Thứ Bảy, 25/12/2021, 08:27 (GMT+7)
.

Một năm ứng phó SARS-CoV-2: Nhìn lại và đi tới - BÀI 3:Trụ đỡ vững chắc

BÀI 1: Nhiều gam màu

BÀI 2: Xuất khẩu vượt khó

Trong khi nhiều ngành phải chật vật vượt qua khó khăn do tác động của SARS-CoV-2, nông nghiệp là ngành duy nhất có mức tăng trưởng dương trong năm 2021.

Dù chịu không ít khó khăn nhưng thực tế cho thấy nông nghiệp vẫn là trụ đỡ vững chắc, nhất là khi kinh tế - xã hội có nhiều biến động do dịch bệnh.

TÁC ĐỘNG LỚN

SARS-CoV-2 quét qua quá nhanh cuốn đi nhiều thứ, tác động trực tiếp đến ngành Nông nghiệp. Có thời điểm, ngành Nông nghiệp chịu áp lực rất lớn do ùn ứ hàng hóa, giá cả xuống thấp, xuất khẩu gặp khó dẫn đến đời sống của nông dân bị ảnh hưởng lớn; nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) trong ngành phải tạm thời đóng cửa. Giám đốc HTX Dịch vụ sản xuất nông Nghiệp Mỹ Lương Huỳnh Nguyên Anh chia sẻ, năm 2021 là một trong những năm khó khăn nhất của ngành Nông nghiệp nói chung, nhất là đối với nhiều HTX.

“Vào cao điểm của dịch bệnh, lưu thông hàng hóa đi các tỉnh bị ngưng trệ, các đầu mối tiêu thụ ở Hà Nội không thể nhận hàng. Điều này dẫn đến giá cả nhiều loại nông sản xuống thấp, nhà vườn khó tiêu thụ nông sản, HTX gặp rất nhiều khó khăn. Ùn ứ hàng hóa xảy ra là điều có thể lường trước.

Hiện nay, lưu thông hàng hóa cơ bản được thông suốt, các đơn vị cung ứng, đầu mối tiêu thụ nông sản đã quay lại nhận hàng nhưng số lượng còn hạn chế hơn trước. HTX cũng sẽ cố gắng tìm nhiều giải pháp xoay trở để vượt qua khó khăn”- ông Huỳnh Nguyên Anh cho biết.

Ngành Nông nghiệp chuyển biến rõ nét sau tác động của dịch Covid-19. 	Ảnh: THẢO - THÀNH
Ngành Nông nghiệp chuyển biến rõ nét sau tác động của dịch Covid-19. Ảnh: THẢO - THÀNH

Đánh giá chung của ngành Nông nghiệp, vào cao điểm của dịch bệnh trong quý III-2021, nhiều mặt hàng nông sản tiêu thụ gặp rất nhiều khó khăn. Đáng chú ý nhất là đối với nhóm hàng trái cây. Thống kê của ngành Nông nghiệp cho thấy, trong thời gian các tỉnh, thành thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, tình hình tiêu thụ gặp biến động lớn, giá nhiều loại nông sản xuống rất thấp.

Chẳng hạn, trong giai đoạn cao điểm của dịch bệnh, giá thanh long ruột đỏ chỉ 1.000 - 2.000 đồng/kg, giá mãng cầu Xiêm giảm còn 2.000 đồng/kg, giá sầu riêng giảm 10.000 đồng/kg... Trước những khó khăn chung, nhiều giải pháp cấp bách đã được đặt ra nhằm giúp ngành Nông nghiệp vượt qua khó khăn.

Trao đổi thêm về tình hình hoạt động trong giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Giám đốc HTX Nông nghiệp sạch Hưng Thịnh Phát (huyện Chợ Gạo) Nguyễn Trung Quý cho biết, thông qua hình thức combo hàng hóa đã giúp cho HTX tiêu thụ lượng lớn thanh long của địa phương.

“Tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng ngành Nông nghiệp, chính quyền địa phương đã tích cực hỗ trợ để HTX hoạt động ổn định. Nhờ đó, ngoài cung ứng hàng hóa theo combo, HTX cũng thu mua hơn 300 tấn thanh long để cung ứng cho công ty chế biến, góp phần tiêu thụ lượng lớn thanh long của nông dân trong khu vực, giảm bớt ùn ứ trong giai đoạn khó khăn do tác động của dịch bệnh”- anh Nguyễn Trung Quý cho biết thêm.

DẦN KHÔI PHỤC

Nhìn từ thực tiễn cho thấy, trong bối cảnh các doanh nghiệp sản xuất chịu ảnh hưởng bởi tác động của dịch Covid-19, tỉnh xác định nông nghiệp là một trụ đỡ rất quan trọng, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế, vừa góp phần đảm bảo an sinh xã hội và trật tự trị an trên địa bàn tỉnh.

Để thực hiện mục tiêu chung, theo Chỉ thị 26 ngày 21-9-2021 của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy sản xuất, lưu thông, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản trong bối cảnh phòng, chống dịch Covid-19 và Kế hoạch 267 ngày 25-9-2021 của UBND tỉnh về phục hồi kinh tế, ngành Nông nghiệp tỉnh đã xây dựng kế hoạch và tập trung triển khai việc khôi phục sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh nông sản. Bên cạnh đó, thực hiện Nghị quyết 128 ngày 11-10-2021 của Chính phủ ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch 295 ngày 17-10-2021 về việc thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 cấp độ 2 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

Thông qua thực hiện nhiều giải pháp sau tác động của dịch Covid-19, hoạt động sản xuất nông nghiệp và tiêu thụ sản phẩm nông sản cơ bản được khôi phục. Theo đó, giá trị sản xuất của ngành Nông nghiệp năm 2021 đạt 49.825 tỷ đồng, tăng 0,96% so với năm 2020. Riêng tốc độ tăng trưởng khu vực nông, lâm, ngư nghiệp năm 2021 tăng 1,66%, mặc dù không đạt kế hoạch đề ra nhưng là ngành duy nhất có tăng trưởng dương.

Theo đánh giá chung, những chuyển biến sau tác động của dịch Covid-19 đối với ngành Nông nghiệp tương đối rõ nét. Theo đó, tổng diện tích cây ăn trái hiện có của tỉnh là 82.766 ha, trong đó có 62.997 ha cho sản phẩm, ước sản lượng trái cây năm 2021 hơn 1,59 triệu tấn, tăng 4,2% so với cùng kỳ.

Theo kế hoạch, sản lượng trái cây cho thu hoạch trong tháng 12-2021 khoảng 121.000 tấn, sản lượng trái cây đã bắt đầu tăng do nhiều loại trái cây vào mùa thu hoạch chính vụ và một số loại trái cây khác được xử lý nghịch vụ để có giá bán cao, phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Noel và tết, chủ yếu là thanh long, mít, khóm, sa pô, sầu riêng, vú sữa, xoài, dưa hấu...

Trong trạng thái bình thường mới, đặc biệt là trong tháng qua, việc tiêu thụ nhiều loại trái cây như: Thanh long, mãng cầu Xiêm, khóm, sầu riêng, bưởi da xanh tiếp tục được cải thiện, giá bán tăng trung bình từ 3.000 - 7.000 đồng/kg (sầu riêng tăng 25.000 đồng/kg); riêng giá mít lại giảm do sản lượng thu hoạch tương đối lớn trong khi tình hình xuất khẩu mít sang Trung Quốc gặp khó khăn. Hiện tại, không xảy ra tình trạng tồn đọng sản phẩm nông sản trong dân mặc dù giá một số loại trái cây còn thấp hơn so với cùng kỳ.

Theo đánh giá chung, mặc dù có nhiều chuyển biến tích cực sau tác động lớn của dịch Covid-19, nhưng trong chặng đường sắp tới ngành Nông nghiệp vẫn còn rất nhiều việc phải làm.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Mẫn cho biết, một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới là ngành tiếp tục hỗ trợ để tiếp tục vượt qua khó khăn do tác động lớn của dịch Covid-19. Đồng thời, ngành Nông nghiệp cũng sẽ thực hiện nhiều nhiệm vụ trọng tâm khác.

Đó là ngành sẽ tập trung hỗ trợ, hướng dẫn thực hiện liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản theo Nghị quyết 07 ngày 12-7-2019 của HĐND tỉnh về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo kế hoạch của tỉnh, với mục tiêu đến năm 2025 hỗ trợ xây dựng 110 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp giữa nông dân, HTX, doanh nghiệp nhằm khắc phục tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, không kiểm soát được chất lượng và giúp kết nối tiêu thụ ổn định, bền chặt; trong đó, phấn đấu có 30 - 40 chuỗi liên kết từ khâu sản xuất đến sơ chế, chế biến, tiêu thụ sản phẩm làm mô hình điểm để nhân rộng.

Bên cạnh đó, theo đồng chí Nguyễn Văn Mẫn, ngành Nông nghiệp cũng tập trung mời gọi doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nhất là đầu tư lĩnh vực chế biến nông sản theo Nghị quyết 03 ngày 12-7-2019 của HĐND tỉnh về quy định chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Tiền Giang. Theo đó, ngày 20-5-2021 UBND tỉnh cũng đã ban hành Quyết định 08 ngày 20-5-2021 quy định định mức hỗ trợ đối với từng loại hạng mục, công trình khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Ngoài ra, ngành Nông nghiệp sẽ tăng cường triển khai, nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu có hiệu quả, phù hợp với điều kiện sinh thái từng vùng; tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cấp hoàn thiện các công trình thủy lợi (đặc biệt là các công trình phòng, chống hạn, xâm nhập mặn vào mùa khô), hệ thống giao thông, hệ thống điện… phù hợp với yêu cầu chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp….

THẾ ANH

(Còn tiếp)

.
.
.