Thứ Hai, 04/10/2021, 09:35 (GMT+7)
.
"BÃO" SARS-CoV-2 VÀ CÁC ĐÒN BẨY PHỤC HỒI

BÀI 2: "Đứt gãy" chuỗi cung ứng

BÀI 1: "Càn quét" khốc liệt

“Bão” SARS-CoV-2 đã ảnh hưởng lớn đến nhiều nhóm ngành, làm đứt gãy chuỗi cung ứng, đình trệ sản xuất, đời sống công nhân gặp khó khăn.

Nhiều doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động; doanh thu, kim ngạch xuất khẩu giảm; đặc biệt là đối với nhóm ngành chế biến nông - thủy sản xuất khẩu.

1. Covid-19 đã phủ một màu xám cho nhiều lĩnh vực, ngành hàng và loang ra rất nhanh. Gam màu xám này dễ nhận diện nhất đối với nhiều nhóm ngành hàng nông nghiệp ở các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Và thủy sản chế biến xuất khẩu của cả khu vực ĐBSCL được xem là một trong những nhóm ngành chịu tác động rất lớn.

Thống kê của Cục Quản lý chất lượng nông - lâm sản và thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho thấy, tỷ lệ cơ sở sản xuất phải đóng cửa bình quân của 8 địa phương sản xuất, chế biến cá tra trọng điểm của ĐBSCL lên đến gần 58%. Bằng chứng dễ thấy nhất là trước tình hình Covid-19 diễn biến phức tạp đã làm cho ngành hàng sản xuất cá tra toàn vùng gặp nhiều khó khăn, chuỗi cung ứng từ người nuôi đến nhà máy chế biến bị đứt gãy, giá cá nguyên liệu giảm, đến nay nhiều nhà máy chưa lên được kế hoạch mở lại sản xuất.

Hiện tại, các nhà máy giảm hơn 70% công suất, tình trạng dư thừa nguyên liệu đã và đang diễn ra, chi phí sản xuất “3 tại chỗ” và các chi phí khác làm cho chi phí chung của doanh nghiệp tăng lên rất nhiều. Thực tế tế này cũng được đưa ra bàn thảo và tìm giải pháp tháo gỡ tại Hội nghị trực tuyến về chuỗi sản xuất ngành hàng cá tra với các tỉnh, thành ĐBSCL do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức với các tỉnh, thành ĐBSCL vào ngày 25-9.

Chế biến thủy sản xuất khẩu chịu tác động lớn do dịch Covid-19.
Chế biến thủy sản xuất khẩu chịu tác động lớn do dịch Covid-19.

Và qua khảo sát thực tế Tiền Giang cũng không ngoại lệ. Theo số liệu của Cục Thống kê Tiền Giang cho thấy, trong 9 tháng năm 2021, thủy sản xuất khẩu của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chỉ đạt khoảng 65.656 tấn, giảm hơn 23% so cùng kỳ; trị giá xuất khẩu chỉ đạt hơn 144 triệu USD, đạt 45% kế hoạch, giảm 29% so cùng kỳ.

Giám đốc một doanh nghiệp trong lĩnh vực thủy sản xuất khẩu có quy mô lớn ở Khu công nghiệp Mỹ Tho cho biết, từ đầu tháng 8 công ty phải tạm ngưng hoạt động do không đáp ứng được phương án “3 tại chỗ”. “Công ty ngưng hoạt động để lại hệ lụy rất lớn, không chỉ đối với trong nước, mà còn đối với các đối tác ở nước ngoài do các đơn hàng đã được ký kết trước đó. Ngay trong nước, chuỗi cung ứng từ vùng nuôi, đến nhà máy cũng bị đứt gãy theo. Hệ lụy kéo theo là hàng loạt vấn đề mới phát sinh như về lao động, chi phí hoạt động và nhiều vấn đề khác. Covid-19 tác động kinh khủng đến tình hình hoạt động của doanh nghiệp” - Giám đốc doanh nghiệp này cho biết.

Trên bình diện tổng thể, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) Trương Đình Hòe cho rằng, đối với ngành thủy sản nếu không sớm khôi phục sản xuất có thể dẫn đến hậu quả đứt gãy, khiến ngành khó có cơ hội để phục hồi, mà cụ thể nguyên liệu thủy sản sẽ ứ đọng, nông dân nuôi tôm, cá sẽ cực kỳ khó khăn. VASEP cũng đề xuất giảm 30% tiền điện cho các doanh nghiệp chế biến thủy sản cho giai đoạn 6 tháng cuối năm nay. Bởi, một doanh nghiệp chế biến thủy sản có cả một tổ hợp cần điện để thực hiện được nhiệm vụ, đó là chế biến - cấp đông - kho bảo quản, thậm chí nhiều doanh nghiệp còn đầu tư cả khâu nuôi trồng để hoàn thiện chuỗi cung ứng.

2. Không chỉ đối với ngành thủy sản xuất khẩu, “bão” SARS-CoV-2 còn quét qua nhiều lĩnh vực khác trong đời sống xã hội. Ông Nguyễn Văn Ửng, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Nông Thuận Phát (TP. Mỹ Tho) cho biết, do dịch Covid-19, công ty tạm ngưng hoạt động nên doanh thu trong những tháng tỉnh thực hiện giãn cách xã hội cũng giảm đáng kể. Cụ thể, doanh thu trong tháng 7 và 8 giảm khoảng 50%, bước sang tháng 9 cơ bản ổn định trở lại. Dự báo cả năm 2021, doanh thu của công ty giảm khoảng 20% so với năm 2020. Tuy nhiên, tùy theo tình hình thị trường, công ty cố gắng kéo giảm doanh thu chỉ ở mức khoảng 10%, nhờ lợi thế là sản phẩm của công ty nằm trong nhóm hàng thiết yếu.

“Những ngày gần đây, công ty đã bắt đầu khởi động trở lại và chỉ hoạt động 50% công suất. Hiện tại, nhân viên công ty đã được tiêm 2 mũi vắc xin nhưng để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, mỗi tuần công ty cho công nhân xét nghiệm một lần, riêng lực lượng tài xế thì 2 - 3 ngày được test kiểm tra một lần. Nhìn chung, tất cả các yếu tố đầu vào để sản xuất phân bón tăng cao, nhưng hoạt động của doanh nghiệp cũng không bị ảnh hưởng lớn. Bên cạnh đó, công ty còn được ưu đãi từ các gói tín dụng như tăng hạn mức và vay với lãi suất ưu đãi hơn. Hy vọng từ nay đến cuối năm, tình hình hoạt động của công ty khả quan hơn”- ông Nguyễn Văn Ửng cho biết.

Nhờ tốc độ tăng trưởng cao 6 tháng đầu năm nên tính chung 9 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Tiền Giang đạt hơn 2,3 tỷ USD, đạt 73% kế hoạch, tăng 7,3% so cùng kỳ. Kết quả có được là do thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) Tiền Giang những năm qua cao, nhờ vào lợi thế gần TP. Hồ Chí Minh và có hạ tầng khu công nghiệp, giao thông kết nối khá tốt.

Theo đó, kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong 9 tháng năm 2021 đạt hơn 1,9 tỷ USD, chiếm hơn 80% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Điều đáng chú ý là các mặt hàng được xem là chủ lực của Tiền Giang như thủy sản, gạo, rau quả đều có giá trị xuất khẩu những tháng đầu năm 2021 giảm đáng kể. Cụ thể, giá trị xuất khẩu gạo giảm gần 16%, thủy sản giảm 29%, dệt may cũng giảm 15%...

Nhìn một cách tổng thể về tác động của “bão” SARS-CoV-2, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Tiền Giang Trần Đỗ Liêm cho rằng, hiện nay chưa có con số thống kê chính xác nhưng tổng thể có thể nói hầu hết các hoạt động của doanh nghiệp đều bị tác động, nhưng nặng nhất là nằm ở nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ, phục vụ cho dân sinh và tiêu thụ nội địa, không chỉ ở thành thị mà cả ở nông thôn do tỉnh thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 hay 16 của Thủ tướng Chính phủ trong thời gian dài.

Khi các nhóm ngành này đứng lại dẫn đến nhiều hoạt động khác cũng đứt gãy theo, chuỗi cung ứng liên hoàn cũng ảnh hưởng đáng kể. Thực tế cho thấy, mức tiêu dùng xã hội giảm, hoạt động của doanh nghiệp giảm, hợp tác xã sản xuất, phân phối khó khăn, tất nhiên đời sống của người dân cũng ảnh hưởng. Ngoài ra, nhóm hàng xuất khẩu cũng chịu ảnh hưởng lớn, chẳng hạn như chế biến thủy sản xuất khẩu. Dù thị trường tiêu thụ trên thế giới vẫn còn rất lớn nhưng do ảnh hưởng trong nước, sản xuất ngưng trệ vì tác động của Covid-19, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực này phải tạm đóng cửa, chuỗi sản xuất từ nuôi trồng, đến chế biến, xuất khẩu bị đứt gãy dẫn đến khó khăn cho nhiều doanh nghiệp.

Tuy nhiên, cũng có nhóm ít bị ảnh hưởng, chẳng hạn đối với nhóm sản phẩm công nghiệp chế biến thực phẩm, nếu có phương án sản xuất đảm bảo an toàn phòng dịch, sản phẩm vẫn có thể tiêu thụ tốt trên thị trường, dù có chậm hơn nhưng vẫn góp phần duy trì hoạt động. “Nhìn tổng thể trong quý I, II-2021, hoạt động của khối doanh nghiệp có mức tăng trưởng tốt nhưng trong quý III-2021 bị ảnh hưởng lớn. Hiện nay, Tiền Giang cơ bản kiểm soát được dịch bệnh nhưng nhìn chung hầu hết doanh nghiệp vẫn chưa hoạt động trở lại”- ông Trần Đỗ Liêm cho biết.

THẾ ANH

(còn tiếp)

.
.
.