Thứ Sáu, 08/04/2022, 14:10 (GMT+7)
.

Cần có cơ chế, chính sách để kinh tế tập thể phát triển tốt hơn

Dù lĩnh vực kinh tế tập thể (KTTT), hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh Tiền Giang có nhiều khởi sắc, nhưng vẫn còn tồn tại nhiều bất cập, hạn chế. Từ thực tế trên, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động lĩnh vực kinh tế này đang là vấn đề đặt ra đối với tỉnh Tiền Giang cũng như các HTX hiện nay.

KHỞI SẮC

Thời gian qua, các HTX đã được hỗ trợ để tổ chức lại sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, cơ giới hóa vào sản xuất, tham gia mô hình Cánh đồng lớn, mô hình liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm theo hướng VietGAP, GlobalGAP. Đến nay, trên địa bàn tỉnh Tiền Giang cũng xuất hiện một số mô hình HTX thành công theo phương thức sản xuất gắn với chuỗi giá trị.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tìm hiểu tình hình sản xuất, kinh doanh tại HTX Mỹ Tịnh An.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tìm hiểu tình hình sản xuất, kinh doanh tại HTX Mỹ Tịnh An, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang.

Trong đó, HTX Mỹ Tịnh An là đơn vị điển hình ở tỉnh Tiền Giang về liên kết sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm chủ lực của địa phương. HTX được thành lập vào năm 2009 và hiện có 100 thành viên, với khoảng 100 ha thanh long sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Tháng 7-2020, HTX thành lập chi nhánh tại huyện Tân Phú Đông với 50 thành viên, sản xuất dừa hữu cơ với diện tích 100 ha. HTX ký hợp đồng bao tiêu thanh long cho các thành viên với mức giá sàn 10.000 đồng/kg.

Khi giá thị trường cao hơn mức giá sàn, HTX sẽ mua cao hơn giá thị trường ít nhất 1.000 đồng/kg đối với sản phẩm đạt chuẩn. Thành viên HTX được hưởng lợi nhuận cao hơn so với hộ bên ngoài từ 10% - 20%. Từ đó, các thành viên yên tâm sản xuất, không còn gặp cảnh được mùa mất giá. Ngoài việc xuất khẩu trực tiếp, HTX Mỹ Tịnh An còn liên kết tiêu thụ với nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thanh long, dừa sang thị trường các nước châu Âu, Mỹ, Úc, Trung Quốc và tiêu thụ nội địa.

Năm 2021 và quý I-2022, toàn tỉnh Tiền Giang có 23 HTX thành lập mới, giải thể 1 HTX, nâng tổng số HTX hiện có lên 247. Các HTX đã thu hút 87.301 thành viên tham gia; tạo việc làm cho 30.634 lao động; tổng doanh thu trên 2.651 tỷ đồng, lợi nhuận trên 73 tỷ đồng, thu nhập bình quân khoảng 6 triệu đồng/người/tháng. Về xếp loại HTX, có 52 HTX đạt loại tốt (chiếm 21,1%), 43 HTX đạt loại khá (chiếm 17,4%), 95 HTX đạt loại trung bình (chiếm 38,5%), 34 HTX yếu kém (chiếm 13,8%); riêng 23 HTX mới thành lập nên chưa xếp loại.

Theo đánh giá của Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo, dù số lượng HTX của Tiền Giang chỉ nằm ở mức trung bình trong khu vực, nhưng trình độ phát triển khá tốt. Điển hình là có nhiều mô hình với quy mô lớn, phát triển tương đối bền vững theo thời gian. Nhiều HTX sản xuất trái cây, lúa - gạo, rau màu có sự liên kết chặt chẽ giữa HTX với thành viên. Tỷ lệ HTX hoạt động trung bình trở lên chiếm 82%, gấp 1,5 lần so với mức trung bình của cả nước. 

Đánh giá về kết quả phát triển KTTT, HTX trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Tiền Giang đã triển khai nghiêm túc Nghị quyết 13 ngày 18-3-2002 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về “Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT”, quyết liệt trong xử lý, tái cơ cấu các cơ sở yếu kém. Đến nay, hoạt động KTTT, HTX ở tỉnh có nhiều khởi sắc.

Nhiều mô hình hiệu quả, được nhân rộng và trở thành một xu thế phát triển tốt, đóng góp ngày càng tích cực vào lĩnh vực phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói, giảm nghèo ở địa phương. Số lượng HTX thành lập mới ngày càng nhiều; trong đó, một số HTX có hội đồng quản trị có trình độ cao, qua đào tạo.

Một số HTX đã liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, được Nhà nước hỗ trợ để tổ chức lại sản xuất, áp dụng khoa học - kỹ thuật, cơ giới hóa vào sản xuất, áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn như: VietGAP, Global GAP và có đầu ra ổn định.

CẦN THÁO GỠ NHIỀU KHÓ KHĂN

Theo đánh giá của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, bên cạnh những điểm sáng, các HTX của tỉnh Tiền Giang cũng còn những hạn chế nhất định như: Nhỏ lẻ, manh mún, thiếu vốn, thiếu quỹ đất, cơ sở hạ tầng chưa bảo đảm, công nghệ phục vụ sản xuất và chế biến chưa nhiều...

Với một tỉnh có rất nhiều thuận lợi trong phát triển công nghiệp, kinh tế biển và nông nghiệp, Tiền Giang muốn phát triển bền vững phải có định hướng thật cụ thể. Chủ tịch nước yêu cầu làm sao phải sử dụng đất đai có hiệu quả để có nền nông nghiệp đa chức năng, thích ứng biến đổi khí hậu; chuyển từ nền nông nghiệp hóa học sang hữu cơ, thông minh, nhất là phát triển công nghiệp chế biến, các ngành công nghiệp phụ trợ…

Đối với việc phát triển KTTT, HTX cần tiếp tục được chỉ đạo cụ thể hơn. Sau khi khảo sát, Chủ tịch nước cho rằng, còn nhiều tồn tại, nhất là chính sách, pháp luật phát triển KTTT, HTX, kể cả chỉ đạo về phát triển KTTT, HTX. Nổi bật là vấn đề giải quyết vốn, kể cả tín chấp lẫn thế chấp. Liên minh HTX Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải thúc đẩy vấn đề này mạnh mẽ hơn.

Về đất đai phải quan tâm tạo điều kiện để HTX thực hiện được Cánh đồng lớn, sản xuất lớn không phải manh mún, nhỏ lẻ như hiện nay. Các bộ, ngành, địa phương cần chú trọng giải quyết vấn đề quản trị và nguồn nhân lực cho các HTX; nhất là liên kết ở các HTX nông nghiệp, dịch vụ đầu vào, đầu ra; đảm bảo lợi ích cho thành viên HTX và cộng đồng.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm, hỗ trợ cơ chế, chính sách, nguồn lực cho các HTX; nhắc các sở, ngành tiếp cận hỗ trợ HTX về thị trường, chuỗi liên kết cung ứng, tham gia vào chuỗi phân phối cho các siêu thị.

Đồng thời, khuyến khích các ngân hàng cho HTX vay vốn, có những chính sách ưu đãi về vốn tín dụng… Đặc biệt, Chủ tịch nước mong muốn Tiền Giang phát huy hơn nữa vai trò Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội, huy động sức mạnh tổng hợp trong vận động các hội viên tham gia phát triển KTTT trên địa bàn.

M. THÀNH - C. THẮNG

.
.
.