Thứ Tư, 06/01/2021, 09:57 (GMT+7)
.

Huyện Tân Phú Đông: Nhiều mô hình trồng màu đạt hiệu quả

Tiếp tục thực hiện Đề án “Cắt vụ chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cơ cấu cây trồng huyện đến năm 2025”, thời gian qua, nông dân huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang mạnh dạn chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang các cây trồng khác cho hiệu quả kinh tế cao hơn, nhất là cây sả và các loại rau màu khác. Trong đó, diện tích chuyển đổi nhiều nhất là cây sả, với diện tích trồng trên 2.700 ha.

Bên cạnh đó, cây màu lương thực và cây màu thực phẩm cũng được nông dân quan tâm mở rộng diện tích theo hình thức chuyên canh hoặc xen canh dưới chân ruộng lúa. Cụ thể, năm 2020 cây màu lương thực xuống giống 75 ha, tập trung ở các xã Phú Đông, Phú Thạnh, Phú Tân và Tân Phú. Đến nay, diện tích cây màu thực phẩm ở huyện đã thu hoạch dứt điểm, với tổng sản lượng 857 tấn.

Mô hình trồng dưa hấu của nông dân ấp Pháo Đài, xã Phú Tân.
Mô hình trồng dưa hấu của nông dân ấp Pháo Đài, xã Phú Tân.

Đối với cây màu thực phẩm như dưa hấu, cà chua, gừng, ớt, các loại rau đậu… cũng đã xuống giống gần 200 ha, sản lượng thu hoạch trên 2.500 tấn. Cây màu thực phẩm ở huyện phát triển mạnh nhất tại khu vực ấp Pháo Đài (xã Phú Tân).

Đặc biệt là dưa hấu được người dân ấp Pháo Đài trồng gần như quanh năm, năng suất bình quân đạt từ 20 đến 25 tấn/ha. Giá dưa hấu hiện nay khoảng 7.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, mỗi công đất trồng dưa hấu người trồng thu lãi từ 8 đến 10 triệu đồng/vụ.

Do dưa hấu thích nghi với vùng đất ấp Pháo Đài, nên thời gian qua, nông dân nơi đây duy trì và ngày càng mở rộng diện tích cây trồng này, nhất là trong các vụ tết, trồng theo hình thức chuyên canh hoặc trồng luân canh với khoai lang.

Điển hình trồng theo mô hình này là anh Nguyễn Văn Diện (ấp Pháo Đài) canh tác 0,5 ha đất. Đầu năm 2020 trồng dưa hấu, sau khi thu hoạch xong vụ dưa, anh cải tạo lại đất để trồng khoai lang và khi kết thúc vụ khoai lang, anh trở lại trồng dưa hấu. Cứ luân phiên như thế, mỗi năm anh sản xuất 2 vụ dưa hấu và 2 vụ khoai lang. Sau khi trừ chi phí sản xuất, mỗi năm anh Diện thu lãi trên 200 triệu đồng.

Nếu như xã Phú Tân trồng nhiều loại rau màu thực phẩm thì ở xã Phú Đông, cây ớt là cây màu chính và trồng gần như quanh năm. Cụ thể, trong năm 2020, nông dân trong xã đã trồng 45 ha ớt, tăng hơn 10 ha so với cùng kỳ năm trước. Hiện nay, nông dân xã Phú Đông đang vào mùa thu hoạch ớt. Giá bán ớt hiện nay người trồng ớt thu lãi khá.

Anh Trần Văn Quang (ấp Lý Quàn 2, xã Phú Đông) canh tác 3 công ớt chỉ thiên đang thu hoạch cho biết, với giá bán hiện nay, mỗi công ớt sau khi trừ chi phí, anh lãi khoảng 12 triệu đồng, cao hơn so với trồng lúa.

Bên cạnh đó, để nâng cao thu nhập cho người dân trên một đơn vị diện tích canh tác, nông dân các xã Phú Thạnh, Phú Đông còn thực hiện mô hình trồng xen ớt, gừng hoặc sả, ớt cho hiệu quả kinh tế cao. Những mô hình trồng màu hiệu quả trên đã và đang góp phần thúc đẩy Đề án “Cắt vụ chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cơ cấu cây trồng huyện đến năm 2025”.

                                     HỮU DƯ

.
.
.