Thứ Ba, 13/10/2020, 14:46 (GMT+7)
.

Tập trung cải thiện môi trường đầu tư, tạo nguồn lực thúc đẩy phát triển

Đảng và Nhà nước xác định doanh nghiệp là động lực cho sự phát triển. Điều này thể hiện rõ thông qua Nghị quyết 35 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Để cụ thể hóa chủ trương này, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Tiền Giang đã và đang chỉ đạo triển khai thực hiện một cách quyết liệt và mang lại hiệu quả thiết thực.

Tập trung cải thiện môi trường đầu tư, tạo nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội là bước đi đúng hướng trong chặng đường đã qua, góp phần tạo nên diện mạo mới cho Tiền Giang.

THAY ĐỔI TƯ DUY

Có thể nói chưa bao giờ không khí khởi nghiệp, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh được triển khai thực hiện một cách quyết liệt và đồng bộ như thời gian gần đây. Trên tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp, lãnh đạo tỉnh đã yêu cầu chính quyền các cấp phải nhanh chóng chuyển từ tư duy quản lý sang phục vụ, hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh. Một trong những động thái rõ ràng nhất là thông qua các buổi họp mặt, đối thoại doanh nghiệp do UBND tỉnh và các huyện, thị, thành tổ chức.

Thông điệp rất rõ ràng của UBND tỉnh là không chỉ tăng cường tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp mà mục tiêu lớn hơn là tạo nên sự gần gũi, gắn kết giữa chính quyền và doanh nghiệp nhằm thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp ngày càng phát triển, thông qua đó góp phần vào sự phát triển chung về kinh tế - xã hội của địa phương.

Tiền Giang đã thu hút được nhiều dự án đầu tư mới trong giai đoạn 2016 - 2020.
Tiền Giang đã thu hút được nhiều dự án đầu tư mới trong giai đoạn 2016 - 2020.

Từ mục tiêu và ý nghĩa đó, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hưởng nhiều lần nhấn mạnh rằng, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đặc biệt xây dựng và phát triển cộng đồng doanh nghiệp. Nghị quyết Đại hội XII của Đảng cũng đã xác định rõ doanh nghiệp là động lực phát triển của nền kinh tế đất nước. Từ chủ trương chung này, thời gian qua, đặc biệt là năm 2016, UBND tỉnh đã tập trung xây dựng và triển khai thực hiện nhiều giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), thúc đẩy khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp như đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, môi trường mạng trong giải quyết thủ tục hành chính, tăng cường tiếp xúc đối thoại để giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, tổ chức và triển khai thực hiện các giải pháp về khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp.

Quyền Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đình Thông cho biết, trong giai đoạn 2016 - 2020 tỉnh thu hút được 122 dự án đầu tư, với tổng vốn đầu tư 34.918 tỷ đồng (trong đó có 44 dự án vốn đầu tư nước ngoài FDI, với tổng vốn đầu tư 18.853 tỷ đồng), tăng 23 dự án, vốn đầu tư tăng 70% so với giai đoạn 2011 - 2015. Riêng thu hút đầu tư nước ngoài gấp 2,5 lần so với giai đoạn trước, đến nay trên địa bàn tỉnh có 131 dự án FDI, là tỉnh thu hút vốn đầu tư FDI cao trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Trong những tháng đầu năm 2020, dù chịu tác động kép từ dịch bệnh Covid-19 và tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn diễn ra gay gắt, nhưng vẫn có nhiều nhà đầu tư đến tỉnh đầu tư và khẩn trương triển khai thực hiện dự án. Kết quả qua 9 tháng của năm 2020, tỉnh thu hút mới được 28 dự án, với tổng vốn đầu tư đăng ký mới 9.897 tỷ đồng, tăng 11 dự án; có 7 dự án đăng ký tăng vốn 834 tỷ đồng, tăng 4 dự án, vốn đầu tư đăng ký tăng hơn 68% so cùng kỳ 2019…

Nhấn mạnh về việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đồng chí Lê Văn Hưởng cho rằng, muốn thay đổi môi trường đầu tư kinh doanh phải thay đổi chính mình, trong đó các thành viên UBND và Thường trực UBND tỉnh phải đi tiên phong. Điểm cần thay đổi trước tiên là trong cách tiếp xúc với các nhà đầu tư; đồng thời, thay đổi hệ thống nhân sự liên quan đến xúc tiến đầu tư, cần đảm bảo đúng ngành, đúng nghề và am hiểu nhiều lĩnh vực có liên quan để giúp nhà đầu tư cảm thụ được chính sách của tỉnh. Trong các buổi gặp gỡ doanh nghiệp không chỉ để đối thoại, để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, mà cái chính là để gần nhau, hiểu nhau hơn vì đối thoại hiện nay là việc làm bình thường và bắt buộc phải làm theo tinh thần Nghị quyết 35 của Chính phủ. Mục tiêu cuối cùng là làm sao cho hệ thống chính quyền gần với doanh nghiệp hơn. Tuy nhiên, thông điệp của UBND tỉnh cũng rất rõ ràng là phát triển doanh nghiệp không chấp nhận việc đánh đổi môi trường.

Đầu năm 2020, căn cứ Nghị quyết 02 ngày 1-1-2020 của Chính phủ, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 02 ngày 2-1-2020 triển khai thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020. Kết quả cụ thể, rõ nét là đến nay tỉnh Tiền Giang tiếp tục giải quyết thủ tục quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án nằm ngoài các khu, cụm công nghiệp không quá 15 ngày (Luật quy định 35 ngày) khi nhận được hồ sơ hợp lệ; đối với các dự án trong khu, cụm công nghiệp là 9 ngày; tiếp nhận và giải quyết thủ tục đăng ký thành lập mới doanh nghiệp tối đa 2 ngày làm việc (quy định 3 ngày).

ĐÓN NHẬN CỦA CỘNG ĐỒNG DOANH NGHIỆP

Những chủ trương, quyết sách và động thái của tỉnh về tập trung cải thiện môi trường đầu tư, tạo nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vừa qua đã được chính cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư đón nhận. Chia sẻ với chúng tôi gần đây, ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Gò Đàng cho rằng, từ chủ trương chung của Trung ương, tỉnh hưởng ứng và làm rất quyết liệt. Những động thái đó đã thổi luồng không khí mới cho việc phát triển doanh nghiệp của địa phương. Điều mong mỏi của doanh nghiệp là không khí này được duy trì lâu dài.

Ở góc nhìn khác, ông Huỳnh Hữu Thiện, Giám đốc Marketing Công ty TNHH Minh Hưng Tiền Giang cho rằng, trong bối cảnh hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng, với các hiệp định kinh tế chuẩn bị có hiệu lực, doanh nghiệp chịu không ít áp lực. Đứng ở góc nhìn của doanh nghiệp, dưới sự chỉ đạo liên tục của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, việc kêu gọi đầu tư, thu hút đầu tư, tạo mảnh đất đầu tư cho doanh nghiệp đã được quan tâm mạnh mẽ thông qua việc tổ chức nhiều chương trình xúc tiến thương mại, tạo cầu nối giữa các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long với TP. Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, thông qua các cuộc họp đối thoại giữa UBND tỉnh và doanh nghiệp là cơ hội để cho doanh nghiệp chia sẻ và tìm cơ hội phát triển. Doanh nghiệp rất hoan nghênh tinh thần gần gũi với doanh nghiệp của lãnh đạo tỉnh. Riêng lĩnh vực cải cách thủ tục hành chính của tỉnh thời gian qua cũng được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận.

Còn theo ông Đỗ Văn Triều, Giám đốc Toyota Tiền Giang, khi quyết định đầu tư tại Tiền Giang, chúng tôi đã được chính quyền địa phương hỗ trợ rất tốt. Từ khi thành lập vào năm 2016, Toyota Tiền Giang luôn nhận được sự hướng dẫn và hỗ trợ rất kịp thời của các sở, ngành. Giờ đây, Tiền Giang trở thành một trong những địa phương trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long có môi trường đầu tư rất tiềm năng. “Trước đây, khi chuẩn bị đầu tư vào Tiền Giang chúng tôi cũng có nhận thông tin đây là thị trường với lượng tiêu dùng có giới hạn. Tuy nhiên, trải qua một thời gian ngắn khi đi vào hoạt động kinh doanh tại Tiền Giang, chúng tôi nhận thấy thị trường Tiền Giang rất tốt và tin tưởng rằng trong những năm sắp tới, với đà tăng trưởng chung của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tốc độ tăng trưởng của Toyota Tiền Giang phải dao động từ 20% - 30% mỗi năm” - ông Đỗ Văn Triều cho biết.

Nhìn một cách tổng thể hơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Dũng cho rằng, vừa qua tỉnh đã thực hiện có hiệu quả nhiều giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo lợi thế cạnh tranh trong thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp. Công tác xúc tiến đầu tư, thu hút đầu tư được cải thiện về nội dung và cách thức: Tổ chức thành công Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Tiền Giang năm 2018 nên đã thu hút được nhiều tập đoàn, nhà đầu tư lớn, có năng lực tài chính, kinh nghiệm đầu tư trên địa bàn tỉnh. Nhờ đó, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tăng nhanh, đạt hơn 169 ngàn tỷ đồng, chiếm hơn 38% so với tổng GRDP của tỉnh.

ANH PHƯƠNG

.
.
.