Thứ Ba, 12/05/2020, 06:52 (GMT+7)
.

Thước đo PAPI và áp lực cải cách

Lần đầu tiên Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh tại Việt Nam (PAPI) của Tiền Giang tăng bậc khá cao so với nhiều năm. Kết quả này được công bố vào ngày 28-4 tại Lễ công bố trực tuyến Chỉ số PAPI năm 2019 được tổ chức tại Hà Nội.

Sự hài lòng của người dân là yếu tố quyết định.		 Ảnh: PHƯƠNG MAI
Sự hài lòng của người dân là yếu tố quyết định. Ảnh: Phương Mai

Điểm tổng hợp Chỉ số PAPI năm 2019 của Tiền Giang đạt 43,21 điểm, đứng thứ 38/63 tỉnh, thành. Không giống như các thước đo khác, điểm số về Chỉ số PAPI của các tỉnh, thành trên cả nước chênh lệch nhau không lớn.

Trong bức tranh chung về PAPI năm 2019 của Tiền Giang có những nhóm nội dung có điểm số chỉ số thành phần tăng, cũng có nội dung giảm nhưng xu hướng tăng điểm vẫn chiếm ưu thế, với việc Tiền Giang tăng cả về số điểm và tăng nhanh về thứ bậc, với việc tăng 18 bậc so với năm 2018.

Theo đó, có nhiều nội dung thành phần trong cơ cấu Chỉ số PAPI năm 2019 của Tiền Giang tăng điểm, như: Trách nhiệm giải trình với dân; Cung ứng dịch vụ; Quản trị điện tử… Tuy nằm trong nhóm Trung bình thấp nhưng Tiền Giang được đánh giá là tỉnh duy nhất có mức cải thiện đáng kể ở Chỉ số nội dung 5 về “Thủ tục hành chính công”, với mức tăng trưởng 5,68% điểm.

Cần phải khẳng định rằng, việc tăng thứ bậc không phải chuyện ngẫu nhiên, mà là kết quả của cả một chặng đường nỗ lực của Tiền Giang. Bởi, mặc dù có rất nhiều cố gắng, quyết tâm của tỉnh và các sở, ngành, địa phương nhưng việc thay đổi thực chất trong chất lượng quản trị và hành chính công hay chuyển động Chỉ số PAPI của Tiền Giang là điều không dễ và cần phải có lộ trình.

Trên bình diện tổng thể, muốn thay đổi Chỉ số PAPI nói riêng và thay đổi tư duy điều hành, quản lý nói chung còn tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố, chưa kể yếu tố cạnh tranh trong cải cách giữa các tỉnh, thành trên phạm vi cả nước.

Bảng xếp hạng Chỉ số PAPI năm 2019.
Bảng xếp hạng Chỉ số PAPI năm 2019.

Thực tế cho thấy, bên cạnh sự quyết tâm cải cách thủ tục hành chính, việc không ngừng tiếp cận và đo lường sự hài lòng của người dân là cách tiếp cận khoa học và hiệu quả. Với quyết tâm và mục tiêu của lãnh đạo tỉnh là không ngừng mang sự hài lòng đến cho người dân, doanh nghiệp, thời gian qua UBND tỉnh đã tổ chức: Hội nghị đánh giá công tác cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin; ban hành văn bản chỉ đạo nhiều nội dung cải cách hành chính; tổ chức Hội thảo Nâng cao Chỉ số PAPI; ban hành Kế hoạch tổ chức gặp gỡ, lắng nghe ý kiến phản ánh của người dân về các nội dung liên quan đến PAPI; thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ chuyên môn giúp việc Ban Chỉ đạo nâng cao Chỉ số PAPI tỉnh Tiền Giang...

Theo Kế hoạch 424 ngày 16-12-2019 về thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính (CCHC) năm 2020 của UBND tỉnh, một trong những mục tiêu được UBND tỉnh đặt ra là tiếp tục triển khai toàn diện, đồng bộ, có hiệu quả Chương trình tổng thể CCHC giai đoạn 2011 - 2020 của Chính phủ, Kế hoạch thực hiện nhiệm vụ CCHC giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang. Trong đó, UBND tỉnh chú trọng cải cách, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, khuyến khích khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; cải thiện, nâng cao Chỉ số CCHC (PAR Index), Chỉ số Năng lực cạnh tranh (PCI), Chỉ số PAPI tỉnh Tiền Giang. Đồng thời, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong tổ chức và hoạt động các cơ quan hành chính nhà nước, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2020.

Để thực hiện được mục tiêu này, UBND tỉnh cũng yêu cầu các sở, ngành, địa phương cần xác định công tác CCHC là nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và quản lý của các cấp, các ngành; các chỉ tiêu, nhiệm vụ trong Kế hoạch CCHC năm 2020 được gắn kết với các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2020; nội dung Kế hoạch CCHC năm 2020 tiếp tục gắn với việc thực hiện Nghị quyết 18, Nghị quyết 19 ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Để đạt được các mục tiêu đề ra, UBND tỉnh cũng xác định một số chỉ tiêu quan trọng trong CCHC năm 2020…

Suy cho cùng, Chỉ số PAPI cũng góp phần giúp địa phương nhìn nhận lại một cách toàn diện hơn trong việc quản trị và hành chính công. Trên bình diện chung đó, tháng 10-2018, xã Tân Mỹ Chánh được UBND tỉnh cũng như TP. Mỹ Tho chọn thí điểm tổ chức gặp gỡ của lãnh đạo tỉnh để lắng nghe ý kiến của người dân trên địa bàn về công tác lãnh đạo, điều hành; về tác phong, lề lối làm việc đối với cán bộ, công chức, từ đó giúp chính quyền địa phương gần gũi với người dân hơn.

Đó cũng là bước khởi đầu để UBND tỉnh ban hành Kế hoạch tổ chức gặp gỡ nhân dân của Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và Ủy viên UBND tỉnh liên quan đến PAPI năm 2019 với tất cả xã, phường, thị trấn còn lại trong tỉnh. Qua đó, các phản ánh, bức xúc, kiến nghị chính đáng của người dân được các cấp lãnh đạo chân thành lắng nghe, kịp thời giải quyết; tạo được lòng tin của người dân, tạo chuyển biến rất tích cực trong mối quan hệ giữa các cấp chính quyền với nhân dân trong tỉnh.

Kết quả Chỉ số PAPI năm 2019 mà Tiền Giang đạt được đã được khơi nguồn từ những yếu tố như thế. Và tất nhiên, áp lực cải cách chắc chắn sẽ không dừng lại không chỉ đối với từng địa phương trong tỉnh, mà còn đối với mỗi tỉnh, thành với nhau. Đó thật sự là bài toán không dễ thực hiện.

Chỉ số PAPI năm 2019 khảo sát 14.138 công dân Việt Nam được lựa chọn ngẫu nhiên trên toàn bộ 63 tỉnh, thành. Từ năm 2009, có tới 131.501 công dân đóng góp tiếng nói trong các ấn phẩm báo cáo PAPI hằng năm.

Các kết quả phân tích từ trải nghiệm và lăng kính của người dân cung cấp thông tin cho chương trình nghị sự phát triển bền vững của quốc gia và các nhà hoạch định chính sách vào thời điểm quan trọng khi Việt Nam đang xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế, xã hội cho thập kỷ tới cũng như giải quyết khủng hoảng kép về y tế và kinh tế toàn cầu do đại dịch Covid-19 gây ra.

Chỉ số PAPI  được đo lường dựa trên chỉ số nội dung (Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; Công khai, minh bạch trong ra quyết định; Trách nhiệm giải trình với người dân; Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; Thủ tục hành chính công; Cung ứng dịch vụ công; Quản trị môi trường và Quản trị điện tử); 28 nội dung thành phần, hơn 120 tiêu chí, hơn 550 câu hỏi về nhiều vấn đề chính sách của Việt Nam.

Các nội dung cấu thành Chỉ số PAPI là lăng kính quan trọng để mỗi địa phương soi rọi lại hoạt động và điều hành, cách thức quản trị và hành chính công. Và như vậy, việc chuyển động Chỉ số PAPI năm 2019 của Tiền Giang theo chiều hướng tăng cho thấy, cách tiếp cận mới về đo lường sự hài lòng của người dân của lãnh đạo tỉnh đã phần nào phát huy hiệu quả. Tất nhiên, cải cách hiện là xu thế tất yếu, nên việc đo lường sự hài lòng của người dân cũng cần dựa trên yếu tố bền vững hơn.

ANH PHƯƠNG

.
.
.