Thứ Ba, 05/01/2021, 09:22 (GMT+7)
.

Tìm đầu ra cho nông sản

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang bùng phát trên thế giới, việc tiêu thụ, xuất khẩu hàng hóa của cả nước cũng như của doanh nghiệp Tiền Giang ngày càng khó khăn. Chính vì vậy, việc các địa phương, trong đó có Tiền Giang, đã và đang tự nỗ lực liên kết tìm đầu ra cho nông sản, hàng hóa là một trong những hướng đi phù hợp.

Mới đây, tỉnh Tiền Giang đã tổ chức đoàn công tác để kết nối cung cầu và khảo sát thị trường các tỉnh, thành miền Trung,  miền Bắc, trong đó có các tỉnh biên giới Hà Giang và Lào Cai. Qua đó, mở ra cơ hội mới cho trái cây Tiền Giang, nhất là thời điểm thị trường cuối năm sôi động.

KẾT NỐI CUNG CẦU

Theo Quyền Giám đốc Sở Công thương Tiền Giang Đặng Văn Tuấn, để nắm bắt thông tin về tình hình xuất nhập khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc qua các cửa khẩu tại tỉnh Hà Giang và tỉnh Lào Cai, tỉnh Tiền Giang đã tổ chức đoàn khảo sát thực tế các cửa khẩu, cơ sở mua bán, phân phối, tiêu thụ trái cây tại 2 địa phương này, qua đó đánh giá tình hình sức mua, thị phần trái cây tại đây, tạo kết nối cung cầu, hỗ trợ xuất khẩu giữa các địa phương.

Kết nối cung cầu thành công với tỉnh Hà Giang, Lào Cai, nông sản Tiền Giang có nhiều triển vọng xuất khẩu. Ảnh: VÕ NGUYÊN PHÚ
Kết nối cung cầu thành công với tỉnh Hà Giang, Lào Cai, nông sản Tiền Giang có nhiều triển vọng xuất khẩu. Ảnh: VÕ NGUYÊN PHÚ

Đồng chí Đặng Văn Tuấn nhận định, Hà Giang và Lào Cai đều có vị trí địa lý thuận lợi trong đẩy mạnh hợp tác phát triển kinh tế với các tỉnh, thành của Việt Nam và thị trường Trung Quốc. Cụ thể, tỉnh Hà Giang có “cặp đôi” cửa khẩu song phương Thanh Thủy, Việt Nam - Thiên Bảo, Trung Quốc, là đầu mối xuất nhập khẩu quan trọng, cầu nối với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn tỉnh Hà Giang những năm gần đây đều trên 1 tỷ USD/năm, chủ yếu là mặt hàng hoa quả tươi như thanh long, dưa hấu, vải, chuối, nhãn, xoài...

Đặc biệt, tại cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy, khu trung tâm đã được quy hoạch với diện tích 365 ha, hiện đã có khả năng tiếp nhận 500 container và thông quan tối đa 200 container/ngày. Thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu/xuất nhập cảnh tại cửa khẩu Thanh Thủy đã được số hóa, liên thông, một số dịch vụ công đã thực hiện ở cấp độ 3, 4 (cấp giấy phép liên vận quốc tế, kiểm dịch).

Riêng Ban Quản lý Kinh tế cũng được phép cấp C/O, mẫu E và 100% doanh nghiệp khai báo hải quan điện tử 24/7, rất thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa. Cho đến thời điểm hiện tại, Việt Nam có 9 loại trái cây được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc qua cửa khẩu này (thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, xoài, mít, chôm chôm và măng cụt) và 7 sản phẩm đang đàm phán mở cửa vào thị trường Trung Quốc (sầu riêng, bưởi, chanh leo, bơ, na, roi, dừa).

Đó là chưa nói, mặc dù những sản phẩm chưa được phép xuất khẩu chính ngạch, nhưng nếu doanh nghiệp Trung Quốc có nhu cầu và doanh nghiệp Việt Nam đồng ý ký hợp đồng thì cơ quan chức năng Trung Quốc cũng sẽ cấp cho doanh nghiệp Trung Quốc một “giấy phép con” để được nhập khẩu.

Còn với tỉnh Lào Cai, sau khi khảo sát cửa khẩu Kim Thành và chợ đầu mối, lãnh đạo Sở Công thương cho biết, Lào Cai có cơ sở hạ tầng giao thông khá thuận lợi cho việc khai thác cơ hội phát triển với vai trò là “cầu nối” trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh (Trung Quốc) - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, có thể phát triển trở thành một trung tâm trung chuyển hàng hóa, dịch vụ, mậu dịch sôi động hơn trong tương lai giữa thị trường Tây Nam Trung Quốc với Việt Nam và các nước ASEAN, đặc biệt, xuất khẩu nông sản của Lào Cai đạt kim ngạch khá cao qua các năm. Riêng năm 2019, tổng trị giá hàng hóa xuất khẩu qua các cửa khẩu đạt trên 2,6 tỷ USD, là cơ hội cho nông sản Tiền Giang nếu “kết nối ổn thỏa”.

Tuy nhiên, từ đầu năm 2019 đến nay, Trung Quốc tiếp tục siết chặt tiêu chuẩn quản lý chất lượng và nguồn gốc hàng hóa là nông sản, hoa quả, trái cây nhập khẩu từ Việt Nam. Đồng thời, Trung Quốc tăng cường kiểm soát chặt chẽ tại các cửa khẩu, nhất là các cửa khẩu phụ; quản lý chặt chẽ các mặt hàng chưa có trong danh mục được phép nhập khẩu, thực hiện nghiêm các quy định về nguồn gốc các mặt hàng nông, thủy sản, thực phẩm nhập khẩu theo hình thức trao đổi cư dân biên giới... nên việc xuất khẩu nông sản của các doanh nghiệp Việt, trong đó có Tiền Giang cũng chịu tác động rất lớn.

Bên cạnh đó, năm 2020, đại dịch Covid-19 đã tác động mạnh vào hoạt động xuất khẩu cả chính ngạch lẫn mậu biên từ Việt Nam sang Trung Quốc, do tác động của hàng loạt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Và mới đây, ngày 30-10-2020, Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công thương) vừa đưa ra một số lưu ý với doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu với tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Theo đó, tỉnh Vân Nam đã ra thông báo áp dụng một số biện pháp tăng cường phòng, chống dịch Covid-19 trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa.

Thanh long có nhiều triển vọng xuất khẩu.                                                                                                                                                                                                                                    Ảnh: HL
Thanh long có nhiều triển vọng xuất khẩu. Ảnh: HL

Trước mắt, theo Bộ Công thương, các biện pháp trên sẽ được áp dụng cho các phương tiện, người điều khiển phương tiện và hàng hóa của Trung Quốc. Tuy nhiên, không loại trừ khả năng phía Trung Quốc cũng có thể đề nghị Việt Nam áp dụng các biện pháp tương tự trên trong thời gian tới. Do vậy, Bộ Công thương thông báo tới các cơ quan, doanh nghiệp nắm để chủ động trong hoạt động thương mại với các doanh nghiệp bạn. Đây là những vấn đề doanh nghiệp và cả các cơ quan chức năng của Tiền Giang cần tiếp tục nghiên cứu, có biện pháp thích ứng.

NHIỀU TRIỂN VỌNG CHO NÔNG SẢN

Theo đồng chí Đặng Văn Tuấn, qua làm việc, Tiền Giang và các tỉnh Hà Giang, Lào Cai đã thống nhất thỏa thuận hợp tác hỗ trợ kết nối, tiêu thụ, xúc tiến quảng bá các sản phẩm nông sản mang chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể của Hà Giang, Lào Cai tại thị trường tỉnh Tiền Giang và ngược lại; tổ chức trao đổi các đoàn học tập kinh nghiệm trong phát triển sản phẩm OCOP, gắn với xây dựng nông thôn mới; tăng cường trao đổi thông tin giữa các doanh nghiệp đầu mối của 3 tỉnh trong lĩnh vực kinh doanh xuất nhập khẩu hàng hóa, tiêu thụ các sản phẩm nông sản của địa phương. Các cơ quan chức năng của 3 tỉnh sẽ chủ động trao đổi thông tin hỗ trợ doanh nghiệp của nhau xúc tiến đầu tư, thương mại, phát triển du lịch, dịch vụ, kể cả kết nối các trang thông tin, sàn giao dịch thương mại điện tử, hỗ trợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm...

Đặc biệt, tỉnh Hà Giang sẽ hỗ trợ tỉnh Tiền Giang kết nối đối tác ký hợp đồng nhập khẩu trái cây vào thị trường tỉnh Vân Nam qua Cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy, còn tỉnh bạn Lào Cai sẽ hỗ trợ tỉnh Tiền Giang xúc tiến, tìm kiếm kết nối đối tác ký hợp đồng nhập khẩu trái cây vào thị trường tỉnh Vân Nam, qua Cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành, cửa khẩu quốc tế đường sắt, cửa khẩu phụ Bản Vược và cửa khẩu Mường Khương. Cả tỉnh Hà Giang và Lào Cai cũng sẽ giới thiệu thương nhân 2 tỉnh này mở đại lý tiêu thụ sản phẩm của tỉnh Tiền Giang... Các nội dung hợp tác trên nếu được tổ chức thực hiện tốt vào đúng thời điểm thích hợp sẽ là một trong những hướng đi mới, đầy triển vọng cho nông sản xuất khẩu của Tiền Giang.

QUỐC ANH

 

.
.
.