Thứ Sáu, 01/03/2019, 21:40 (GMT+7)
.

Mập mờ xuất xứ "made in Viet Nam" để hưởng ưu đãi thuế

Trả lời câu hỏi về tình trạng hàng hóa một số nước vào Việt Nam đội lốt hàng Việt Nam để xuất đi nước thứ 3, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải thừa nhận có xảy ra thực trạng này.
 
Ông cho rằng “bị đội lốt” cũng cho thấy hàng hóa Việt Nam cũng có sản phẩm tốt, có sự cải tiến mẫu mã và chất lượng.
 
“Đúng là có thực trạng hàng hoá ngoại “đội lốt” hàng Việt Nam, không chỉ để xuất khẩu sang nước thứ ba mà để tiêu thụ ngay tại thị trường Việt Nam. Điều này một mặt cũng cho thấy, thời gian vừa qua chất lượng mẫu mã và giá cả hàng hoá Việt Nam đã có bước phát triển tốt, đây là bước đáng mừng cho doanh nghiệp Việt và hàng hoá Việt”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói. 
 
Tuy nhiên, theo Đaị diện Bộ Công Thương có vấn đề cần quan tâm hơn chuyện hàng hoá ngoại “đội lốt” Việt Nam tiêu thụ trong nước.
 
“Đó là việc lấy xuất xứ hàng Việt Nam của một số nước để xuất sang nước thứ ba với mục đích chủ yếu là tận dụng ưu đãi thuế từ các hiệp định FTA của Việt Nam, nhất là khi xảy ra chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh. 
 
Theo ông Hải, đây là vấn đề phải đặc biệt lưu ý. Bởi rất có thể chúng ta sẽ bị các nước sử dụng biện pháp hạn chế, thậm chí cấm hàng hoá Việt Nam vào nước đó, mà không chỉ với một mặt hàng mà có thể với tất cả các hàng hoá của Việt Nam. Trên thực tế trước đây đã có trường hợp của thép, nhôm...
 
“Bộ Công Thương đang phối hợp với các bộ ngành liên quan, Chính quyền địa phương để ngăn hàng hoá “đội lốt” theo hai chiều từ nước ngoài vào Việt Nam và cùng với đó là từ Việt Nam xuất sang nước thứ ba chỉ “hô biến” qua một số công đoạn gia công rất nhỏ, không mang giá trị cao”, Thứ trưởng Bộ Công Thương khẳng định, đồng thời cho biết đây là giải pháp giúp doanh nghiệp Việt xuất khẩu mặt hàng chính thức của mình một cách bền vững.
 
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) thừa nhận, Việt Nam chưa có quy định về tiêu chí để hàng hóa được ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam nên người tiêu dùng trong nước không có căn cứ để phân biệt thế nào là hàng “Made in Viet Nam” và họ đang sử dụng hàng “Made in Viet Nam” trên cơ sở tự nhận biết hoặc tin tưởng vào những nhãn hàng không được kiểm chứng.
 
Cục Xuất nhập khẩu cho biết, việc gian lận ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam không những gây hậu quả trực tiếp đến sản phẩm cụ thể, ảnh hưởng đến người tiêu dùng mà còn có tác động không nhỏ đến ngành hàng trong nước, làm giảm uy tín và tính cạnh tranh của hàng sản xuất tại Việt Nam.
 
Xuất phát từ thực tiễn trong nước và thế giới nêu trên, bộ Công thương cho rằng, việc xây dựng quy định về hàng hóa được ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam là cần thiết nhằm tạo hành lang pháp lý với mục tiêu phòng chống gian lận thương mại về xuất xứ hàng hóa và bảo vệ người tiêu dùng. 
 
Qua trao đổi giữa các cơ quan bộ ngành và một số Hiệp hội ngành hàng, trước mắt, việc ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam nên được áp dụng trên nguyên tắc tự nguyện, tự kê khai.
 
Tuy nhiên, khi cá nhân, tổ chức thực hiện ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam, hàng hóa bắt buộc phải đáp ứng tiêu chí và phải chứng minh việc đáp ứng tiêu chí đó khi được yêu cầu. Trong trường hợp cá nhân, tổ chức ghi công đoạn sản xuất tại Việt Nam thì phải chứng minh được việc hàng hóa trải qua công đoạn sản xuất, gia công có phát sinh giá trị tại Việt Nam.
 
(Theo enternews.vn)
 
.
.
.