Thứ Hai, 08/06/2020, 15:48 (GMT+7)
.

Tiền Giang tìm giải pháp khôi phục cây sầu riêng sau hạn, mặn

(ABO) Ngày 8-6, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Tiền Giang phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện Cai Lậy tổ chức Hội thảo Giải pháp khôi phục cây sầu riêng sau hạn, xâm nhập mặn.

Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Văn Mẫn phát biểu tại hội thảo.
Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Văn Mẫn phát biểu tại hội thảo.

Theo Sở NN&PTNT, tổng diện tích cây ăn quả trên địa bàn tỉnh là 79.138 ha, sản lượng đạt khoảng 1,49 triệu tấn/năm. Sầu riêng là một trong những sản phẩm chủ lực của tỉnh, có chất lượng và giá trị kinh tế lớn.

Hiện toàn tỉnh có hơn 13.500 ha trồng sầu riêng, chiếm 14,7% tổng diện tích cây ăn trái toàn tỉnh, với sản lượng hơn 277.000 tấn/năm.

Các chuyên gia, lãnh đạo Sở NN&PTNT giải đáp câu hỏi của nhà vườn.
Các chuyên gia, lãnh đạo Sở NN&PTNT giải đáp câu hỏi của nhà vườn.

Trước diễn biến khốc liệt của hạn, xâm nhập mặn mùa khô năm 2020, nhiều vườn sầu riêng tại các huyện Cai Lậy, Châu Thành và TX. Cai Lậy bị thiệt hại, một số vườn có dấu hiệu chết dần.

Đến thời điểm hiện tại, theo thống kê sơ bộ, các địa phương đã ghi nhận khoảng 4.799 ha sầu riêng bị ảnh hưởng và đang tiếp tục theo dõi hướng dẫn nhà vườn chăm sóc tích cực để cây sớm phục hồi.

Tại hội thảo, các nhà vườn trồng sầu riêng đã đặt ra các câu hỏi cho các chuyên gia, lãnh đạo Sở NN&PTNT về các vấn đề như: Giải pháp khôi phục vườn sầu riêng; các giải pháp bảo vệ sản xuất trong những năm tiếp theo…

Theo Tiến sĩ Võ Hữu Thoại, Phó Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam, cây sầu riêng được xếp vào nhóm cây trồng mẫn cảm với mặn, cũng là cây chịu hạn kém.

Nhà vườn trồng sầu riêng phát biểu ý kiến.
Nhà vườn trồng sầu riêng phát biểu ý kiến.

Đợt hạn, mặn 2019 - 2020 đã gây thiệt hại về năng suất và ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của cây. Hiện nông dân trồng sầu riêng gặp nhiều khó khăn trong việc khôi phục vườn sầu riêng.

Trên cơ sở kinh nghiệm từ đợt hạn, mặn năm 2015 - 2016, Viện Cây ăn quả miền Nam giới thiệu quy trình phục hồi vườn sầu riêng tùy theo tình hình thực tế và các điều kiện gồm các bước: Rửa mặn cho đất; phục hồi bộ rễ và lá; hỗ trợ bộ lá phát triển; hỗ trợ bộ rễ và hoàn thiện bộ lá; tăng cường hấp thu dinh dưỡng và quang hợp.

Phát biểu tại hội thảo, Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Văn Mẫn cho biết, ngành Nông nghiệp đã có văn bản yêu cầu các địa phương rà soát, thống kê các diện tích cây trồng bị thiệt hại do hạn, mặn để hỗ trợ người dân theo đúng quy định. Các địa phương cần thực hiện sớm công việc này. 

Về tài liệu tập huấn, chăm sóc cây trồng sau hạn, mặn, Sở NN&PTNT đã gửi cho các đơn vị chuyên môn cấp huyện; các địa phương tiếp tục tổ chức tập huấn ở các xã, ấp để người dân nắm và thực hiện…

M. THÀNH

.
.
.