Thứ Hai, 01/07/2019, 20:25 (GMT+7)
.

Bài 2: Tận dụng dư địa cải cách

Bài 1: Tạo đà cho doanh nghiệp

Mở rộng và tận dụng dư địa cải cách để đưa Tiền Giang tiến xa, tiến nhanh là bước đi quan trọng đã và đang được lãnh đạo tỉnh triển khai thực hiện. Chính vì thế, hình ảnh Tiền Giang cũng được nhìn nhận qua góc nhìn tươi mới hơn.

Tận dụng dư địa cải cách để thay đổi hình ảnh Tiền Giang.
Tận dụng dư địa cải cách để thay đổi hình ảnh Tiền Giang.

1. Nhìn vào thực tiễn với những bước đi mới đã tạo nên những điểm nhấn quan trọng cho thấy, cố gắng cải thiện hình ảnh của Tiền Giang là không nhỏ.

Nỗ lực trước tiên có lẽ bắt đầu từ sự quyết tâm cải thiện 2 chỉ số quan trọng là Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI). Dấu ấn rõ nét nhất là lãnh đạo tỉnh đang quyết tâm mang sự hài lòng đến cho người dân, đặc biệt là thông qua cải thiện Chỉ số PAPI.

Đây cũng là một trong những nội dung quan trọng góp phần thực hiện chủ trương xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp (DN) đang được Chính phủ triển khai thực hiện.

Tinh thần chung của tỉnh là thay đổi thực chất trong chất lượng quản trị và hành chính công ở các địa phương theo đánh giá từ phía người dân nói chung, trước mắt là thông qua việc thực hiện các thủ tục hành chính, vấn đề công khai, minh bạch các chủ trương, chính sách gắn liền với lợi ích, đời sống của người dân.

Lãnh đạo tỉnh luôn xác định rằng, cải thiện Chỉ số PCI không chỉ là khuyến nghị của cộng đồng DN, mà còn là yêu cầu cải cách của Chính phủ đối với các địa phương; đồng thời, cũng là trách nhiệm của Tiền Giang đối với sự phát triển bền vững.

Nếu như trong chặng đường nỗ lực vừa qua Chỉ số PCI của Tiền Giang có phần chuyển động theo hướng tích cực và dần đạt được mục tiêu đề ra thì cải thiện Chỉ số PAPI của Tiền Giang cũng đang bước vào một chặng đường mới.

Với việc tổ chức gặp gỡ người dân trên tất cả các xã, phường, thị trấn của lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành đã tạo nên dấu ấn mới mẻ hơn. Dù chưa đo lường hết những hiệu ứng mang tính tích cực mang lại sau các cuộc gặp gỡ người dân của lãnh đạo tỉnh, song điều này cũng cho thấy sự nỗ lực của tỉnh trong lãnh đạo, điều hành.

 

Năm 2018, Tiền Giang vươn lên dẫn đầu Cụm thi đua 12 tỉnh Tây Nam bộ. Tổng sản phẩm địa bàn (GRDP, theo giá so sánh năm 2010) năm 2018 tăng 7,24%, GRDP bình quân đầu người đạt 46,9 triệu đồng, cơ cấu kinh tế chuyển động theo hướng tích cực và hài hòa giữa 3 khu vực; kim ngạch xuất khẩu đạt 2,8 tỷ USD; thu ngân sách tăng hơn 1.400 tỷ đồng so với năm 2017, tương đương tăng 19,9%; tổng vốn đầu tư xã hội đạt gần 32.000 tỷ đồng; thu hút được 28 dự án đầu tư, tăng 12 dự án so với cùng kỳ, với tổng vốn đăng ký hơn 8.257 tỷ đồng, gấp 3,9 lần so với cùng kỳ và có 14 dự án đăng ký tăng vốn, tăng 7 dự án, với số vốn tăng thêm đạt hơn 3.565 tỷ đồng; tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 3,41%...

Năm 2019, Tiền Giang đặt ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 7% - 7,5%; GRDP bình quân đầu người đạt từ 51,8 - 52 triệu đồng; số lượng DN thành lập mới đạt từ 750 - 800 DN... Để đạt các chỉ tiêu đề ra, tỉnh sẽ tập trung vào một số nội dung quan trọng như: Nghiên cứu lập Quy hoạch tỉnh Tiền Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 theo hướng tích hợp của Luật Quy hoạch nhằm khai thác hơn nữa tiềm năng, lợi thế của tỉnh; tiếp tục đẩy mạnh công tác phát triển DN, hợp tác xã; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giải quyết nhanh chóng các thủ tục đầu tư, đất đai, môi trường; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hiệu quả quản trị và hành chính công...
 

Trước đó, trong tháng 8-2018, UBND tỉnh đã tổ chức Hội thảo Nâng cao Chỉ số PAPI tỉnh Tiền Giang. Hội thảo đã tập trung phân tích, đánh giá nhiều nội dung quan trọng như: Xu thế biến đổi qua thời gian (giai đoạn 2011 - 2017) theo lĩnh vực nội dung của Tiền Giang; bước tiến và bước lùi trong hiệu quả huy động sự tham gia của người dân cấp cơ sở; bước tiến và bước lùi trong việc thực hiện công khai, minh bạch ở địa phương; trong việc thực hiện trách nhiệm giải trình với người dân; trong kiểm soát tham nhũng…

Cuối cùng, điều chờ đợi nhất sau những động thái của lãnh đạo tỉnh có lẽ vẫn là sự hài lòng của người dân.

2. Nếu nhìn nhận một cách tổng thể hơn, từ đầu năm 2019 đến nay, với sự tập trung lãnh đạo của Tỉnh ủy, chỉ đạo điều hành toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm của UBND tỉnh, tỉnh đã nghiêm túc triển khai thực hiện Chỉ thị 01 ngày 1-1-2019 và Kế hoạch hành động 21 ngày 18-1-2019 của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện Nghị quyết 01 ngày 1-1-2019 của Chính phủ và các nghị quyết của HĐND tỉnh về nhiệm vụ giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019; Kế hoạch 58 ngày 8-3-2019 của UBND tỉnh triển khai thực hiện Nghị quyết 02 ngày 1-1-2019 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

Để đạt được mục tiêu đề ra, tỉnh cũng triển khai thực hiện nhiều giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong phát triển công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, phát triển đô thị, thương mại, du lịch, phát triển doanh nghiệp, thu hút đầu tư, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội…; tiếp tục tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thay đổi mạnh mẽ phương pháp làm việc, điều hành của các ngành, các cấp; tăng cường hỗ trợ phát triển DN, khởi nghiệp, đối thoại DN; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh...

Nhờ những động thái quyết liệt của lãnh đạo tỉnh, so với cùng kỳ, tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2019 của tỉnh tiếp tục đạt được những kết quả tích cực về tăng trưởng kinh tế, sản xuất công nghiệp, đầu tư, thu ngân sách trên địa bàn, phát triển DN, lượng khách du lịch, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ, lĩnh vực an sinh xã hội tiếp tục được đảm bảo, tình hình phạm tội về trật tự xã hội giảm, tai nạn giao thông đường bộ giảm mạnh trên cả 3 mặt…

Hình ảnh Tiền Giang cũng dần thay đổi thông qua các hoạt động quảng bá du lịch. Bởi theo đánh giá chung, hoạt động du lịch tiếp tục phát triển trên cả 3 mặt: Cơ sở hạ tầng; điểm, tour, tuyến du lịch và lượng khách du lịch. Các đơn vị kinh doanh du lịch thuộc các thành phần kinh tế phát triển nhanh về số lượng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch. Các chương trình tour được thiết kế đa dạng, đã cơ bản đáp ứng nhu cầu tham quan của du khách.

Các khu, điểm du lịch được cải tạo, nâng cấp và đầu tư xây dựng thêm. Các khu di tích lịch sử - văn hóa đã được đầu tư, tôn tạo gắn phát triển du lịch. Ngoài ra, ngành Du lịch cũng tập trung khai thác thế mạnh về du lịch sinh thái, sông nước miệt vườn, du lịch văn hóa, tạo được điểm đến hấp dẫn khách du lịch quốc tế và trong nước, góp phần gia tăng khách du lịch đến Tiền Giang... Theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2019, Tiền Giang đón 1,2 triệu lượt khách du lịch, đạt hơn 57% kế hoạch.

A.P

.
.
.