Thứ Sáu, 21/06/2019, 14:00 (GMT+7)
.

Chuyện khởi nghiệp của hai người phụ nữ

(ABO) Sau hơn một năm thực hiện Ðề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025” của Thủ tướng Chính phủ  (Ðề án 939), các cấp Hội phụ nữ đã chủ động, sáng tạo triển khai những mô hình, việc làm phù hợp điều kiện từng địa phương, giúp đỡ hội viên, phụ nữ tự tin, mạnh dạn phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu. 

* CÔ NGUYỄN THỊ THU GIANGKhởi nghiệp từ niềm đam mê làm bánh

Ở độ tuổi gần 60, khi phần lớn người đã yên tâm an dưỡng sức khỏe thì cô Nguyễn Thị Thu Giang vẫn cần mẫn với mô hình khởi nghiệp của mình bên những chiếc bánh bông lan ngon rẻ.

Cơ sở sản xuất bánh bông lan Giang Sơn ở phường 4, TX. Gò Công. Chia sẻ về cái duyên đến với việc làm bánh, cô Giang chia sẻ: “Từ trẻ tôi đã có niềm đam mê với nấu nướng. Nghề làm bánh bông lan này vốn dĩ là nghề truyền thống của gia đình”. Vì thế, sau khi tiếp quản công việc cô Giang cũng làm theo lối sản xuất từ trước. Tuy nhiên, qua tham gia lớp tập huấn khởi nghiệp do Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh tổ chức, cô Giang đã mạnh dạn cải tiến quy trình sản xuất bánh bông lan, về mẫu mã sản phẩm cũng như tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm. Chính vì vậy, bánh bông lan của cô làm ra luôn được khách hàng tin dùng và các tiểu thương ủng hộ đặt bánh với số lượng ngày càng nhiều.

Cô Nguyễn thị Thu Gang
Cô Nguyễn thị Thu Gang.

Bên cạnh đó, cô Giang còn được Hội LHPN thị xã hỗ trợ vốn vay thông qua nhiều nguồn vốn khác nhau được 21 triệu đồng. Cô mạnh dạn mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư thêm 1 lò nướng bánh bằng điện, máy đánh trứng và khuôn bánh...

Hiện cơ sở bánh bông lan của cô Giang cũng đã giải quyết lao động cho gần 10 chị em trên địa bàn. Cũng chính nhờ tham dự lớp khởi nghiệp, mà cô Giang đã mạnh dạn sản xuất thêm các loại bánh bông lan mới như: Bánh bông lan kem, bánh bông lan nướng lạp xưởng, chà bông; bánh tàng ong phục vụ bỏ mối cho tiểu thương các tiệm tạp hóa và các chợ tại TX. Gò Công và các huyện lân cận.Trung bình mỗi ngày, cơ sở của cô cung cấp cho thị trường từ 400 đến 500 bánh các loại.

* CHỊ NGUYỄN THỊ NGỌC DIỆPVà mô hình trồng rau thủy canh trong nhà kính

Đồng ý tưởng khởi nghiệp từ mô hình sản xuất sạch, song chị Nguyễn Thị Ngọc Diệp, ở ấp Bình Tạo, xã Trung An, TP. Mỹ Tho lại chọn khởi nghiệp từ mô hình trồng rau thủy canh trong nhà kính.

Chị Diệp chia sẻ: “Khi mới cưới, vợ chồng chị lập nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh. Thế nhưng, khi các con lần lượt ra đời, cuộc sống gia đình chị gặp không ít khó khăn. Rồi vốn dĩ đã ấp ủ ý tưởng trồng rau sạch từ rất lâu nên chồng chị tranh thủ thời gian tìm tòi, học hỏi, nghiên cứu kinh nghiệm từ sách báo và đi thực tế tại các nhà vườn ở TP. Đà Lạt, vợ chồng chị quyết định về quê và khởi nghiệp từ mô hình trồng rau thủy canh trong nhà kính”.

Ban đầu, vợ chồng chị đã đầu tư khoảng 400 triệu đồng để xây dựng hệ thống nhà lưới; các trang thiết bị trồng rau theo phương pháp thủy canh hồi lưu, với diện tích trồng rau 350 m2.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Diệp
Chị Nguyễn Thị Ngọc Diệp.

Áp dụng theo phương pháp xuống giống xen kẽ, ngày nào vườn rau thủy canh của chị Diệp cũng có rau sạch cung ứng cho thị trường, trung bình mỗi ngày cung ứng ra thị trường khoảng 20 đến 30 kg rau, với giá bán dao động từ 45.000 đồng đến 50.000 đồng/kg tùy theo mỗi loại rau.

Các loại rau ở đây đều được trồng theo quy trình khép kín: Từ khi gieo hạt đến thu hoạch đều được kiểm soát tự động. Vì thế, vườn rau không có sâu bệnh gây hại và vợ chồng chị Diệp cũng không bao giờ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hay thuốc tăng tưởng cho cây rau.

Qua hơn 1 năm khởi nghiệp, hiện tại vườn rau sạch của Diệp phát triển ổn định, song chị Diệp vẫn còn đang vướng phải một số khó khăn nhất định, đó là đầu ra sản phẩm. Do đó, Hội LHPN tỉnh đang hỗ trợ kết nối đầu ra sản phẩm cho vườn rau sạch của chị Diệp; đồng thời, các loại rau sạch của chị cũng đang được trưng bán tại Phòng trưng bày của Hội LHPN tỉnh.

P. MAI

.
.
.