Thứ Hai, 21/03/2022, 09:02 (GMT+7)
.
CHÀO MỪNG ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU HIỆP HỘI DOANH NGHIỆP TỈNH TIỀN GIANG LẦN THỨ IV, NHIỆM KỲ 2022 - 2027

Bước tiến của cộng đồng doanh nghiệp

Nhiệm kỳ 2016 - 2021, dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng cộng đồng doanh nghiệp (DN) đã có bước phát triển đáng ghi nhận, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Tiền Giang.

ẤN TƯỢNG VỀ PHÁT TRIỂN DOANH NGHIỆP

Bước vào đầu nhiệm kỳ 2015 - 2020, một trong những định hướng quan trọng của tỉnh Tiền Giang là tập trung thu hút đầu tư, phát triển DN, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh. Hiện thực hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Tiền Giang lần thứ X (nhiệm kỳ 2015 - 2020), Tỉnh ủy, UBND tỉnh nhận định muốn phát triển kinh tế - xã hội phải có nguồn lực tài chính. Để đạt được mục tiêu này phải khơi dậy và phát triển được cộng đồng DN. Đó là động lực dẫn đến sự ra đời Nghị quyết 06 của Tỉnh ủy về hỗ trợ và phát triển DN được ban hành vào ngày 27-12-2016.

Điều này đã tạo ra chuỗi liên kết trong thu hút đầu tư, phát triển DN, thu ngân sách nhà nước. Nghị quyết này cùng Nghị quyết 35 của Chính phủ đã tạo ra sự đột phá lớn về chính sách phát triển kinh tế lớn của tỉnh. Trong đó, Nghị quyết 06 của Tỉnh ủy Tiền Giang đã huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị cùng tham gia, tạo nên những sức bật mới trong phát triển DN theo chủ trương chung của Chính phủ và tình hình thực tế của địa phương.

 Tình hình phát triển DN trên địa bàn Tiền Giang đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Tình hình phát triển DN trên địa bàn Tiền Giang đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Một điểm nổi bật trong phát triển DN ở tỉnh chính là khâu cải cách thủ tục hành chính. Việc đăng ký thành lập DN qua mạng điện tử được đẩy mạnh nhằm hỗ trợ DN giảm thời gian, chi phí. Tỷ lệ đăng ký DN qua mạng điện tử đã tăng qua từng năm. Mặt khác, để thúc đẩy DN phát triển, tỉnh còn đẩy mạnh, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy các hộ kinh doanh chuyển đổi lên DN. Với con số hơn 60.000 hộ kinh doanh, đây là nguồn rất lớn có điều kiện để phát triển DN. Qua công tác vận động, tuyên truyền để hộ kinh doanh thấy được lợi ích khi chuyển đổi lên DN, nhiều hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn chuyển đổi lên DN.

Theo đánh giá của Tiến sĩ Trần Thanh Đức, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Tiền Giang, nhiệm kỳ qua, tình hình phát triển DN của tỉnh đã đạt được những kết quả đáng kể. Đến cuối năm 2020, tổng số DN hoạt động trên địa bàn tỉnh là 6.279 DN, vượt mục tiêu Nghị quyết 06 của Tỉnh ủy đề ra là đến năm 2020 toàn tỉnh có 5.000 DN hoạt động. Năm 2021, mặc dù dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp ảnh hưởng nặng nề đến mọi mặt đời sống, kinh tế, xã hội, nhưng số DN thành lập mới vẫn ở mức cao (576 DN), đặc biệt trong 2 tháng đầu năm 2022 đã có 168 DN thành lập mới.

Đánh giá về vai trò của Hiệp hội DN tỉnh Tiền Giang trong thời gian qua, ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng (huyện Cái Bè), thành viên Hiệp hội DN tỉnh cho biết, Hiệp hội DN tỉnh chính là cầu nối giữa các DN với nhau và cũng là cầu nối giữa DN và chính quyền. Do đó, là thành viên của Hiệp hội DN tỉnh, DN cũng hưởng được nhiều lợi ích. Cụ thể, DN sẽ biết được thông tin giữa các DN, biết được tình hình sản xuất, cung ứng hàng hóa ở nơi này thế nào. Khi có những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ, qua cầu nối là Hiệp hội DN tỉnh, DN sẽ được chính quyền quan tâm giải quyết sớm. Do đó, việc tham gia Hiệp hội DN tỉnh là rất cần thiết đối với các DN hiện nay.

Có thể nói, trong nhiệm kỳ qua, sự phát triển của cộng đồng DN Tiền Giang đã đóng góp quan trọng vào nhiều lĩnh vực, trong đó nổi bật là hoạt động xuất khẩu. Hoạt động xuất khẩu giai đoạn 2016 - 2020, đã có bước phát triển đáng kể. Các DN xuất khẩu trực tiếp ngày càng nhiều và đa dạng hóa được các mặt hàng xuất khẩu, tăng dần quy mô và thị trường xuất khẩu. Nếu như năm 2016, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh đạt 2,1 tỷ USD thì đến năm 2020, đạt 3,046 tỷ USD, tăng gần 1 tỷ USD.

Chưa dừng lại ở đó, một trong những đóng góp nổi bật của cộng đồng DN trong nhiệm kỳ vừa qua là công tác thu ngân sách nhà nước. Cụ thể, các DN đã đóng góp tích cực vào nguồn thu ngân sách của tỉnh. Nếu như năm 2015, thu ngân sách trên địa bàn tỉnh chỉ gần 4.000 tỷ đồng thì đến năm 2020 đạt khoảng hơn 10.800 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này, tỉnh đã triển khai đầu tư nhiều công trình, dự án trọng điểm để thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển.

KHẲNG ĐỊNH VAI TRÒ CẦU NỐI

Cùng với sự phát triển của cộng đồng DN trong tỉnh, trong nhiệm kỳ vừa qua, hoạt động của Hiệp hội DN tỉnh Tiền Giang cũng không ngừng phát triển lớn mạnh, thu hút thêm nhiều thành viên tham gia. Theo Tiến sĩ Trần Thanh Đức, nhiệm kỳ qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, thành, thị đã quan tâm, hỗ trợ rất kịp thời đến hoạt động của doanh nghiệp, hiệp hội, các hội, chi hội. Điều này đã tạo động lực, niềm tin cho các DN vươn lên hoàn thành các mục tiêu đặt ra, thể hiện qua các hội nghị đối thoại, tiếp xúc DN, kết nối giữa ngân hàng - DN, đối thoại, tuyên dương người nộp thuế...

Ngoài ra, sự quan tâm, hỗ trợ còn được thể hiện qua các đoàn của lãnh đạo tỉnh, huyện, thành, thị đi thăm hỏi, lắng nghe, tiếp nhận, giải quyết các ý kiến, kiến nghị của doanh nhân, DN. Trên cơ sở đó, nhiệm kỳ vừa qua, Hiệp hội DN tỉnh đã kết nạp thêm 571 hội viên mới. Tổng số hội viên đến nay là 765, vượt chỉ tiêu Nghị Quyết mà Đại hội nhiệm kỳ III đặt ra là trong nhiệm kỳ phát triển từ 400 - 500 hội viên. Đồng thời, thành lập 10 hội, chi hội DN huyện, thị, Hội Doanh nhân TP. Mỹ Tho và Chi hội nữ Doanh nhân tỉnh. Sau khi được thành lập, các hội, chi hội đã ổn định tổ chức, triển khai thực hiện kế hoạch hoạt động, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, tổ chức được các hoạt động thiết thực hỗ trợ DN.

Song song đó, với vai trò cầu nối giữa chính quyền và DN, trong nhiệm kỳ vừa qua, Hiệp hội DN tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ thành viên. Theo đó, Hiệp hội DN tỉnh đã chủ động nắm bắt tình hình khó khăn, vướng mắc của DN hội viên, tiếp nhận và chuyển kiến nghị của 50 DN hội viên liên quan đến các lĩnh vực: An ninh trật tự tại khu công nghiệp, hạ tầng giao thông, nhập cảnh, đất đai, thuế, bảo hiểm xã hội, lãi suất ngân hàng… đến các cơ quan có chức năng giải quyết. Đến nay, hầu hết các kiến nghị của DN đều được giải quyết.

Đặc biệt trong 2 năm (2020 - 2021), do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, Hiệp hội DN tỉnh đã chủ động tổ chức thăm và làm việc với một số hội, chi hội và DN để nắm bắt tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh, để có hướng tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho các DN. Các khó khăn, vướng mắc tập trung như: Nguyên liệu, thị trường; chi phí duy trì hoạt động; nguồn vốn vay; nguồn nhân lực; các vấn đề về vắc xin, đi lại, vận chuyển hàng hóa...

Ngoài ra, trong nhiệm kỳ vừa qua, Hiệp hội DN tỉnh còn thực hiện tốt công tác thông tin và tuyên truyền về các chính sách liên quan đến DN cho các thành viên. Điều này tạo điều kiện cho hội viên được nắm bắt, cập nhật kịp thời các chương trình đào tạo, hội thảo, tập huấn, kinh nghiệm, tin tức, chính sách, pháp luật liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN bằng nhiều hình thức như: Văn bản, trực tiếp, điện thoại, email, zalo, fax, website… mang lại nhiều kết quả tích cực.

Có thể nói, ngoài việc đóng vai trò là cầu nối giữa chính quyền và DN, tích cực hỗ trợ các hội viên, Hiệp hội DN tỉnh Tiền Giang còn tạo sự kết nối giữa các thành viên với nhau. Thông qua đó, các DN là thành viên của Hiệp hội DN tỉnh có cơ hội hợp tác, làm ăn, giúp đỡ nhau cùng phát triển.

ANH THƯ

.
.
.