Thứ Năm, 28/03/2019, 21:29 (GMT+7)
.

Xúc tiến quảng bá du lịch các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long

Là vùng đất giàu tiềm năng, lợi thế về du lịch, các tỉnh, thành phố ở ĐBSCL đang nỗ lực đẩy mạnh xúc tiến quảng bá du lịch.
 
a
Ký kết hợp tác quảng bá sản phẩm du lịch và trao đổi khách du lịch tại hội nghị. Ảnh: VGP/Nhật Nam
Hội nghị xúc tiến quảng bá du lịch các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) do Hiệp hội Du lịch ĐBSCL tổ chức vừa diễn ra chiều 27/3 tại Hà Nội.
 
Là vùng đất giàu tiềm năng, lợi thế về du lịch, các tỉnh, thành phố ở ĐBSCL đang nỗ lực đẩy mạnh xúc tiến quảng bá du lịch nhằm thu hút khách với mục tiêu đưa du lịch từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tương xứng với tiềm năng là một trong bảy vùng du lịch đặc trưng trên cả nước. 
 
Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL Phạm Thế Triều cho biết, trong 5 năm gần đây, du lịch ĐBSCL tăng trưởng hơn 10%/năm về lượt khách lưu trú và doanh thu. Dịch vụ du lịch, cơ sở lưu trú tăng lên đáng kể, đủ điều kiện phục vụ nhu cầu ngày càng cao của du khách. Các địa phương trong vùng đã đầu tư xây dựng các sản phẩm đặc thù như du lịch sinh thái miệt vườn sông nước, du lịch văn hóa-tâm linh, du lịch biển đảo, du lịch nông nghiệp cộng đồng.
 
Hiện nay, trong vùng cũng đang tập trung phát triển dòng sản phẩm du lịch MICE (loại hình du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện, du lịch khen thưởng của các công ty cho nhân viên, đối tác).
 
Năm 2019, các tỉnh vùng ĐBSCL tiếp tục đẩy mạnh khai thác các dòng khách từ thị trường phía Bắc, thông qua việc tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp du lịch từ Hà Nội. Do đó, tại Hội chợ du lịch quốc tế VITM 2019 đang diễn ra tại Hà Nội có hơn 50 doanh nghiệp du lịch hàng đầu của vùng ĐBSCL cùng với các Trung tâm Xúc tiến Du lịch của 13 tỉnh, thành đã liên kết giới thiệu sản phẩm tại hội chợ.
 
Tại hội nghị, ông Trần Đức Hải, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho hay trong những năm qua, Sở Du lịch Hà Nội và các tỉnh ĐBSCL đã có sự hợp tác xúc tiến quảng bá. Sở đã cùng một số doanh nghiệp du lịch thuộc Câu lạc bộ lữ hành Unesco Hà Nội tổ chức chương trình khảo sát du lịch vùng ĐBSCL, qua đó tạo sản phẩm giới thiệu với du khách Hà Nội. Với đường bay thẳng Hà Nội-Cần Thơ; Hà Nội-Phú Quốc, trong vài năm gần đây, lượng khách từ Hà Nội vào tham quan khu vực này cũng đã tăng lên đáng kể.
 
Theo kế hoạch, trong thời gian tới Sở Du lịch Hà Nội sẽ tiếp tục phối hợp với Hiệp hội Du lịch Hà Nội và câu lạc bộ các doanh nghiệp du lịch tiếp tục tổ chức đoàn khảo sát sản phẩm du lịch ĐBSCL.
 
Ông Nguyễn Hồng Hải, Giám đốc Sở VHTT&DL Hà Giang nhận định rằng ĐBSCL có sản phẩm du lịch rất khác biệt và hấp dẫn đối với du khách các tỉnh Tây Bắc nói chung, Hà Giang nói riêng nhưng việc kết nối quảng bá, phát triển dịch vụ giữa hai vùng còn rất hạn chế. Vì vậy, trong thời gian tới hai vùng cần đẩy mạnh việc hợp tác quảng bá sản phẩm du lịch và trao đổi khách du lịch.
 
Theo một số doanh nghiệp lữ hành, mặc dù các tỉnh ĐBSCL đã nỗ lực tạo ra các sản phẩm du lịch đặc thù nhưng vẫn không tránh khỏi sự trùng lặp bởi có sự tương đồng về thời tiết, khí hậu, thổ nhưỡng, thậm chí là văn hóa.
 
Do đó, muốn phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù của từng địa phương cần được đặt trong bối cảnh liên kết vùng để xây dựng sản phẩm du lịch cho cả vùng, tiểu vùng. Điều này sẽ giúp cho mỗi địa phương nghiên cứu, chọn lựa để tập trung tạo ra sản phẩm du lịch gắn với “giá trị văn hóa” riêng biệt.
 
(Theo chinhphu.vn)
 
.
.
.