Thứ Hai, 03/06/2019, 18:14 (GMT+7)
.

Kỷ luật Chủ tịch UBND xã nếu để người dân bán chạy heo bệnh

(ABO) Ngày 3-6, lãnh đạo Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Tiền Giang, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có buổi làm việc với lãnh đạo các huyện, thị và kiểm tra công tác phòng, chống dịch tả heo châu Phi ở các địa phương này.
 
* Tại huyện Cái Bè:
 
Theo báo cáo của UBND huyện Cái Bè, đến thời điểm hiện tại, địa phương đã xác minh 5 trường hợp heo bệnh ở 4 xã: Mỹ Trung, Mỹ Đức Đông, Hậu Mỹ Trinh, Thiện Trí, Thiện Trung. 
 
Hiện UBND các xã trên đã tiêu hủy 12 con heo, với tổng trọng lượng 972 kg. Trước đó, một số hộ có heo chết đã tự ý tiêu hủy và bán ra bên ngoài. 
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn đã yêu cầu địa phương có trách nhiệm trong việc kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển heo qua địa bàn huyện cả chiều ra và chiều vào; đặc biệt, huyện Cái Bè có hệ thống sông nước, nên kiểm soát chặt về đường thủy. 
 
Song song đó, Ban Chỉ đạo phòng - chống dịch tả heo châu Phi (gọi tắt là Ban Chỉ đạo) huyện Cái Bè cần phòng, chống lây lan dịch bệnh này sang các xã còn lại, không để người dân tự ý “bán chạy” heo bệnh dẫn đến lây lan mầm bệnh. Đồng thời, kiểm soát nghiêm các điểm giết mổ lớn, nhỏ, nhất là các hộ gia đình tự ý giết mổ để bán lẻ; kiểm soát chặt chẽ việc bán thịt heo ở chợ, cương quyết xử lý, không để thịt heo bệnh bán ở chợ. Ban Chỉ đạo huyện giám sát chặt, tăng cường tiêu độc sát trùng các hộ có heo bệnh, cố gắng giữ số heo còn lại không để phát tán dịch.
 
Đồng chí Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh, xã nào có tình trạng “bán chạy” heo bệnh dù chỉ 1 con heo thì Chủ tịch UBND xã đó sẽ bị kỷ luật. Do vậy, đồng chí đề nghị các xã mời các hộ chăn nuôi heo trên địa bàn phổ biến thông tin về dịch tả heo châu Phi để người dân cảnh giác, chủ động phòng, chống cho đàn heo, hộ dân nào cố tình vi phạm thì xã lập biên bản xử lý, hộ nào không khai báo đúng sẽ không được nhận các chế độ hỗ trợ…
 
* Tại huyện Tân Phước:
   
Theo Chủ tịch UBND huyện Tân Phước Nguyễn Thanh Quí, toàn huyện có 11 cơ sở chăn nuôi tập trung và 205 hộ chăn nuôi heo với tổng đàn là 20.247 con. Để phòng, chống dịch tả heo châu Phi, huyện đã thành lập 2 chốt kiểm dịch trên đường tỉnh 866 (đoạn qua xã Phú Mỹ) và đường tỉnh 867 (đoạn qua xã Thạnh Mỹ). Đến thời điểm hiện tại, chốt kiểm dịch tại xã Phú Mỹ không có trường hợp xe vận chuyển heo qua chốt; chốt kiểm dịch xã Thạnh Mỹ có 1 trường hợp xe vận chuyển heo qua chốt từ tỉnh Long An về huyện Chợ Gạo để giết mổ (có đầy đủ giấy tờ theo quy định). 
Đến thời điểm này, huyện Tân Phước chưa xảy ra tình trạng heo chết do dịch tả heo châu Phi. Trong chiều 3-6, UBND các xã, thị trấn thuộc huyện Tân Phước sẽ tiến hành mời tất cả các hộ chăn nuôi trên địa bàn để tuyên truyền, giúp người dân kiểm soát tốt đàn heo của gia đình. Bên cạnh đó, các xã cũng đã thành lập các đội xung kích, chuẩn bị nhiều vật dụng để xử lý kịp thời nếu xảy ra dịch.
 
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Văn Nghĩa yêu cầu lãnh đạo các xã cố gắng đến từng nhà dân để nắm bắt tâm tư và lắng nghe kiến nghị, ý kiến của người dân. Khi phát hiện xác heo chết vứt dưới kinh, rạch phải tiến hành trục vớt và cho lực lượng xác minh nguồn gốc; quản lý tốt việc buôn bán thịt heo ngoài các chợ. Các cấp chính quyền phải coi công tác phòng, chống dịch tả heo châu Phi là nhiệm vụ quan trọng…
 
* Huyện Cai Lậy:
    
Tại huyện Cai Lậy, Phó Chủ tịch UBND huyện Cai Lậy Lê Văn Cẩm cho biết, đến thời điểm này, công tác chuẩn bị ứng phó với dịch tả heo châu Phi đã hoàn tất. Huyện cũng đã xây dựng các phương án ứng phó khi chưa có dịch và khi xảy ra dịch. Công tác tuyên truyền, tập huấn, tiêu độc khử trùng cũng được thực hiện thường xuyên…
    
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Mẫn cho biết, tình hình dịch tả heo châu Phi đang rất phức tạp. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện 6 ổ dịch (5 ổ ở huyện Cái Bè và 1 ổ ở TX. Cai Lậy). Kiểm tra trong những ngày qua, một bộ phận không nhỏ cán bộ và người chăn nuôi chưa nhận thức đúng về mức độ nguy hiểm của dịch tả heo châu Phi. Khi xảy ra dịch, công tác xử lý còn bị động, lúng túng. Việc ra vào các ổ dịch cũng chưa được địa phương quan tâm. Vì vậy, địa phương phải đẩy mạnh tuyên truyền để người dân tự bảo vệ đàn heo của mình trong lúc này. Nếu người dân bán chạy heo bệnh thì làm dịch bệnh lây lan rất nhanh.  
Phát biểu tại cuộc họp, Bí thư Huyện ủy Cai Lậy Nguyễn Thị Hồng Tuyến đã nói: Mặc dù địa phương đã chỉ đạo rất quyết liệt, công tác chuẩn bị ứng phó với dịch được triển khai từ khá sớm, nhưng cán bộ huyện, xã vẫn còn chủ quan. Đến sáng 2-6, phương tiện phục vụ cho công tác chống dịch còn chưa mua đủ; công tác tuyên truyền chưa được quan tâm, khiến cho người chăn nuôi không nắm bắt được hết mức độ nguy hiểm của loại bệnh này. Đến thời điểm này, huyện chưa ghi nhận ổ dịch nào nhưng chưa chắc là không có.
    
Bí thư Huyện ủy Cai Lậy Nguyễn Thị Hồng Tuyến chỉ đạo ngay hôm nay, Ban Chỉ đạo huyện và các xã phải trực 24/24. Lãnh đạo huyện sẽ kiểm tra trực bất cứ lúc nào. Ngành Công an và Quân đội sẵn sàng để khi cần thiết là trưng dụng ngay. 
Đối với công tác xử lý ổ dịch, Bí thư Huyện ủy yêu cầu hạn chế tối đa việc mang heo ra khỏi vùng dịch. Nếu hộ chăn nuôi không có đất để xử lý heo bệnh thì chỉ mang heo bệnh từ ấp này sang ấp cạnh bên để xử lý, không mang heo đi xa.
 
Bí thư Huyện ủy Cai Lậy Nguyễn Thị Hồng Tuyến cũng nhận khuyết điểm trước lãnh đạo tỉnh trong công tác chỉ đạo, điều hành việc phòng, chống dịch tả heo châu Phi. Trong thời gian tới, công tác chỉ đạo và điều hành sẽ được triển khai nghiêm ngặt hơn.
 
Kết luận tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn yêu cầu lãnh đạo huyện, các xã và thị trấn thuộc huyện Cai Lậy phải kiểm tra chặt chẽ việc xuất - nhập heo vào địa bàn; việc chống dịch phải chặt chẽ nhưng nguồn heo “sạch”, có dấu kiểm dịch vẫn tạo điều kiện cho dân tiêu thụ; kiểm soát và xử lý việc giết mổ lậu, kể cả giết mổ 1 - 2 con heo tại hộ gia đình. Vấn đề này, địa phương cần quản lý chặt, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Tại các chợ, nguồn thịt heo không rõ nguồn gốc phải được xử lý đến nơi đến chốn, truy ra nguồn gốc của nguồn thịt này. Những trường hợp bán chạy heo bệnh, bán heo bệnh tại các chợ phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. 
Đồng chí Phạm Anh Tuấn cũng lưu ý: Địa phương nào để người dân bán chạy heo bệnh thì Chủ tịch UBND địa phương đó phải chịu kỷ luật của Chủ tịch UBND tỉnh. Người dân không khai báo heo bệnh để ngành chức năng phát hiện thì không được hỗ trợ, thậm chí hộ dân đó sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
 
Đồng chí cũng yêu cầu huyện Cai Lậy phải chuẩn bị đầy đủ vật tư, phương tiện, công cụ để sẵn sàng chống dịch; đề nghị Huyện ủy chỉ đạo quyết liệt các phòng, ban và các địa phương nâng cao tinh thần chống dịch, trực 24/24…
V. THẢO - M. THÀNH - S. NGUYÊN
 
.
.
.