Thứ Tư, 02/12/2020, 13:28 (GMT+7)
.

Hướng đi mới trong phát triển nông nghiệp

Kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp là quá trình sản xuất theo chu trình khép kín thông qua việc áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ sinh học, công nghệ hóa lý, các chất thải, phế phụ phẩm sẽ được tái chế, quay lại làm nguyên liệu đầu vào cho quá trình nuôi trồng, chế biến nông, lâm thủy sản...

Là tỉnh trọng điểm về sản xuất nông nghiệp, trong định hướng phát triển, Tiền Giang đã phân chia cụ thể 2 vùng trọng điểm: Vùng phía Đông có tiềm năng rất lớn về kinh tế biển, vùng phía Tây có thế mạnh sản xuất lương thực, thực phẩm; vùng Trung tâm là vùng động lực, đầu tàu thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và chủ động hội nhập, hợp tác kinh tế với Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, vùng đô thị TP. Hồ Chí Minh và vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

NÂNG CAO NĂNG SUẤT, GIẢM CHI PHÍ 

Trên cơ sở phân định thế mạnh từng vùng, công tác chỉ đạo phát triển kinh tế nông nghiệp tuần hoàn của tỉnh đã được thực hiện từ nhiều năm qua và ngày càng được chú trọng hơn. Các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp để nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi, giảm chi phí sản xuất nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào chiều sâu và chất lượng, nâng cao giá trị, khả năng cạnh tranh của các mặt hàng nông sản, tăng thu nhập cho nông dân.

Đồng thời, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Nhiều mô hình, giải pháp hướng tới sản xuất nông nghiệp theo tiêu chí tuần hoàn bền vững như: Áp dụng quy trình sản xuất lúa “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”; quản lý dịch hại tổng hợp IPM trên cây trồng; sản xuất theo GAP, ứng dụng công nghệ vi sinh, công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học; công trình khí sinh học, xử lý chất thải chăn nuôi...

Tham quan thực tế mô hình trồng dưa lưới tại xã Thạnh Lộc, huyện Cai Lậy. Ảnh: HỒNG LINH
Tham quan thực tế mô hình trồng dưa lưới tại xã Thạnh Lộc, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Ảnh: HỒNG LINH

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, đối với lĩnh vực trồng trọt, hiện nay ước tính 100% thân cây bắp, 85% rơm, 31% phụ phẩm trên cây lâu năm và 32% phụ phẩm trên cây rau đã được tận dụng để tái sử dụng để làm thức ăn chăn nuôi, làm nấm, ủ phân hữu cơ, tủ gốc giữ ẩm…

Đặc biệt, các mô hình sản xuất lúa theo quy trình “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”, sản xuất lúa giống chất lượng cao đã góp phần tích cực trong việc thay đổi tập quán sản xuất lúa của nông dân, nhất là giảm mật độ gieo sạ và sử dụng cân đối phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, góp phần giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp.

Việc ứng dụng khoa học - kỹ thuật trong lĩnh vực rau màu được người dân áp dụng mang lại hiệu quả thiết thực. Trên cây ăn trái, nhà vườn ngày càng nhận thức và thực hiện sản xuất theo GAP gắn với liên kết tiêu thụ, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, đặc biệt là sản xuất thân thiện với môi trường và hướng đến nền nông nghiệp bền vững.

Đối với lĩnh vực chăn nuôi, việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, ứng dụng công nghệ trên đàn gia súc, gia cầm đã giúp tăng hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi, tăng giá trị, sản lượng và chất lượng sản phẩm như chăn nuôi theo hướng VietGAP, theo hướng thân thiện với môi trường và an toàn sinh học; sử dụng các chế phẩm sinh học, acid hữu cơ để bổ sung vào thức ăn, nước uống cho đàn vật nuôi để làm giảm mùi hôi trong chăn nuôi, giảm tỷ lệ bệnh, tăng năng suất sản xuất...

Hiện nay, ngành Nông nghiệp đang hướng dẫn các hộ chăn nuôi xử lý phân gà, chim cút thành phân hữu cơ truyền thống để sử dụng bón cho cây trồng tại địa phương hoặc bán cho thương lái mà không gây ô nhiễm môi trường.

Bên cạnh đó, loại hình canh tác mang lại hiệu quả kinh tế cao là mô hình kinh tế tổng hợp tuần hoàn VAC (vườn - ao - chuồng) đã và đang áp dụng thành công. Cây trồng chuyên canh trong mô hình có thể là bưởi da xanh, thanh long, dừa… kết hợp nuôi cá dưới ao, nuôi bò hoặc dê, heo trong chuồng cho thu nhập cao gấp nhiều lần so với loại hình canh tác độc canh trước đây.

Ngoài ra, hệ thống trồng rau - nuôi cá, tận dụng phế phẩm của rau được loại thải trong quá trình chăm sóc, thu hoạch để nuôi cá, cải thiện thu nhập được áp dụng tại nhiều vùng trồng rau, cải chuyên canh của tỉnh; mô hình trồng cỏ - chăn nuôi cũng được phát triển, góp phần thích ứng với hạn, xâm nhập mặn mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn gấp nhiều lần so với trồng lúa.

PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP TUẦN HOÀN TOÀN DIỆN

Có thể dễ dàng nhận thấy, trong điều kiện biến đổi khí hậu, việc phát triển nông nghiệp theo mô hình kinh tế tuần hoàn đã và đang được tỉnh Tiền Giang quan tâm thực hiện, diện tích áp dụng ngày càng được mở rộng do hiệu quả cao về kinh tế, môi trường, xã hội.

Quá trình sản xuất theo chu trình khép kín, hầu hết các chất thải, phế phụ phẩm sẽ được tái chế, quay lại làm nguyên liệu đầu vào cho quá trình nuôi trồng, chế biến nông, lâm thủy sản; tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cao, giảm tối đa sự lãng phí, thất thoát và giảm tối đa lượng chất thải.

Tuy nhiên, cũng như nhiều địa phương bạn, bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát triển kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn chưa thực sự đạt ở mức độ cao, vẫn còn nhiều phụ phẩm nông nghiệp chưa được tái sử dụng tại địa phương, tình trạng lãng phí các phụ phế phẩm cây trồng, vật nuôi vẫn còn...

Chính vì vậy, để phát huy những tiềm năng, lợi thế và nền tảng cơ bản về sản xuất nông nghiệp theo hướng kinh tế nông nghiệp tuần hoàn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn cho biết, trong thời gian tới, Tiền Giang tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp tuần hoàn một cách toàn diện, thông qua các giải pháp như: Tiếp tục thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, thực hiện các chuỗi liên kết trong sản xuất tiêu thụ.

Đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ kỹ thuật thông qua tập huấn, hội thảo, xây dựng và triển khai các dự án, mô hình trình diễn nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, an toàn sinh học, sử dụng phế phụ phẩm sau thu hoạch.

Hoàn thiện và phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn, quay vòng tuần hoàn trả lại hữu cơ cho đất, không đốt rơm rạ, thúc đẩy sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường; tiếp tục tăng cường thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Nhà nước để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn; đồng thời, đề xuất chính sách đặc thù để khuyến khích phát triển kinh tế tuần hoàn cho cả nông hộ và doanh nghiệp tham gia tái chế phụ phẩm nông nghiệp.

QUỐC ANH

.
.
.