Thứ Tư, 10/11/2021, 10:15 (GMT+7)
.
TẠO ĐÀ SẢN XUẤT MỚI

BÀI 1: Bài toán khó cho doanh nghiệp

Khôi phục sản xuất, kinh doanh trong điều kiện dịch Covid-19 đã và đang diễn biến rất phức tạp, đặt ra bài toán khó không chỉ đối với doanh nghiệp, mà còn đối với các cơ quan quản lý nhà nước.

Nhiều DN bắt đầu hoạt động trở lại.
Nhiều DN bắt đầu hoạt động trở lại.

Sau khi tỉnh chuyển đổi trạng thái sang giai đoạn mới, nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã hoạt động trở lại, vừa sản xuất, vừa gắn với công tác phòng, chống dịch. Ổn định sản xuất, an toàn phòng dịch đã và đang trở thành thách thức cho không ít DN.

KỊP THỜI THÁO GỠ KHÓ KHĂN

Tiền Giang cùng cả nước chuyển dần trạng thái để các hoạt động trở lại bình thường, trong đó có các DN. Thực tế cho thấy, sau hơn 1 tuần Tiền Giang chuyển sang khôi phục sản xuất, kinh doanh (SXKD) theo trạng thái mới, ngày càng có nhiều DN đi vào hoạt động trở lại. Nhiều DN lựa chọn phương án cho người lao động đi, về hằng ngày, nhưng cũng có nhiều DN lựa chọn giải pháp an toàn hơn là tiếp tục duy trì sản xuất theo phương án “3 tại chỗ”.

Dù có nhiều cố gắng, nỗ lực trong công tác phòng, chống dịch nhưng gần đây trên địa bàn tỉnh cũng đã ghi nhận không ít ca nhiễm Covid-19 tại các DN thông qua xét nghiệm sàng lọc và định kỳ. Gần đây nhất là tại Công ty ĐTP với 40 ca F0, Cơ sở sản xuất TC với 30 ca F0…

Điều này trở thành mối lo lớn hơn trong việc khôi phục SXKD của không ít DN. Để hỗ trợ phục hồi SXKD, tỉnh đã thành lập Tổ công tác đặc biệt của tỉnh, để thường xuyên tổ chức gặp gỡ, động viên, nắm bắt các khó khăn, vướng mắc để kịp thời tháo gỡ, giải quyết, tạo sự đồng thuận cao trong DN; thành lập nhiều Tổ công tác hướng dẫn, góp ý, thông qua, kiểm tra phương án SXKD gắn với đảm bảo an toàn phòng, chống dịch đối với DN; đảm bảo trong thời hạn 3 ngày, kể từ ngày nhận được phương án của DN; thành lập Tổ công tác về y tế với nhiệm vụ kiểm tra, giám sát việc tiêm ngừa, xét nghiệm; trực tiếp tham gia phối hợp chỉ đạo xử lý các ổ dịch tại DN trong khu, cụm công nghiệp; xem xét hỗ trợ các huyện kịp xử lý các ổ dịch tại DN ngoài khu, cụm công nghiệp; định kỳ (2 tuần/lần) tổ chức Hội nghị trực tuyến đối thoại với các DN để lắng nghe, động viên, chia sẻ, kịp thời thông tin, hướng dẫn thực hiện các chủ trương, chính sách hỗ trợ DN của Trung ương, địa phương và kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc của DN.

Phát biểu kết luận phiên họp thành viên UBND tỉnh tháng 11-2021 vào chiều 8-11, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Vĩnh yêu cầu Sở KH-ĐT và Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh tập trung hỗ trợ DN khôi phục SXKD. Các ngành tập trung góp ý, hướng dẫn sớm thông qua phương án của DN để đi vào hoạt động; đồng thời, triển khai các trạm y tế ở các khu, cụm công nghiệp để hỗ trợ các DN trong công tác phòng, chống dịch; khẩn trương ban hành quy trình xử lý các ca nhiễm Covid-19 trong DN. Bên cạnh đó, các ngành đẩy nhanh thực hiện tiến độ hỗ trợ các DN, người lao động trên cơ sở các chính sách, nghị quyết của Trung ương; định kỳ 2 tuần/lần, UBND tỉnh sẽ tổ chức gặp gỡ DN để kịp thời nắm bắt khó khăn và có giải pháp tháo gỡ cho DN

Theo đánh giá của Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT), đến ngày 8-11, toàn tỉnh có khoảng 299 DN trong và ngoài khu, cụm công nghiệp hoạt động trở lại với hơn 78.000 lao động, bình quân 263 lao động/DN. Đối với DN trong khu, cụm công nghiệp, Ban Quản lý các khu công nghiệp đã hướng dẫn 105 DN trong khu, cụm công nghiệp xây dựng phương án SXKD, với gần 55.000 lao động.

Trong đó, có 74 DN thực hiện phương án cho người lao động đi, về hằng ngày; 29 DN thực hiện phương án “3 tại chỗ” và 3 DN kết hợp phương án cho lao động đi, về hằng ngày và “3 tại chỗ”.

Đối với DN ngoài khu, cụm công nghiệp, Sở KH-ĐT đã hướng dẫn, thẩm định 27 DN, với tổng số 16.483 lao động, trong đó có 22 DN thực hiện phương án cho người lao động đi, về hằng ngày và 5 DN thực hiện kết hợp giữa phương án cho lao động đi, về hằng ngày và “3 tại chỗ”. UBND các huyện, thị, thành cũng đã hướng dẫn, góp ý, thẩm định phương án SXKD của 167 DN, với hơn 7.200 lao động.

Đánh giá về tình hình hoạt động của các DN, nhất là sau thời gian tỉnh chuyển dần trạng thái từ ngày 1-11, Chủ tịch UBND huyện Châu Thành Huỳnh Văn Bé Hai cho biết, đến nay đã có 9 DN dưới 200 lao động trên địa bàn huyện đăng ký phương án SXKD. Trong đó, có 6 DN đã được UBND huyện phê duyệt phương án, 3 DN chưa đủ điều kiện.

Nhìn chung, qua kiểm tra, các DN đã tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch khi hoạt động trở lại. Địa phương luôn tích cực phối hợp cùng các đơn vị liên quan trong việc kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch tại các DN.

Còn theo Chủ tịch UBND huyện Gò Công Đông Lê Văn Sơn, đến nay, hầu hết các DN trên địa bàn huyện đã hoạt động trở lại, nhưng số lượng lao động còn chưa nhiều, do công nhân phải đáp ứng điều kiện đã tiêm 2 mũi vắc xin Covid-19. Khi được hoạt động trở lại, các DN rất phấn khởi.

Hiện nay, song song với công tác hỗ trợ DN khôi phục sản xuất, huyện Gò Công Đông luôn chú trọng đến công tác kiểm tra việc phòng, chống dịch tại các DN. Theo đó, huyện đã thành lập 2 đoàn công tác để kiểm tra việc chấp hành các quy định về phòng, chống dịch trong hoạt động SXKD của các DN.

Còn theo Giám đốc Sở KH-ĐT Nguyễn Đình Thông, với việc tỉnh chuyển sang SXKD trong giai đoạn mới từ ngày 1-11, qua làm việc, các DN rất hoan nghênh. Đồng thời, tỉnh cũng đã kịp thời nắm bắt ý kiến, kiến nghị, tháo gỡ khó khăn cho các DN, tạo sự đồng thuận cao trong cộng đồng DN.

ĐẢM BẢO CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG DỊCH

Theo Sở KH-ĐT, 10 tháng năm 2021, toàn tỉnh có 433 DN đăng ký thành lập mới, với tổng vốn đăng ký hơn 3.97  tỷ đồng (trong đó có 38 DN phát triển từ hộ kinh doanh), đạt 61% so kế hoạch năm 2021, giảm 33% về số DN, nhưng tăng 12% về vốn đăng ký so cùng kỳ năm trước.

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có 515 đơn vị trực thuộc đăng ký thành lập mới (gồm 102 chi nhánh, 393 địa điểm kinh doanh, 20 văn phòng đại diện), giảm 52% so cùng kỳ. Tính đến cuối tháng 10-2021, toàn tỉnh có khoảng 6.627 DN, 4.360 đơn vị trực thuộc đang hoạt động. Đến nay, toàn tỉnh có 31 DN đăng ký tạm ngừng hoạt động có thời hạn (giảm 36,7% so cùng kỳ 2020) và 72 DN hoàn tất giải thể.

Theo Sở KH-ĐT, trong quá trình khôi phục SXKD từ đầu tháng 11 đến nay, một số DN khi xét nghiệm cho người lao động bằng phương pháp RT-PCR trước khi trở lại làm việc đã ghi nhận trường hợp dương tính với Covid-19.

Mặt khác, trong quá trình hoạt động trở lại, các DN đã chủ động xét nghiệm Covid-19 theo định kỳ, trong đó cũng có DN phát sinh trường hợp người lao động nhiễm Covid-19.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy cũng có trường hợp DN chưa thực hiện đúng theo phương án xử lý F0, F1. Cũng theo Sở KH-ĐT, thời gian qua, khi phát sinh nhiều ca nhiễm Covid-19 tại các DN, các Tổ Y tế tại DN chưa phát huy được vai trò chủ động khi phối hợp với các cơ quan có liên quan, các tổ công tác thẩm định trong xử lý F0, F1. Do đó, Tổ Y tế tại DN cần tăng cường phối hợp với các Tổ công tác thẩm định trong việc hướng dẫn xét nghiệm, xử lý F0.

Theo đánh giá của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Trọng, qua thẩm định ban đầu, hiện khâu lo nhất vẫn là công tác phòng, chống dịch khi DN đi vào SXKD trở lại. UBND tỉnh đã có hướng dẫn việc khôi phục SXKD và quyết định thành lập 3 tổ công tác để thẩm định, thông qua, đặc biệt là Tổ Y tế. Tổ Y tế phải hướng dẫn DN từng tình huống cụ thể chứ không thể nói chung chung.

Cũng theo đồng chí Phạm Văn Trọng, hiện kế hoạch và hướng dẫn khôi phục hoạt động SXKD đã có hiệu lực và số lượng DN hoạt động trở lại đã tăng rất nhiều. Dự báo, hết tháng 11, sẽ có 100% DN tại các khu, cụm công nghiệp trở lại hoạt động.

Bởi trên thực tế cũng có những DN xây dựng phương án chậm, công nhân chưa tiêm đủ 2 mũi vắc xin Covid-19 nên chưa thể hoạt động lại được. Do đó, Sở Y tế phải nhanh chóng triển khai thành lập trạm y tế lưu động ở các khu, cụm công nghiệp để hỗ trợ các DN trong công tác phòng, chống dịch, xử lý F0, F1.

ANH PHƯƠNG - TRỌNG ĐẠT

(Còn tiếp)

 

.
.
.