Bài 1: Sản phẩm mang tính khác biệt

Chia sẻ các mô hình HTX mang lại hiệu quả của các tỉnh, thành trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long là một trong những giải pháp nhằm hỗ trợ cho các HTX phát triển thông qua cách thức sản xuất, quản trị hay xây dựng chiến lược sản xuất, kinh doanh…

HTX Quang Minh được đánh giá mang lại hiệu quả kinh tế và cộng đồng.
HTX Quang Minh được đánh giá mang lại hiệu quả kinh tế và cộng đồng.

Hội nghị Chia sẻ mô hình phát triển HTX được UBND tỉnh tổ chức gần đây cho thấy, những thành công và hạn chế trong phát triển kinh tế tập thể nói chung, HTX nói riêng của các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long.

Công bằng mà nói, thời gian qua nhiều mô hình HTX ở các tỉnh, thành đã đánh dấu được bước phát triển quan trọng, xuất hiện được nhiều nhân tố mới và là bài học cho nhiều HTX khác.

Đại diện các HTX điển hình đến từ các tỉnh, thành như: HTX Mỹ Tịnh An, HTX Thương mại - dịch vụ Phường 1 (Tiền Giang); HTX Nông nghiệp Phước An (Sóc Trăng); HTX Nông nghiệp sản xuất - thương mại - dịch vụ Phước An (TP. Hồ Chí Minh); HTX Nông nghiệp Tân Hưng (Kiên Giang); HTX Dịch vụ nông nghiệp Kinh Dớn (Cà Mau); HTX Nông nghiệp Phú Thạnh (An Giang)… đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm hay trong quá trình xây dựng và phát triển, kể cả các áp lực, khó khăn, vướng mắc và những tác động của nền kinh tế thị trường.

 

Đề cập về xu hướng hoạt động của kinh tế tập thể nói chung, HTX nói riêng, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo cũng đã trao đổi một số thông tin về các mô hình HTX hiệu quả trên thế giới; đồng thời, đề cập đến một số kết quả, những mặt hạn chế và xu hướng phát triển của HTX trong nước. Ngoài ra, đồng chí Nguyễn Ngọc Bảo thông tin về các chủ trương, chính sách đối với hoạt động của HTX trong thời gian tới và một số giải pháp để HTX phát triển bền vững.

“HTX muốn phát triển phải gắn với chuỗi giá trị sản phẩm, từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm, gắn với hệ thống siêu thị, các chợ đầu mối lớn. Nếu gắn với chuỗi sản xuất, HTX sẽ có nhiều nguồn lực bổ sung từ các doanh nghiệp đầu vào hay doanh nghiệp đầu ra của sản phẩm và có thể gắn kết với hệ thống tín dụng thông qua các dự án, hợp đồng liên kết; thậm chí doanh nghiệp đầu ra có thể đầu tư ứng vốn để HTX sản xuất. Do vậy, nếu gắn kết với chuỗi sản xuất thì việc huy động các nguồn lực từ vốn, nhân lực, công nghệ, thị trường sẽ dễ dàng giải bài toán khó khăn hiện nay của HTX, hướng đến mục tiêu hiệu quả và bền vững hơn. Liên minh HTX Việt Nam sẽ tiếp tục đề xuất Chính phủ nhiều chính sách để hỗ trợ HTX phát triển mạnh”- đồng chí Nguyễn Ngọc Bảo nhấn mạnh.

Đề cập đến các chính sách hỗ trợ cũng như những bài học kinh nghiệm của loại hình kinh tế tập thể, Phó Cục trưởng Cục Phát triển HTX (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Bùi Nghị cho rằng, hiện có nhiều giám đốc HTX còn rất trẻ, có nhiều tham vọng nên mô hình HTX ở Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và trên địa bàn tỉnh Tiền Giang nói riêng dự báo sẽ phát triển nhanh. Tuy nhiên, đồng chí Bùi Nghị cũng đặt ra vấn đề là làm gì để HTX phát triển nhanh và bền vững. Đó là nhân tố đến từ chất lượng sản phẩm gắn với thương hiệu, truy xuất nguồn gốc và tạo ra giá trị gia tăng cao và tất nhiên sản phẩm phải mang tính hàng hóa. Về điều kiện, Đồng bằng sông Cửu Long thuận lợi hơn để phát triển HTX nhờ dựa trên những lợi thế về điều kiện khí hậu, diện tích đất canh tác trên mỗi hộ dân, kể cả nguồn nhân lực. Trên thực tế, cũng có rất nhiều chính sách phát triển HTX nhưng việc tiếp cận và hưởng lợi của các HTX chưa nhiều. Hiện tại, cũng có nhiều HTX còn lúng túng khi xác định các chiến lược phát triển.

“Vấn đề cốt lõi hiện nay là HTX phải tạo ra được sản phẩm hàng hóa, có thương hiệu. Vấn đề nữa là tài chính của HTX phải minh bạch và tin tưởng lẫn nhau giữa các thành viên HTX”- đồng chí Bùi Nghị nhấn mạnh.

Đánh giá về hiệu quả hoạt động của loại hình kinh tế hợp tác nói chung, HTX trên địa bàn Tiền Giang nói riêng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Nghĩa cho rằng, HTX, tổ hợp tác đã được thành lập ở hầu hết các địa phương trong tỉnh, hoạt động trên nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện một số HTX được xem là điển hình không chỉ trên phạm vi của tỉnh, mà còn ngoài tỉnh, như: HTX Quang Minh, HTX Mỹ Tịnh An, HTX Thức ăn chăn nuôi Bình Minh, HTX Chăn nuôi Thủy sản Gò Công, HTX Rạch Gầm…

Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận thực tế rằng, hoạt động của kinh tế hợp tác hiện nay chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế vốn có. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều HTX hoạt động chưa hiệu quả, còn hạn chế về năng lực quản lý điều hành, chưa thật sự năng động.

“Mỗi HTX, thành viên cần chủ động liên kết hợp tác, không ngừng sáng tạo, tìm ra được những lợi thế riêng, tạo ra những sản phẩm hàng hóa mang tính khác biệt, xây dựng mối quan hệ gắn bó chặt chẽ giữa lợi ích HTX cùng đội ngũ quản lý với lợi ích của thành viên. Cán bộ quản lý không chỉ là người làm kinh tế giỏi, mà còn phải có uy tín cao, tập hợp được thành viên và hoạt động vì lợi ích chung”- đồng chí Lê Văn Nghĩa nhấn mạnh…

A.P

.
.
.