Thứ Ba, 24/09/2019, 10:15 (GMT+7)
.

Phát triển bền vững cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu

Hiện nay, vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang gặp rất nhiều thách thức do tác động biến đổi khí hậu (BĐKH) như xâm nhập mặn, thiếu phù sa, sạt lở đất… gây thiệt hại đến sản xuất lúa và cây ăn trái của vùng. Do đó, để có các giải pháp ứng phó với BĐKH cho cây lúa và cây ăn trái vùng ĐBSCL, ngày 21-9, tại Tiền Giang, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp UBND tỉnh tổ chức Hội thảo chuyên đề: “Các giải pháp kinh tế, kỹ thuật để phát triển bền vững cây ăn trái và lúa thích ứng với BĐKH vùng ĐBSCL” (gọi tắt là Hội thảo).

ĐBSCL đang rất cần những giải pháp phát triển bền vững cây lúa thích ứng với BĐKH.		Ảnh: H. NGHỊ
ĐBSCL đang rất cần những giải pháp phát triển bền vững cây lúa thích ứng với BĐKH. Ảnh: H. NGHỊ

Hội thảo có sự tham dự của Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Xuân Định; lãnh đạo các sở, ngành, các chuyên gia, nhà khoa học, nông dân, trang trại, hợp tác xã trong và ngoài tỉnh. Hội thảo không chỉ nhận diện những tác động của BĐKH đối với đời sống người dân, sản xuất nông nghiệp, trong đó có sản xuất lúa và cây ăn trái, mà còn thảo luận, bàn bạc đưa ra nhiều giải pháp phát triển cây trồng thích ứng với BĐKH. 

Người trồng cây ăn trái ở vùng ĐBSCL đang rất cần những giải pháp phát triển bền vững cây trồng thích ứng với BĐKH. 		              Ảnh: H. NGHỊ
Người trồng cây ăn trái ở vùng ĐBSCL đang rất cần những giải pháp phát triển bền vững cây trồng thích ứng với BĐKH. Ảnh: H. NGHỊ

NHỮNG TÁC ĐỘNG CỦA BĐKH

Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Nguyễn Xuân Định cho biết, vùng ĐBSCL có dân số 17,8 triệu người, diện tích trên 4 triệu ha, trong đó có trên 2,4 triệu ha đất canh tác nông nghiệp và gần 811 ngàn ha đất nuôi trồng thủy sản. Vùng ĐBSCL được xem là vựa lúa lớn nhất của Việt Nam, cung cấp hơn 50% sản lượng gạo (trong đó đóng góp 90% lượng gạo xuất khẩu); đồng thời, cung cấp hơn 70% lượng thủy sản và hơn 36% lượng trái cây cho cả nước. Tuy nhiên, vùng ĐBSCL hiện đang gặp thách thức rất lớn do tác động của BĐKH.

Theo dự báo, vùng ĐBSCL là một trong 3 vùng đồng bằng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất về BĐKH trên toàn thế giới. Bên cạnh đó, tình trạng được mùa rớt giá, sản xuất kém bền vững do quy mô sản xuất manh mún, nhỏ lẻ; trình độ sản xuất, kinh doanh, ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ cao của nông dân chưa được chú trọng; liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị còn lỏng lẻo… là những tồn tại, hạn chế trong sản xuất nông nghiệp nói chung và sản xuất lúa, cây ăn trái nói riêng của vùng ĐBSCL hiện nay.

Thực tế trong những năm qua, hiện tượng và tác động của BĐKH xuất hiện tại khu vực ĐBSCL như hạn hán, bão lụt… với tần suất ngày càng nhiều, không theo quy luật đã gây những tổn thất to lớn cho con người, đất đai và cây trồng. Dưới sự tác động của BĐKH toàn cầu đã làm thời tiết thay đổi, nắng nóng kéo dài và mùa mưa đến muộn hơn; đồng thời, việc hoạt động thủy điện ở lưu vực thượng nguồn dẫn đến dòng chảy ở hạ lưu bị hạn chế nên gây ra khô hạn ở các dòng sông thuộc ĐBSCL.

Từ đó, nước mặn theo các dòng sông xâm nhập sâu vào vùng đất liền ngày một trầm trọng dẫn đến nguồn nước sinh hoạt và nguồn nước sử dụng trong nông nghiệp bị thiếu hụt, tình trạng xâm nhập mặn ngày càng tăng, gây thiệt hại nghiêm trọng cho sản xuất nông nghiệp nói chung và sản xuất lúa, cây ăn trái nói riêng. Bên cạnh đó, lũ lụt ở ĐBSCL trong thời gian dài không xuất hiện, nhưng năm 2018 đã xuất hiện trở lại gây ngập úng và làm thiệt hại nặng một số vườn cây ăn trái không có hệ thống đê bao hoặc chưa được gia cố, tu bổ hằng năm…

Tiến sĩ Võ Hữu Thoại, Phó Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam cho biết, năm 2016, vùng ĐBSCL đã hứng chịu một đợt hạn, mặn khốc liệt nhất trong lịch sử của vùng, gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất nông nghiệp nói chung và sản xuất lúa, cây ăn trái nói riêng. Nguồn nước nhiễm mặn đã xâm nhập đến hầu hết các vùng trồng cây ăn trái tập trung của các tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long, Tiền Giang, Trà Vinh, Hậu Giang, Sóc Trăng... với hơn 9.400 ha cây ăn trái bị ảnh hưởng ở các mức độ khác nhau.

Tiền Giang hiện có gần 80.000 ha trồng cây ăn trái, sản lượng hằng năm đạt hơn 1,4 triệu tấn; diện tích trồng lúa trên 200.000 ha, sản lượng 1,2 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp của Tiền Giang nói chung và sản xuất lúa, cây ăn trái nói riêng vẫn còn nhiều yếu tố rủi ro trước diễn biến bất lợi của thời tiết, thủy văn… Do đó, tại Hội thảo, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Cao Văn Hóa đã đưa ra những định hướng thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của Tiền Giang dựa trên cơ sở tập trung phát triển các sản phẩm chủ lực, có sức cạnh tranh cao theo hướng phát huy lợi thế so sánh của từng sản phẩm, phù hợp với điều kiện sinh thái của từng vùng, thích ứng BĐKH; thực hiện liên kết vùng; ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất… Trong đó, tỉnh tập trung phát triển ngành hàng trái cây thành ngành hàng chiến lược theo hướng bền vững, có giá trị gia tăng cao và ngành hàng lúa gạo trở thành ngành hàng xuất khẩu bền vững.

Đối với tỉnh Tiền Giang, qua kết quả theo dõi tình hình xâm nhập mặn của Trạm Mỹ Tho, trong 6 năm (từ năm 2010 đến 2015), mức độ xâm nhập mặn trên sông Tiền của các tháng trong năm, giữa các năm đều khác nhau, tùy thuộc mùa mưa kết thúc sớm hay muộn và sự xuất hiện cường độ của gió chướng, mực nước đầu nguồn sông Tiền. Có thể nói, tháng 3 và tháng 4 hằng năm là 2 tháng có mức độ xâm nhập mặn cao nhất. Độ mặn năm 2016 trên sông Hàm Luông (tỉnh Bến Tre) ở mức cao nên đã chảy sang sông Tiền, gây ảnh hưởng đến vùng trồng sầu riêng của huyện Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang).

ỨNG PHÓ NHƯ THẾ NÀO?

Để ứng phó với tình hình xâm nhập mặn, nhiều tỉnh, thành ở ĐBSCL đã công bố thiên tai xâm nhập mặn nhằm tìm kiếm các biện pháp hỗ trợ và phòng, chống xâm nhập mặn, bảo vệ diện tích sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho người dân. Một số giải pháp đã được các chuyên gia, nhà khoa học khuyến cáo cho nông dân áp dụng để bảo vệ vườn cây ăn trái, hạn chế mức thấp nhất thiệt hại do hạn mặn gây ra cho các vườn cây ăn trái như: Củng cố chắc chắn hệ thống đê bao của mỗi vườn cây ăn trái để tránh nước mặn xâm nhập; dự trữ nước ngọt trong mương hoặc trong những túi ni lông dày, để tưới cho cây trong những tháng nước mặn; hạn chế tối đa việc tưới nước nhiễm mặn cho cây trồng khi độ mặn ≥ 2‰; tiến hành tỉa cành, tạo tán, tỉa bớt hoa và trái (trong giai đoạn những tháng nước mặn) để giảm bốc thoát hơi nước và nhu cầu cần nước của cây; không nên xử lý cây ra hoa trong giai đoạn nguồn nước tưới không đảm bảo cung cấp đầy đủ cho cây khi đậu trái và phát triển trái; ủ gốc, giữ ẩm cho cây trồng bằng rơm rạ, lục bình, cỏ khô…

Nhằm giúp nông dân có thể lựa chọn, phát triển cây trồng phù hợp, thích ứng với BĐKH ở vùng ĐBSCL, các chuyên gia, nhà khoa học đã phân nhóm khả năng chịu mặn của một số giống cây ăn trái như: Nhóm cây mẫn cảm với mặn (bơ, chuối, nhãn, đu đủ, chanh dây, sầu riêng, chôm chôm, bòn bon, măng cụt); nhóm cây chịu mặn trung bình (sơ ri, ca cao, cây có múi, ổi, khóm, vú sữa); nhóm cây chống chịu khá với mặn (mít, xoài, mãng cầu Xiêm, mãng cầu); nhóm cây chống chịu tốt với mặn (dừa, sapô, me). Bên cạnh đó, các chuyên gia, nhà khoa học đã trình bày hướng cải thiện chất lượng trái thanh long trồng tại Tiền Giang bằng cách tiếp cận hệ thống tích hợp về chuỗi canh tác bền vững với các chế phẩm phân bón hữu cơ, sinh học, cải tạo đất, canh tác hữu cơ, bảo quản nông sản…

VĂN THẢO

.
.
.