Thứ Sáu, 31/05/2019, 16:44 (GMT+7)
.
Nguồn lực lao động - Thay đổi và thích ứng

Bài cuối: Không ngừng nâng cao chất lượng lao động

Trước thực trạng chất lượng nguồn lực lao động của Tiền Giang và những vấn đề đặt ra đối với người lao động, Công đoàn (CĐ) trong chặng đường mới, nhất là khi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực và công nghiệp 4.0, Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Trương Văn Hiền đánh giá:

Đồng chí Trương Văn Hiền tham quan khu nhà mẫu nằm trong Dự án đầu tư xây dựng các  thiết chế CĐ đang được xây dựng tại Tiền Giang.
Đồng chí Trương Văn Hiền tham quan khu nhà mẫu nằm trong Dự án đầu tư xây dựng các thiết chế CĐ đang được xây dựng tại Tiền Giang.

CPTPP có tác động đối với người lao động, CĐ trên một số yếu tố. Chẳng hạn, đối với người lao động sẽ chịu tác động về lao động, việc làm, tiền lương hay sự chuyển dịch lao động. Lao động sẽ đối mặt với thách thức lớn khi cạnh tranh trong CPTPP vì nguồn nhân lực của Việt Nam khá dồi dào nhưng chất lượng thấp, lực lượng lao động kỹ thuật cao còn hạn chế, chưa theo kịp với yêu cầu chất lượng chung của khu vực và quốc tế.

Gia nhập CPTPP sẽ dẫn đến cạnh tranh giữa các ngành, lĩnh vực, các doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước; trong khi đó khả năng cạnh tranh của các DN trong nước còn hạn chế, có thể dẫn đến tái cơ cấu DN, giảm bớt lao động, một bộ phận lao động sẽ mất việc làm, nhất là một số ngành sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày, thủy sản…

Tăng cường kết nối giữa đào tạo và thị trường lao động

Theo Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Trần Văn Lâm, để hỗ trợ lao động tỉnh thích ứng được với công việc trong xu thế hội nhập và cách mạng công nghiệp 4.0 thì cần tập trung vào những giải pháp cơ bản như:

Đổi mới hoạt động giáo dục nghề nghiệp; chuyển chương trình dạy nghề từ chủ yếu trang bị kiến thức sang mục tiêu phát triển kỹ năng và năng lực hành nghề cho người học; đa dạng hóa nội dung dạy nghề theo hướng tích hợp kiến thức, kỹ năng, thái độ, hình thành năng lực nghề nghiệp cho người học.

Tăng cường gắn kết giữa đào tạo với thị trường lao động và sự tham gia của DN, phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động. Đẩy mạnh công tác dự báo thị trường lao động; thông tin, tuyên truyền phổ biến cung cấp thông tin thị trường lao động, các chính sách, cơ hội việc làm cho người lao động.

Bên cạnh đó, cần tăng cường các hoạt động giao dịch việc làm, vận hành sàn giao dịch việc làm để trở thành điểm đến quen thuộc hỗ trợ người lao động trong tìm kiếm việc làm.

Các DN cần có chính sách hỗ trợ về nhà ở, chế độ phúc lợi, điều kiện, môi trường làm việc, tiền lương để người lao động an tâm, gắn bó, giảm tình trạng nhảy việc. Ngoài ra, lao động có chuyên môn cần được hỗ trợ về đào tạo ngoại ngữ, ứng dụng công nghệ thông tin trong công việc, bồi dưỡng nghiệp vụ, để nâng cao kỹ năng, chuyên môn để thích ứng tốt hơn…

Chưa kể, khi CPTPP được thực hiện có thể dẫn đến nguy cơ tăng khoảng cách thu nhập trong đội ngũ công nhân, tăng khoảng cách giàu nghèo giữa các nhóm lao động có trình độ cao và nhóm lao động có trình độ thấp.

Những DN gặp khó khăn do cạnh tranh có thể sẽ cắt giảm lao động, cắt giảm tiền lương và phúc lợi. Bên cạnh đó, với làn sóng đầu tư mạnh mẽ vào Việt Nam khi CPTPP được thực hiện, sự di chuyển lao động từ khu vực nông thôn ra thành thị sẽ lớn hơn, gây áp lực lớn về giải quyết việc làm, đầu tư cơ sở hạ tầng và các vấn đề xã hội khác đối với khu vực thành thị.

Ngoài ra, sự phát triển, chiếm lĩnh của các tập đoàn lớn, công ty xuyên quốc gia dẫn tới việc thiết lập quan hệ lao động có nhiều cách thức mới, việc bảo vệ người lao động trở nên phức tạp hơn do phải qua nhiều khâu trung gian như công ty mẹ, công ty con, thuê người quản lý, điều hành…

Đối với tổ chức CĐ, số lượng đoàn viên và CĐ cơ sở có nguy cơ tăng chậm so với giai đoạn trước, một số địa bàn có nguy cơ giảm sút do có sự cạnh tranh CĐ. Các nhân tố theo đuổi mục tiêu thành lập tổ chức đại diện người lao động nằm ngoài hệ thống CĐ Việt Nam và những đối tượng không thiện chí, phản động đang quan tâm, tìm đủ cách lợi dụng, tạo cớ, bôi nhọ, nói xấu, hạ thấp vai trò và phá hoại tổ chức CĐ Việt Nam để “dọn đường” cho việc ra đời tổ chức đại diện người lao động, nhằm thu hút và phát triển đoàn viên.

Tổ chức CĐ Việt Nam với tư cách là một đoàn thể chính trị, vừa làm nhiệm vụ đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, vừa làm nhiệm vụ một đoàn thể chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, thì tổ chức đại diện người lao động ngoài hệ thống CĐ Việt Nam chỉ tập trung làm nhiệm vụ là đại diện, chăm lo, bảo vệ người lao động.

Ngoài ra, tổ chức mới thành lập có khả năng thu hút lực lượng cán bộ trẻ, năng động, được đào tạo bài bản, nhiều trường hợp có sự hỗ trợ, tài trợ của các tổ chức trong và ngoài nước. Do đó, tổ chức này có điều kiện tập trung, phát huy nguồn lực, triển khai các hoạt động trọng tâm, trọng điểm, mang lại lợi ích thiết thân giúp người lao động dễ nhìn thấy, tin tưởng và tham gia. Cùng với các hoạt động chống phá và cạnh tranh CĐ, vai trò, vị trí, vị thế của tổ chức CĐ Việt Nam có thể bị ảnh hưởng.

Ngoài ra, theo dự báo khả năng tình hình quan hệ lao động diễn biến phức tạp hơn, cạnh tranh CĐ có nơi diễn ra gay gắt; một bộ phận người lao động có thể bị lôi kéo tham gia gây mất ổn định chính trị hoặc gây khó khăn cho hoạt động của DN. Chưa kể, nguồn lực đảm bảo cho hoạt động của CĐ Việt Nam có nguy cơ bị giảm sút, nguồn thu tài chính của các cấp CĐ thuộc Tổng LĐLĐ có thể bị giảm mạnh.

* Phóng viên (PV): Còn tác động của công nghiệp 4.0 đối với người lao động Việt Nam nói chung và trên địa bàn tỉnh nói riêng như thế nào, thưa đồng chí?

* Đồng chí Trương Văn Hiền: Công nghiệp 4.0 sẽ tác động tích cực và tiêu cực đối với người lao động Việt Nam nói chung và trên địa bàn tỉnh nói riêng. Theo đó, công nghiệp 4.0 sẽ giúp tăng năng suất lao động nhờ ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, từ đó góp phần tăng mức thu nhập, nâng cao đời sống cho người lao động; điều kiện việc làm, chất lượng cuộc sống của người lao động sẽ được cải thiện nhờ những sản phẩm giải trí và dịch vụ mới; mở cửa thị trường lao động thông qua việc cắt giảm chi phí đi lại, vận chuyển và tạo ra những việc làm mới.

Tuy nhiên, công nghiệp 4.0 cũng được dự báo sẽ có tác động tiêu cực, chẳng hạn như: Tác động đến số lượng, chất lượng việc làm thông qua sự thay thế sức lao động bằng máy móc, robot, trí tuệ nhân tạo và ứng dụng công nghệ thông tin đối với một số ngành, nghề đang diễn ra nhanh chóng thâm nhập nơi làm việc trên thị trường lao động Việt Nam; tác động đến chất lượng nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Việt Nam nói chung và Tiền Giang nói riêng thiếu một đội ngũ chuyên gia giỏi, với tri thức và công nghệ cao có thể đáp ứng các yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Với nền tảng công nghệ số, tích hợp tất cả các thông tin về công nghệ, quy trình, phương thức sản xuất, nhu cầu về ngành, nghề, kỹ năng… và nhất là khả năng kết nối, chia sẻ trên toàn thế giới thông qua các thiết bị công nghệ… sẽ làm thay đổi cách thức kết nối giữa cung và cầu trên thị trường lao động.

Các nước trong khu vực đã có những chiến lược, chính sách, kế hoạch hành động trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0. Nếu Việt Nam không có những bước đi chính xác, cụ thể thì nguy cơ bị tụt hậu là điều rất dễ xảy ra. Chưa kể, công nghiệp 4.0 sẽ tác động lớn đến công tác phân tích, dự báo thông tin thị trường lao động. Ngoài ra, việc xuất hiện nhiều loại hình, hình thức lao động mới (bán hàng qua mạng, xe Grab, lao động thuê lại, lao động theo giờ…) đặt ra những thách thức mới trong thu hút, tập hợp, chăm lo, bảo vệ người lao động của tổ chức CĐ.

* PV: Trước thực tế như thế, LĐLĐ tỉnh thực hiện giải pháp gì để hỗ trợ người lao động và CĐ các cấp trước bối cảnh CPTPP và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0?

* Đồng chí Trương Văn Hiền: Để hỗ trợ người lao động và các cấp CĐ thích ứng với xu thế mới, LĐLĐ tỉnh sẽ thực hiện một số giải pháp: Tập trung tuyên truyền về nội dung, thời cơ và thách thức của CPTPP, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đối với CĐ Việt Nam đến cán bộ CĐ, đoàn viên và người lao động; đổi mới mạnh mẽ nội dung và phương thức, ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động CĐ, để CĐ Việt Nam thực sự là tổ chức của người lao động, do người lao động, vì người lao động; tập trung phát triển đoàn viên và thành lập CĐ cơ sở ở những nơi đủ điều kiện; xây dựng, củng cố, nâng cao chất lượng và phát triển đội ngũ cán bộ CĐ các cấp, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ CĐ đủ về số lượng, mạnh về chất lượng đáp ứng yêu cầu hoạt động trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0.

Ngoài ra, LĐLĐ tỉnh sẽ tập trung hỗ trợ nâng cao chất lượng đội ngũ công nhân, lao động từng bước đáp ứng yêu cầu của cách mạng công nghiệp 4.0 như phối hợp, vận động người sử dụng lao động đào tạo, đào tạo lại đội ngũ công nhân, lao động tại DN; vận động người lao động tự học tập nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng sống; phối hợp các ngành chức năng, lãnh đạo địa phương, các trường cao đẳng, trung cấp có chính sách hỗ trợ miễm, giảm học phí cho công nhân, lao động khi tham gia các lớp học. Đồng thời, LĐLĐ tỉnh sẽ kiến nghị với Đảng ban hành Nghị quyết về đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động CĐ Việt Nam; kiến nghị với Nhà nước về việc sửa đổi pháp luật có liên quan phù hợp khi Việt Nam thực thi CPTPP…

* PV: Xin cảm ơn đồng chí!

ANH PHƯƠNG (thực hiện)

.
.
.