Thứ Tư, 24/03/2021, 09:58 (GMT+7)
.

Chuyển đổi cây trồng để thích ứng

Quá trình chuyển đổi cây trồng ở các huyện phía Đông của tỉnh Tiền Giang dần được đẩy nhanh để thay dần diện tích trồng lúa kém hiệu quả và thích ứng với biến đổi của khí hậu.

Cây ăn trái, rau màu… đã phủ thêm một màu xanh mới trên những cánh đồng bạt ngàn lúa trước đây. Chỉ có chuyển đổi sản xuất mới thích ứng với điều kiện sản xuất hiện nay.

MÀU XANH CỦA CÂY TRÁI

Hoa màu, cây ăn trái giờ đây không chỉ được biết đến ở các huyện phía Tây của tỉnh Tiền Giang. Những vườn cây thanh long bạt ngàn, rau màu xanh mượt đã mọc lên ở nhiều diện tích mà trước đây chỉ chuyên canh cây lúa. Đi dọc các tuyến đường về xã Kiểng Phước hay Tân Điền (huyện Gò Công Đông) đâu đâu cũng dễ dàng bắt gặp màu xanh cây trái.

Ông Nguyễn Thành Chung (ấp Xóm Chủ, xã Kiểng Phước) nói với chúng tôi rằng, cách đây vài năm trên địa bàn ấp Xóm Chủ chỉ có một vài hộ trồng thanh long nhờ học tập mô hình trồng từ các xã của huyện Chợ Gạo mang về. Nhờ hiệu quả cây thanh long mang lại, người dân không chỉ ở xã Kiểng Phước, mà cả xã Tân Điền đã mạnh dạn chuyển từ trồng lúa sang thanh long. Giờ đây không chỉ xã Tân Điền hay Kiểng Phước, mà hầu như các xã trên địa bàn huyện Gò Công Đông đã nhen nhóm trồng thanh long hay các loại cây trồng khác đối với các diện tích đất canh tác thích hợp. Một màu xanh bạt ngàn của cây trái đang phủ dần thay cho những cánh đồng lúa trước đây.

Vườn thanh long bạt ngàn ở xã Kiểng Phước, huyện Gò Công Đông.
Vườn thanh long bạt ngàn ở xã Kiểng Phước, huyện Gò Công Đông.

Không chỉ thanh long, rau màu cũng dần phủ xanh cánh đồng lúa đối với những diện tích canh tác cho hiệu quả thấp hoặc khó khăn đối với các vụ sản xuất lúa trong năm. Nông dân ở đây bắt đầu tính đến việc chuyển đổi sản xuất sang các loại cây trồng khác, trong đó rau màu là một trong những loại cây được người dân lựa chọn nhờ thời gian sản xuất ngắn, thích hợp đối với khu vực gặp khó khăn về nước sản xuất trong mùa khô.

Ông Lê Quốc Phong (ấp Trung, xã Tân Điền) cho biết, gia đình ông chuyển đổi sang trồng rau màu đã nhiều năm nay, lợi nhuận tuy khá hơn trồng lúa nhưng nhìn chung thu nhập cũng bấp bênh. “Nông dân tụi tôi rất muốn chuyển đổi sang cây trồng thích hợp với vùng đất này nên rất cần sự hỗ trợ của các ngành chuyên môn. Bởi giờ đây, sản xuất nông nghiệp luôn gặp khó khăn, thời tiết bất thường, hạn, mặn về sớm và kéo dài, thiếu nước ngọt. Từ đó, chi phí đầu tư cho sản xuất nông nghiệp ngày càng gia tăng” - ông Phong cho biết.

Không chỉ các xã của huyện Gò Công Đông, người dân trên địa bàn huyện Gò Công Tây cũng dần chuyển đổi sang nhiều loại cây trồng khác để thay cây lúa kém hiệu quả. Mấy năm trước, hơn 2 công đất lúa của bà Dương Thị Thu Hà (ấp Lợi An, xã Đồng Thạnh) cho thu nhập khá bấp bênh. Mỗi khi mùa khô đến, việc trồng lúa lại gặp khó khăn do thiếu nước ngọt sản xuất, đặc biệt là sau đợt hạn, mặn năm 2016. Từ đó, bà Dương đã chuyển sang trồng rau màu ổn định cho đến nay. Bà Hà cho biết, từ khi chuyển từ lúa sang trồng rau màu, hơn 2 công đất của gia đình cho thu nhập cao hơn, giá ổn định so với lúa.


QUY HOẠCH LẠI VÙNG TRỒNG

Tìm lời giải cho vùng chuyên sản xuất lúa ở các huyện phía Đông đã được tỉnh Tiền Giang, các sở, ngành và địa phương đặt ra nhiều năm. Đặc biệt, trước diễn biến bất thường của hạn, mặn, biến đổi khí hậu thì tìm lời giải cho bài toán này càng cấp thiết hơn. Đề án Cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng các huyện phía Đông được triển khai thực hiện trong những năm gần đây và dần phát huy hiệu quả, góp phần ổn định cuộc sống người dân trong khu vực. Và trên thực tế, người dân trong vùng cũng bắt đầu nhận ra vấn đề này, họ thấy không cần làm tới 3 vụ lúa trong năm, vì thực tế, vụ thu đông thật sự không mang lại hiệu quả, năng suất không cao.

Nhiều diện tích sản xuất lúa trước đây ở xã Tân Điền (huyện Gò Công Đông), giờ đây người dân đã chuyển sang trồng rau màu.
Nhiều diện tích sản xuất lúa trước đây ở xã Tân Điền (huyện Gò Công Đông), giờ đây người dân đã chuyển sang trồng rau màu.

Còn đánh giá về quá trình chuyển đổi sản xuất trên địa bàn huyện, Phó Chủ tịch UBND huyện Gò Công Tây Lê Văn Nê cho rằng, thời gian qua, việc cắt vụ, chuyển vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã thể hiện rõ hiệu quả. Theo đó, người dân đã ý thức được việc sống chung với hạn, mặn và đã chủ động cùng Nhà nước cắt vụ, nhất là trong vụ thu đông vừa qua. Người dân đã tìm ra cây trồng phù hợp với điều kiện thực tế, có giá trị cao để lấp vào 1 vụ bị cắt.

Cụ thể, hiện trên địa bàn huyện Gò Công Tây đã hình thành những vùng trồng rau màu chuyên canh, các loại cây thực phẩm ngắn ngày như bắp. Có những vùng chuyển sang trồng bưởi da xanh, dừa… Đây là những mô hình rất hiệu quả. Trong thời gian tới, những mô hình này sẽ được định hình và nhân rộng phục vụ hoạt động sản xuất nông nghiệp của người dân, góp phần nâng cao giá trị ngành Nông nghiệp và thu nhập của người dân, nhất là trong điều kiện phải thực hiện cắt vụ.

Cũng theo đồng chí Lê Văn Nê, trong thời gian tới, việc sống chung với hạn, mặn cần phải được nghiêm túc thực hiện và phải kiên quyết cắt vụ. Tuy nhiên, với điều kiện thổ nhưỡng và độ dốc của đất đai, để việc cắt vụ trong vùng Ngọt hóa Gò Công thuận lợi, đạt yêu cầu và hiệu quả hơn, tỉnh cần xây một đập trên kinh 14. Khi đó, ngành Nông nghiệp sẽ chủ động trong việc điều tiết nước, cần thiết chúng ta sẽ dồn nước về cho khu vực phía Đông, còn không sẽ đóng cống lại.

Như vậy, chúng ta sẽ chủ động hoàn toàn trong việc điều tiết nước, các huyện phía trên như Gò Công Tây sẽ không bị tình trạng ngập như vụ đông xuân vừa qua. Đồng thời, nghiên cứu hình thành từng tiểu vùng khoảng 40 - 50 ha, từng vùng phải có một hệ thống cống điều tiết nước. Khi đó, chúng ta sẽ chủ động trong việc điều tiết nước để cắt vụ, chuyển vụ. Ngoài ra, chúng ta cần kéo lùi thời gian xuống giống vụ hè thu và đẩy sớm lịch xuống giống vụ đông xuân.

Như vậy, chúng ta sẽ chủ động được nguồn nước và thời gian cắt vụ thu đông sẽ ngắn lại. Khi đó, chúng ta sẽ thu hoạch dứt điểm vụ lúa đông xuân trước Tết Nguyên đán và đủ điều kiện để người dân trồng các loại cây trồng khác sau tết khi nguồn nước trên các kinh, rạch vẫn còn. Với tinh thần đó, huyện Gò Công Tây đã quy hoạch một số vùng như: Thanh long ở phía Bắc Quốc lộ 50; vùng trồng rau màu cặp theo kinh 14, kinh Vàm Giồng; một số khu vực như xã Bình Nhì, Thạnh Nhựt sẽ trồng bưởi da xanh, dừa…

A.P - M.THÀNH

.
.
.