Thứ Tư, 23/09/2020, 18:24 (GMT+7)
.

Thủ tướng hoan nghênh Tiền Giang đã mua nước ngọt cấp miễn phí cho dân cứu vườn cây ăn trái

(ABO) Phát biểu tại buổi làm việc với các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) về chủ động ứng phó với nguy cơ hạn, xâm nhập mặn mùa khô năm 2020 - 2021 vào chiều 23-9, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận và biểu dương các bộ, ngành và địa phương trong công tác ứng phó hạn, mặn năm 2020.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc với 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc với 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL.

Nhiều địa phương làm rất tốt, có giải pháp rất quyết liệt, nhiều sáng kiến, hệ thống chính trị cùng vào cuộc trong vận động nhân dân, lực lượng vũ trang chủ động hỗ trợ nước ngọt cho người dân lúc khó khăn.

Đó là tinh thần tương thân, đồng chí hỗ trợ nhân dân. Mặt khác, Trung ương đã chỉ đạo đồng bộ, thường xuyên đối với công tác ứng phó hạn, mặn.

Nhân hội nghị này, Thủ tướng cho rằng, chúng ta cần nhận thức thẳng thắn hạn hán, xâm nhập mặn là vấn đề không thể tránh, chỉ có thể hạn chế, từ nay sẽ trở thành câu chuyện bình thường trong đời sống ĐBSCL.Đó là nguy cơ, nhưng cũng xuất hiện thời cơ nếu chúng ta biết ứng phó, thích nghi, hạn chế những thiệt hại do hạn, mặn gây ra.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, không để hộ dân nào thiếu nước sinh hoạt, các địa phương phải có kế hoạch thực hiện chương trình này; không chỉ đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân mà còn cho cả chăn nuôi, trồng trọt.

Thủ tướng hoan nghênh tỉnh Tiền Giang đã bỏ ngân sách mua nước ngọt để cấp miễn phí cho người dân cứu vườn cây ăn trái đặc sản.Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các địa phương phải đảm bảo sản xuất trong tình hình mới, giữ được sản lượng nông nghiệp.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại buổi làm việc.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại buổi làm việc.

Trước hết, các bộ, ngành và địa phương tiếp tục làm tốt công tác truyền thông đến từng hộ gia đình về nguy cơ hạn hán, xâm nhập mặn trong người khô để chủ động, có biện pháp ứng phó.

Đồng thời, phát huy tinh thần “4 tại chỗ”, bắt đầu từ người dân, từ cơ sở là chính trong phòng, chống hạn, mặn.

Mỗi hộ gia đình, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, chủ vườn cần chủ động trữ nước cho  sinh hoạt, sản xuất, phải tự lo cho mình trước, nhà nước tập trung lo cho các hộ nghèo, cận nghèo, gia đình khó khăn.

Các cơ quan chức năng thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến nguồn nước, dự báo đủ kịp thời, thông tin tin cậy về nguồn nước, các tình trạng thủy văn, diễn biến xâm nhập mặn…

Cũng tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Lê Văn Hưởng cho biết, cách đây 1 năm, tại tỉnh Tiền Giang, Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức hội nghị về công tác phòng, chống hạn, mặn vùng ĐBSCL, từ đó, các tỉnh, thành đã ứng phó có hiệu quả đợt hạn, mặn đầu năm 2020.

Riêng tỉnh Tiền Giang đã không để người dân thiếu nước sạch sinh hoạt; lúa và cây ăn trái thiệt hại ít nhất.

Một vấn đề mà tỉnh Tiền Giang gặp phải là sau khi hạn, mặn kết thúc, những cơn mưa đầu mùa xuất hiện dẫn đến nhiều vườn sầu riêng bị sốc nhiệt làm chết hơn 3.500ha.

Khi xảy ra tình trạng sầu riêng chết, tỉnh đã kiến nghị Bộ NN&PTNT kịp thời có giải pháp kỹ thuật hướng dẫn người dân để khôi phục. Đến nay, nhiều vườn sầu riêng đã ra hoa và xanh tươi trở lại.

Đợt hạn, mặn vừa qua, Tiền Giang đã có việc làm được đánh giá là táo bạo khi đắp đập thép trên kinh Nguyễn Tấn Thành.

Điều này giúp vùng cây ăn trái, nước sinh hoạt của tỉnh được bảo vệ thành công, kể cả tỉnh Long An.

Mặt khác, Tiền Giang không chỉ nỗ lực đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân mà còn chở nước ngọt cấp miễn phí tưới cây ăn trái với tổng chi phí khoảng 60 tỷ đồng.

Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Lê Văn Hưởng phát biểu tại buổi làm việc.
Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Lê Văn Hưởng phát biểu tại buổi làm việc.

Mùa hạn, mặn vừa qua, diện tích lúa đông xuân ở các huyện phía Đông của tỉnh bị thiệt hại chủ yếu do gieo sạ sau lịch thời vụ.

Năm nay, để giải quyết vấn đề này tỉnh sẽ kiên quyết cắt vụ, tập trung nguồn lực lo cho vườn cây ăn trái.

Nếu hạn, mặn xảy ra như vừa qua thì tỉnh sẽ đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân, tập trung nguồn lực bảo vệ khoảng 80.000ha cây ăn trái.

Ngoài ra, đồng chí Lê Văn Hưởng kiến nghị Bộ NN&PTNT trình Thủ tướng Chính phủ có giải pháp xử lý căn bản tình hình xâm nhập mặn qua sông Hàm Luông (tỉnh Bến Tre) và sông Vàm Cỏ (tỉnh Long An).

Đồng thời, hỗ trợ Tiền Giang đầu tư các công trình cống ngăn mặn dọc sông Tiền giáp đường tỉnh 864 trên địa phận tỉnh Tiền Giang.

Để đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân, Tiền Giang kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho chủ trương để thực hiện Dự án Trạm bơm nước thô tại huyện Cái Bè và hệ thống chuyển tải nước phục vụ cho 3 tỉnh Tiền Giang, Long An, Bến Tre…

M. THÀNH - V. THẢO

.
.
.