Thứ Tư, 02/06/2021, 10:06 (GMT+7)
.
ĐƯA NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI XI ĐẢNG BỘ TỈNH TIỀN GIANG VÀO CUỘC SỐNG

Tận dụng lợi thế phát triển du lịch

Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tiền Giang lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Tiền Giang đang tập trung khai thác, phát huy thế mạnh du lịch sinh thái, các di tích lịch sử - văn hóa, lễ hội, làng nghề trong phát triển du lịch.

Là nơi hội tụ của 3 vùng sinh thái (vùng sinh thái nước ngọt phù sa, sinh thái rừng ngập mặn và vùng sinh thái ngập phèn Đồng Tháp Mười), cùng với sở hữu nguồn tài nguyên du lịch nhân văn mang đậm nét văn hóa đặc trưng của cư dân miệt vườn Nam bộ, Tiền Giang có nhiều tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch sinh thái.

ĐẨY NHANH CÁC DỰ ÁN TRỌNG ĐIỂM

Thực tế cho thấy, đến nay các khu vực phát triển du lịch sinh thái nổi bật trên địa bàn tỉnh đang được khai thác, thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan như: Khu du lịch Thới Sơn, Khu du lịch chợ nổi Cái Bè, Khu du lịch biển Tân Thành, vùng rừng ngập phèn Đồng Tháp Mười (thuộc huyện Tân Phước)…

Khu du lịch sinh thái Làng Yến được đầu tư với quy mô khoảng 10 ha tại xã Phú Tân, huyện Tân Phú Đông.
Khu du lịch sinh thái Làng Yến được đầu tư với quy mô khoảng 10 ha tại xã Phú Tân, huyện Tân Phú Đông.

Đó là sự kết hợp với sự độc đáo của các công trình văn hóa, lịch sử, nét sinh hoạt đặc trưng miền sông nước đã hình thành nên nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn như: Đi đò chèo, đờn ca tài tử, tát mương bắt cá, tham quan các làng nghề truyền thống, chợ nổi… Sự phát triển loại hình du lịch này thời gian qua đã góp phần vào sự phát triển của du lịch Tiền Giang. Cụ thể, giai đoạn 2016 - 2019, lượng khách du lịch đến Tiền Giang tăng bình quân 9%. Riêng năm 2019, tỉnh đón được 2,1 triệu lượt khách, trong đó 850 ngàn lượt khách quốc tế và là tỉnh đón nhiều khách du lịch quốc tế nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Định hướng phát triển du lịch tỉnh Tiền Giang nói chung và phát triển du lịch sinh thái nói riêng đã được thể hiện tại Kế hoạch 118 của UBND tỉnh ngày 5-5-2017 về việc thực hiện Nghị quyết 11 của Tỉnh ủy về phát triển du lịch của tỉnh Tiền Giang đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Trong đó, để phát triển du lịch sinh thái, đặc biệt là hình thành các khu du lịch sinh thái, dịch vụ du lịch có quy mô, tỉnh đã tập trung đẩy mạnh công tác kêu gọi đầu tư. Trong 5 năm qua, tỉnh đã tiếp nhận 18 dự án đầu tư phát triển du lịch, với tổng vốn đăng ký trên 3.270 tỷ đồng.

Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) Võ Phạm Tân, tỉnh đang tập trung hỗ trợ các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án du lịch trọng điểm để làm điểm đột phá, tạo điểm nhấn phát triển du lịch của tỉnh. Đặc biệt, tỉnh đang tiếp tục tăng cường công tác mời gọi đầu tư phát triển du lịch, nhất là tập trung mời gọi các nhà đầu tư cấp chiến lược nhằm thúc đẩy phát triển du lịch trong thời gian tới tại 4 trung tâm du lịch chính gồm: Khu du lịch Cái Bè, Khu du lịch Thới Sơn, Khu du lịch biển Tân Thành và Khu bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười.

KHAI THÁC DI TÍCH LỊCH SỬ - VĂN HÓA

Hiện toàn tỉnh có 22 di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia (trong đó có 1 di tích cấp quốc gia đặc biệt) và 160 di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh gắn liền tên tuổi các anh hùng dân tộc, các sự kiện văn hóa lịch sử đã được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến như: Di tích lịch sử Rạch Gầm - Xoài Mút, Di tích chiến thắng Ấp Bắc, Đền thờ Trương Định, Lăng Hoàng Gia, Đình Long Hưng, Di tích khảo cổ Óc Eo - Gò Thành...

Khách du lịch đến tham quan tại cù lao Thới Sơn.
Khách du lịch đến tham quan tại cù lao Thới Sơn.

Ngoài ra, Tiền Giang còn là một trong những cái nôi của đờn ca tài tử, nghệ thuật cải lương và là quê hương của những làng nghề truyền thống nổi tiếng như: Tủ thờ Gò Công, nón bàng buông, dệt chiếu Long Định… Đó là những lợi thế để phát triển du lịch. Để tận dụng lợi thế này, thời gian qua, việc xây dựng sản phẩm du lịch của tỉnh được thực hiện gắn với việc phát huy văn hóa truyền thống, lợi thế tài nguyên du lịch và đặc biệt là kết nối các khu, điểm du lịch với các di tích lịch sử - văn hóa để hình thành các tour du lịch đặc trưng.

Chủ tịch UBND TX. Gò Công Giản Bá Huỳnh cho biết, thị xã đang quản lý nhiều di sản văn hóa vật thể vô cùng quý giá được bảo tồn, gồm nhiều di tích lịch sử, kiến trúc cấp quốc gia, cấp tỉnh (3 di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia và 12 di tích được công nhận cấp tỉnh)... Hằng năm, trên địa bàn thị xã diễn ra nhiều lễ hội truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc thu hút trên 30.000 lượt khách trong và ngoài địa phương tham quan cúng viếng. Để khai thác lợi thế này trong phát triển du lịch, thời gian tới, thị xã sẽ tiếp tục phối hợp các sở, ngành tỉnh có liên quan tổ chức các lễ hội truyền thống. Đồng thời, khai thác lợi thế về điều kiện tự nhiên sinh thái, truyền thống văn hóa, lịch sử của thị xã, du lịch nhà vườn sơ ri, ẩm thực, tham quan các di tích lịch sử, làng nghề…

Theo đồng chí Võ Phạm Tân, để khai thác tốt tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch thông qua việc khai thác, phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa, lễ hội, làng nghề truyền thống, trong thời gian tới, tỉnh cần quan tâm tìm kiếm nguồn kinh phí từ Trung ương và nguồn xã hội hóa để trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa; phát triển các lễ hội, làng nghề truyền thống có tiềm năng khai thác phục vụ du lịch. Đồng thời, tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng tạo thuận lợi đi đến các khu di tích, các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh.

Định hướng tới đây, ngành VH-TT&DL khuyến khích các doanh nghiệp du lịch xây dựng chương trình du lịch, trong đó kết nối tour, tuyến du lịch sinh thái sông nước với các di tích lịch sử - văn hóa, các lễ hội, làng nghề để đáp ứng nhu cầu khách du lịch. Bên cạnh đó, ngành VH-TT&DL sẽ nghiên cứu, chọn lọc một số lễ hội văn hóa đặc trưng như: Lễ giỗ Anh hùng dân tộc Trương Định, Lễ hội Làng cổ Đông Hòa Hiệp để phát triển, nâng tầm trở thành lễ hội có tầm cỡ trong vùng, từ đó tổ chức khai thác gắn với phát triển du lịch.

Tỉnh sẽ tăng cường liên kết phát triển du lịch với TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh trong cụm liên kết, hợp tác phát triển du lịch phía Đông Đồng bằng sông Cửu Long; đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến du lịch, nhất là các sản phẩm du lịch văn hóa, làng nghề…

M. THÀNH

.
.
.